Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa đề xuất UBND TP.HCM phương án lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi nhằm tạo bóng mát, tạo gian thương mại, mua sắm dọc con phố.
Theo ghi nhận, bắt đầu từ khoảng 10 giờ, những cửa hàng ở vỉa hè bên phải đường Lê Lợi (hướng từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành) hứng trọn ánh nắng. Nắng ngày một gắt, thêm sức nóng từ vỉa hè, lòng đường bốc lên khiến khu vực này càng thêm oi bức, khó chịu. Nhiều du khách đi qua khu vực này tìm mọi cách tránh ánh nắng, hoặc di chuyển thật nhanh. Nhiều cửa hàng trên tuyến đường này rơi vào cảnh ế ẩm, thời tiết quá nắng, du khách rất ngại dừng lại các cửa hàng để tham quan, mua sắm.
Du khách di chuyển trên vỉa hè đường Lê Lợi dưới cái nắng gắt buổi trưa. Ảnh: Quang Sung
Trước thông tin lắp mái che trên vỉa hè đường Lê Lợi, những hộ kinh doanh ven con đường bày tỏ đồng tình về phương án trên.
Ông Trịnh Hoài Thanh - hộ kinh doanh 20 năm trên đường Lê Lợi cho biết: “Tôi hoan nghênh chủ trương lắp mái che. Vì đường này không còn cây xanh để che bóng mát nữa, lắp mái che tốt cho du khách, người ta có nơi để trú nắng, nóng quá chịu không nổi”.
Ông Thanh cho biết thêm, mỗi ngày cửa hàng ông phải dùng bạt để che các tủ hàng lại, vì nắng chiếu thẳng vào cửa hàng. Trước kia trên vỉa hè có hàng cây nên hạn chế được ánh nắng, sau khi thi công metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, hàng cây không còn nữa, nên cửa hàng ông Thanh bị nắng chiếu trực tiếp vào nhà mỗi ngày.
Du khách Trần Hậu Thanh Bình (sinh năm 1998) cho biết, anh thường xuyên đi qua con đường này và thấy nắng tại đây khá gắt. Sáng nay, anh Bình mới biết được thông tin về việc đề xuất lắp mái che tại đường Lê Lợi. “Mình thấy con đường khá nắng, khách du lịch đi lại khá nhiều, mình thấy lắp mái che là hợp lý. Nhưng mà nếu thay mái che bằng cây xanh thì sẽ hay hơn”, anh Bình cho hay.
Du khách Trần Hậu Thanh Bình tán thành với phương án lắp mái che vỉa hè đường Lê Lợi. Ảnh: Quang Sung
Không chỉ có hộ kinh doanh, du khách mà ngay cả những tài xế xe ôm công nghệ cũng mong muốn mái che sớm được lắp tại vỉa hè đường Lê Lợi. Một tài xế dừng đợi khách trên đường Lê Lợi cho hay, việc lắp mái che sẽ tốt hơn cho những người bán hàng và khách du lịch.
“Tài xế như chúng tôi cũng có chỗ nghỉ mát, những người đi đường cũng có bóng mát để nghỉ ngơi. Khách du lịch thường sẽ để ý môi trường ở đây tốt hay không, mái che tác động đến môi trường, tạo không khí mát mẻ, góp một phần nào đó thu hút khách du lịch đến đây”, tài xế xe ôm công nghệ đón khách tại đường Lê Lợi nói.
Cảnh đối lập hai bên vỉa hè đường Lê Lợi. Ảnh: Quang Sung
Tháng 8/2022, rào chắn thi công trên đường Lê Lợi - đoạn nối phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành được tháo dỡ sau 8 năm thi công metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Đoạn đường này có vị thế rất đẹp, gần các địa điểm du lịch lớn của thành phố. Tuy nhiên, phần làn đường và vỉa hè bên phải (hướng từ phố đi bộ Nguyễn Huệ đến chợ Bến Thành) không có mảng xanh, mỗi khi trời nắng, khu vực này cực kỳ oi bức.
Được biết, hiện trạng tuyến đường Lê Lợi không thể bố trí ngay cây và mảng xanh đủ lớn, đủ dày để tạo bóng mát cho vỉa hè như trước. Do vậy, giải pháp hiện nay là tăng cường mái che vừa che nắng che mưa, vừa tạo không gian đi bộ thuận lợi cho thương mại - dịch vụ…
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, vỉa hè đường Lê Lợi mỗi bên trung bình 5,5 - 6m sẽ được đề xuất bố trí mái che nắng, che mưa vươn ra 4m. Vật liệu mái che sẽ sử dụng các chất liệu đẹp, bền vững, tiết kiệm chi phí kết hợp các loại vật tư với thiết kế màu sắc nhẹ nhàng, hài hòa với cảnh quan chung của khu vực.
Du khách nước ngoài di chuyển dưới cái nắng gắt trên vỉa hè đường Lê Lợi. Ảnh: Quang Sung
Kinh phí ước tính sơ bộ bước đầu khoảng 20 đến 30 tỷ đồng bao gồm chi phí vật tư, nhân công, thi công... Nguồn kinh phí này có thể huy động xã hội hóa, nguồn đóng góp từ các hộ kinh doanh có liên quan (thụ hưởng từ việc lắp mái che) hoặc từ ngân sách địa phương.
Phương án mái che được đánh giá sẽ mang lại những hiệu quả nhất định cho tuyến đường Lê Lợi và cả khu vực trung tâm. Đây là giải pháp nhằm thay thế dãy cây xanh đã di dời, tạo bóng mát, tạo không gian bên dưới ấm cúng, thân thiện, an toàn cho người đi bộ, khách du lịch và những hộ kinh doanh tại đây.
Không dừng lại ở đồ uống ngon hay không gian để tụ tập bạn bè, những quán cà phê này còn là nơi để trải nghiệm, học hỏi những điều mới và thoải mái sáng tạo.
Saigon Glory - chủ đầu tư siêu dự án làm xấu mặt chợ Bến Thành lỗ 152 tỷ đồng. Sau cả chục năm thi công, công trình vẫn đang bất động và làm xấu bộ mặt trung tâm TP.HCM.
Tối 2/6, Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – DIFF 2023 đã chính thức khai mạc với phần trình diễn của đội tuyển Việt Nam và đội Phần Lan. Sau 3 năm chờ đợi, hơn 5.000 khán giả yêu thích các màn trình diễn pháo hoa đã lại được thấy hai bờ sông Hàn rực rỡ trong “bữa tiệc” âm thanh và ánh sáng quen thuộc.
Trước hàng loạt kiến nghị điều chỉnh, tổ chức giao thông của UBND quận 4, Hiệp hội Logistics TP.HCM, Công ty CP Cảng Sài Gòn... thì Sở Giao thông Vận tải TP đã tổ chức lại giao thông ở quận 4.
Trên đường Bùi Viện, Đề Thám, Đỗ Quang Đẩu (TP.HCM), nhiều mặt bằng treo biển bán hoặc cho thuê nhiều tháng trời nhưng hiện vẫn để trống.
Theo tin từ huyện Cô Tô (Quảng Ninh), dự kiến trong tháng 7/2023, Công ty cổ phần Hàng không Hải Âu sẽ khai thác đường bay thương mại tuyến Tuần Châu (thành phố Hạ Long) ra Cô Tô để phục vụ khách du lịch.