Ngày 31/12, Thanh tra TPHCM đã thông báo kết luận thanh tra dự án Trung tâm Thương mại - Văn phòng - Khách sạn tại số 1 Công trường Quốc tế, số 7 Phạm Ngọc Thạch và số 86 Nguyễn Thị Minh Khai (phường 6, quận 3) do Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Quảng trường Quốc tế (Công ty Quảng trường Quốc tế) làm chủ đầu tư.
Theo kết luận của Thanh tra TPHCM, dự án trên do 4 cổ đông góp vốn sáng lập, gồm: Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), Công ty Cổ phần May Sài Gòn 3 và Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn làm chủ đầu tư trên diện tích 8.921,6 m2 đất thuê của Nhà nước.
Năm 2015, UBND TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư và ra quyết định cho Công ty Quảng trường Quốc tế thuê đất với thời hạn 50 năm, theo hình thức trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án.
Kết luận của Thanh tra TPHCM chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án |
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, Công ty Quảng trường Quốc tế và các sở, ban ngành, các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan đã có nhiều sai phạm, thiếu sót.
Cụ thể: Về nguồn gốc, tính pháp lý của khu đất 8.921,6 m2 của 3 đơn vị có khác nhau. 3.093,3 m2 đất của Công ty May Sài Gòn 3 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm. 704,4 m2 đất của Công ty Vận tải biển Sài Gòn được Nhà nước giao sử dụng theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Kết luận thanh tra đã chỉ ra, tài sản trên 2 khu đất này được xác định tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Riêng 5.123,9 m2 đất và tài sản trên đất của Sawaco trả tiền thuê hàng năm và chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đất vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước).
UBND TPHCM đã chấp thuận cho Saigon Co.op hợp tác với Công ty May Sài Gòn 3, Công ty Vận tải biển Sài Gòn, Sawaco cùng sử dụng đất và thành lập Công ty Quảng trường Quốc tế để được thuê 8.921,m2 đất với thời hạn 50 năm, trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, theo Thanh tra TPHCM, do công ty Quảng trường Quốc tế thực hiện không đúng chủ trương của UBND TPHCM nên cần phải thu hồi để tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai của Nhà nước.
Đối với việc bồi thường tài sản trên đất, kết luận của Thanh tra TPHCM xác định Công ty Quảng trường Quốc tế đã bồi thường, hỗ trợ tài sản trên đất với số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong đó: Công ty Cổ phần Vận tải biển Sài Gòn hơn 2,4 tỷ đồng, Công ty May Sài Gòn 3 hơn 6,3 tỷ đồng, Sawaco hơn 4,3 tỷ đồng và 3 hộ dân hơn 17 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Thanh tra TPHCM khẳng định, tài sản vật kiến trúc trên đất của Sawaco là tài sản thuộc sở hữu nhà nước nhưng Sawaco tự thuê đơn vị tư vấn xác định để nhận tiền đền bù hơn 4,3 tỷ đồng là chưa đúng theo Quyết định ngày 28/5/2010 của UBND TP.HCM về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM.
Về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính (tiền thuê đất) với Nhà nước, kết luận thanh tra cũng chỉ ra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM (TNMT) chưa thực hiện đầy đủ theo Quyết định của UBND TPHCM về xác định và thu tiền thuê đất của Công ty Quảng trường Quốc tế từ 2015 đến nay nên đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Riêng tiền thuê đất từ 30/7/2009 đến ngày 3/4/2015 là hơn 31 tỷ đồng, đến nay Công ty Quảng trường Quốc tế vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ này với nhà nước.
Công ty Quảng trường Quốc tế cho 9 đơn vị, cá nhân thuê mặt bằng với số tiền thu được (doanh thu) hơn 56 tỷ đồng khi chưa ký hợp đồng thuê đất, chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là vi phạm Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai 2013.
Khu đất vàng rộng gần 9.000 m2 toạ lạc ở vị trí đắc địa cạnh Hồ Con Rùa thuộc khu vực trung tâm TPHCM |
Thanh tra TPHCM đã yêu cầu thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền thu được từ việc cho thuê mặt bằng trái quy định pháp luật, sau khi xem xét khấu trừ các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp (nếu có).
Bên cạnh đó, Thanh tra TPHCM đã kiến nghị và được Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thống nhất giao Sở TNMT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, lập thủ tục trình UBND TPHCM thu hồi, hủy bỏ 2 Quyết định do UBND TPHCM ban hành vào tháng 7/2009 và tháng 4/2015.
Sau khi thu hồi 2 Quyết định trên, các đơn vị liên quan báo cáo tham mưu và đề xuất UBND TPHCM xử lý khu đất 8.921,6m2 nói trên theo đúng quy định.
Trường hợp Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ Quảng trường Quốc tế và các đơn vị, cá nhân liên quan thực hiện không đầy đủ chỉ đạo nêu trên của UBND TPHCM (không bàn giao khu đất, không thực hiện nghĩa vụ tài chính), gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước thì báo cáo đề xuất UBND TPHCM chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra Công an TPHCM để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng thống nhất với kiến nghị của Thanh tra TPHCM về việc giao Sở Nội vụ phối hợp Ủy ban Kiểm tra Thành uỷ TPHCM và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, đề xuất biện pháp xử lý đối với các tập thể, cá nhân thuộc diện thành phố quản lý có liên quan đến thiếu sót, sai phạm nói trên.
Trung tâm Thương mại – Văn phòng – Khách sạn số 1 Công trường Quốc tế có quy mô cao 25 tầng và 2 tầng hầm, diện tích xây dựng 4.560m2, diện tích sàn 78.548m2 (không kể diện tích hầm). Tổng mức đầu tư dự án là hơn 1.184 tỷ đồng (trong đó vốn tự có của Công ty Quảng trường Quốc tế là 20,2% và vốn khác là 79,8%). Thời gian thực hiện dự án từ quý 3-2014 đến quý 4 -2018.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Cơ quan chức năng ở TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các công trình sai phạm trên khu "đất vàng" tại quận 10. Mục đích thu hồi là để xây một trường học mới.
Ngày 19/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua.
TP.HCM đã có thông báo đến nhà đầu tư và doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tại TP.HCM, dọc tuyến Metro số 2 sẽ có ba khu "đất vàng" được quy hoạch theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).