Hiện, dư luận rất quan tâm trước việc TP. Hội An sẽ áp dụng yêu cầu bắt buộc mua vé tham quan khu phố cổ Hội An đối với tất cả du khách từ ngày 15/5.
Từ trước đến nay, du khách đến tham quan phố cổ không phải mua vé (trừ địa điểm di tích trong khu phố cổ). Còn nếu theo phương án mới du khách trong nước và quốc tế đều phải mua vé tham quan khu phố cổ.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (du khách Hà Nội) đánh giá, Hội An là điểm du lịch đẹp, lý tưởng, khác biệt so với những địa điểm du lịch khác. "Về việc thu phí, tôi nghĩ là nên thu để tái đầu tư vào các hạng mục, nhưng nên để mức giá phải chăng hơn. Vì mọi người sẽ lưu trú ở đây thường nhiều ngày, vào phố cổ rất nhiều lần", anh Tuấn cho hay.
Là cư dân phố cổ, ông Nguyễn Long cho rằng, việc mua vé để tham quan Di sản Văn hóa thế giới là điều cần thiết, nhưng cần phải phân định rõ ràng "ranh giới quần thể phố cổ", từ đó chỉ nên bán vé khi du khách tham quan trong quần thể này.
"Phố đi bộ nói chung không phải khu vực phố cổ thì không được bán vé. Việc mở rộng không gian phố đi bộ là cần thiết, nhưng cứ mở rộng đến đâu là đặt quầy vé ở đó là điều bất hợp lý. Chính quyền nên có những tính toán hợp lý hơn", ông Long kiến nghị.
Chuyên dẫn đoàn khách từ châu Âu, anh Nguyễn Đoàn Vinh, hướng dẫn viên du lịch cho biết, Hội An luôn được khách quốc tế đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn, bởi ở đây rất yên bình, người dân thân thiện, ẩm thực đa dạng.
Việc thu phí tham quan đối với tất cả các du khách sẽ có 2 mặt được và không được. Đối với mặt tích cực, việc này là để chính quyền có nguồn thu để tu sửa, gìn giữ các di tích phố cổ.
Về mặt bất cập, du khách đến đây, nhưng không tham quan các di tích phố cố chỉ đi dạo đường phố, ăn uống, nhưng vẫn phải trả tiền phí tham quan. Điều này sẽ làm cho du khách khó chịu, ảnh hưởng đến tâm lý của khách đến với Hội An.
"Đừng để du khách nghĩ rằng Hội An đang tận thu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Cái cần là làm sao để cho du khách thấy rằng, mức thu này là hợp lý đối với một di sản văn hóa thế giới", anh Nguyễn Đoàn Vinh cũng đồng thời đề nghị TP. Hội An nên có giải pháp hài hòa hơn, không quá rập khuôn, áp đặt quá làm cho du khách khó chịu, việc thu phí nên có chính sách phù hợp.
85% tiền thu từ vé tham quan dành đầu tư, trùng tu các di tích
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết từ năm 1995 đến nay, phương án phát hành vé tham quan chung cho cả "vùng lõi"- khu vực I của khu phố cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới đã nhiều lần thay đổi, cải tiến phương thức tổ chức, nội dung chương trình.
85% tiền thu được từ vé tham quan dành cho việc đầu tư trùng tu các di tích, chi trả cho các chủ di tích tập thể và tư nhân, duy tu, bảo dưỡng các công trình công cộng phục vụ khách tham quan.
Cũng từ nguồn thu từ vé tham quan, Hội An mới đủ năng lực tài chính để kiên trì thực hiện các dự án "Đêm phố cổ", "Phố cổ không có tiếng động cơ", "Phố dành cho người đi bộ và xe thô sơ", "Thử nghiệm mở rộng thời gian và nội dung phục vụ khách tham quan khu phố cổ Hội An vào ban đêm", "Giờ tắt điện"…
Hơn 25 năm qua, thành phố đã tổ chức bán vé tham quan trọn gói khu phố cổ Hội An cho du khách. Nguồn thu từ vé tham quan đã góp phần hết sức quan trọng trong việc bảo tồn, tôn tạo, trùng tu các di tích. Đồng thời, cũng từ nguồn thu này, thành phố cũng đầu tư cho công tác nghiên cứu về di sản-di tích, các hoạt động về văn hóa-nghệ thuật, sự kiện lễ hội, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, cơ sở vật chất, hạ tầng du lịch, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Hội An còn được biết đến với đặc thù là một "quần thể di tích sống", riêng khu vực I là khu vực bảo vệ nguyên trạng có tổng cộng 1.107 di tích kiến trúc, trong đó sở hữu tư nhân và tập thể có 932 di tích (84,18%), sở hữu Nhà nước có 175 (15,80%).
Tuy nhiên, phố cổ Hội An luôn phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn và cả những thách thức gay gắt do lũ lụt, hỏa hoạn, mối mọt... Hàng trăm di tích đã xuống cấp phải chống đỡ, che chắn, nhất là trong mùa mưa bão.
Bài toán đặt ra không chỉ đơn giản ở việc bảo tồn những di tích còn khá nguyên vẹn và có giá trị tiêu biểu đã được xếp vào danh mục điểm tham quan, mà vấn đề nan giải làm sao giữ gìn cho được cả "quần thể di tích sống", vừa huy động tối đa nguồn vốn để tu bổ, sửa chữa những ngôi nhà cổ đang hư hỏng, vừa giúp người dân được hưởng lợi từ chính di tích để góp phần bảo tồn di tích.
Do vậy, nguồn thu từ vé tham quan là nguồn thu ngân sách chủ yếu của thành phố, trong đó tùy vào kết quả nguồn thu và theo từng giai đoạn cân đối ngân sách, từ 50-70% dùng để tu bổ, tôn tạo di tích, hỗ trợ trùng tu đối với di tích tập thể, tư nhân; 10-12% chi cho 23 điểm di tích có trong ô vé, 10-30% cho bộ máy tổ chức hướng dẫn tham quan, nghiên cứu về di sản, lễ hội, các sản phẩm du lịch-văn hóa nghệ thuật trong khu phố cổ phục vụ du khách.
Đối với di tích thuộc sở hữu tư nhân, tùy theo từng loại di tích được xếp hạng mà mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để trùng tu từ 30-75%, thậm chí có trường hợp 100%.
Hiện Hội An có khoảng 155 (14%) di tích xuống cấp đang phải chống đỡ, che chắn ở nhiều mức độ khác nhau; trong đó 65 di tích đang chờ huy động vốn để tu bổ và trong số này có hơn 20 di tích có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, nhất là trong mùa mưa bão.
"Du khách đến với Hội An, mua vé tham quan phố cổ Hội An, trước hết để được khám phá và thưởng ngoạn vẻ đẹp của Hội An. Và điều quan trọng, như thế đã thể hiện tình yêu và sự chung tay góp sức vì Hội An", Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An mong muốn.
Theo Báo Chính phủ
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.