Theo CNBC, vào năm 2021, trước khi Facebook đổi tên thành Meta, công ty truyền thông xã hội này vẫn có mức vốn hóa thị trường là 1.000 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, Meta đã mất khoảng 2/3 giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 9/2021. Cổ phiếu của công ty được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019.
“Tôi không chắc có mảng kinh doanh cốt lõi nào còn hoạt động tại Facebook”, ông Laura Martin, Phân tích viên đến từ Công ty Needham, nhận định về tình hình của Facebook trước bối cảnh Meta sắp kết thúc quý thứ ba liên tiếp lỗ hai con số.
Người dùng không còn hào hứng
Theo số liệu của FactSet, lượng người dùng Facebook hàng ngày ở Mỹ và Canada đã giảm liên tục trong hai năm qua, từ 198 triệu người vào giữa năm 2020 xuống còn 197 triệu người trong quý II năm nay. Trên toàn cầu, số lượng người dùng tăng khoảng 10% trong cùng khoảng thời gian đó. Công ty dự kiến đến năm 2024, lượng người dùng Facebook sẽ tăng 3% một năm.
“Tôi lo lắng rằng họ sẽ không giành được chiến thắng trong thế hệ tiếp theo”, ông Jeremy Bondy, Giám đốc điều hành của Công ty tiếp thị ứng dụng Liftoff, bình luận về khả năng tăng trưởng và tiếp cận người dùng mới của Facebook.
“Thế hệ tiếp theo” mà Bondy mô tả đang chuyển sang TikTok, nơi người dùng có thể tạo và xem các video ngắn có khả năng lan truyền rộng rãi. Meta đã và đang cố gắng để đi theo thành công của TikTok với việc ra mắt tính năng video ngắn tương tự có tên Reels, vốn đã trở thành tâm điểm chính trên Facebook và Instagram.
Tuy nhiên, Facebook thừa nhận rằng còn rất sớm để công ty có thể kiếm tiền từ Reels. Bản thân Facebook cũng chưa rõ định dạng video này sẽ tối ưu ra sao đối với các nhà quảng cáo.
Ngoài ra, Mark Zuckerberg còn có thêm một mối lo ngại khác bên cạnh việc suy giảm người dùng, đó chính là Apple.
Bản cập nhật bảo mật iOS năm 2021 đã làm suy yếu khả năng theo dõi hành vi người dùng của Facebook và khiến công ty mất khoảng 10 tỷ USD doanh thu trong năm nay. Meta đang phát triển quảng cáo dựa trên trí tuệ nhân tạo để ứng phó trước những sự thay đổi về quyền riêng tư của Apple.
Niềm tin đạo đức suy giảm
Lần cuối cùng vốn hóa thị trường của Facebook ở mức thấp như vậy là vào đầu năm 2019, khi công ty đang phải đối mặt với hậu quả của vụ bê bối thu thập thông tin cá nhân Cambridge Analytica. Kể từ đó, Facebook đã bị tổn hại nghiêm trọng về danh tiếng, đáng chú ý nhất là các tài liệu bị rò rỉ vào năm ngoái được đưa ra bởi bởi người ẩn danh và cựu nhân viên Frances Haugen.
Theo lời kể của Haugen, trước khi đổi tên thành Meta, Facebook biết nhiều tác hại mà các sản phẩm của họ có thể gây ra cho trẻ em. Tuy nhiên, thay vì khắc phục, họ không muốn hoặc không làm gì với chúng.
Denise Lee Yohn, tác giả của những cuốn sách xây dựng thương hiệu bao gồm What Great Brands Do và Fusion, cho biết có rất ít bằng chứng cho thấy việc Facebook đổi thương hiệu thành Meta vào cuối năm ngoái đã thay đổi nhận thức của công chúng về công ty.
“Tôi nghĩ rằng công ty vẫn phải hứng chịu rất nhiều lời chỉ trích và hoài nghi về việc liệu họ là lực lượng tốt hay xấu”, bà Yohn chia sẻ.
Mặt khác, Zuckerberg không phải là “một nhà lãnh đạo nghiêm túc về việc thay đổi văn hóa công ty, thay đổi bản thân và tạo ra một công ty có thể tiến tới tương lai mà anh ấy đang mong muốn”, bà Yohn chia sẻ thêm.
Việc Meta đánh mất hình tượng của mình có thể làm tổn hại đến khả năng tuyển dụng nhân sự của công ty. Trái ngược hoàn toàn với một thập kỷ trước, các kỹ sư công nghệ đã không còn cho rằng Facebook là một nơi làm việc lý tưởng.
Một cựu giám đốc điều hành quảng cáo của Facebook chia sẻ với CNBC rằng TikTok được lòng các ứng viên hơn Meta trong cuộc chiến tuyển dụng bởi công ty đến từ Trung Quốc có ít “mặt trái về đạo đức” hơn so với Facebook.
Ông Ben Zhao, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Chicago, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho biết ngày càng có nhiều sinh viên trong khoa của ông muốn làm việc cho TikTok và ByteDance thay vì Facebook của Meta.
Những kỳ vọng nhen nhóm
Theo ông Jake Dollarhide, Giám đốc điều hành của Longbow Asset Management, đây không phải là lần đầu tiên Zuckerberg nhận về những sự nghi hoặc của giới đầu tư.
Không lâu sau khi Facebook chính thức IPO vào năm 2012, nhiều nhà đầu tư đã chế giễu việc của công ty mở rộng nền tảng sử dụng sang các thiết bị di động. Tuy nhiên, nhanh chóng sau đó, mảng kinh doanh di động của Facebook đã phát triển bùng nổ và mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ cho công ty.
Thành công trước đây của Zuckerberg trong việc chuyển hướng sang thiết bị di động mang lại cho Dollarhide niềm tin rằng Meta hoàn toàn có thể tạo ra sự bùng nổ tương tự khi chuyển sang metaverse. Trong quý II năm nay, bộ phận nghiên cứu thực tế ảo của Meta đã tạo ra doanh thu 452 triệu USD, chiếm khoảng 1,5% tổng doanh thu của Meta và lỗ 2,8 tỷ USD.
“Tôi nghĩ rằng Zuckerberg là người rất thông minh và rất tham vọng. Tôi sẽ không đặt cược chống lại Zuckerberg”, ông Dollarhide bình luận.
Tuy Dollarhide rất tin tưởng vào Meta nhưng các công ty của ông lại không hề sở hữu cổ phiếu của Facebook kể từ năm 2014, thay vào đó, Apple và Amazon lại là hai trong số những cổ phần đầu tư hàng đầu của ông.
Zuckerberg đã nhiều lần khẳng định tương lai của công ty sẽ là công nghệ thực tế ảo metaverse. Tuy nhiên, chiến lược mới của công ty đang vấp phải sự nghi ngờ từ các chuyên gia.
Theo ông Zhao, Giáo sư đến từ Đại học Chicago, metaverse không có nhiều tiềm năng để phát triển. “Câu hỏi thực sự là - người dùng hàng ngày đã sẵn sàng cho metaverse chưa? Liệu công nghệ cơ bản đã sẵn sàng và đủ trưởng thành để làm cho quá trình chuyển đổi đó diễn ra liền mạch chưa?”, Giáo sư Zhao nhận định.