Về Lăng Ông - Bà Chiểu, đi lễ Giỗ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt
Phúc Minh
26/08/2022 3:33 PM (GMT+7)
Lễ Giỗ lần thứ 190 của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra trong ba ngày 26-28/8 (nhằm ngày 29 tháng 7 và mùng 1, mùng 2 tháng 8 Âm lịch), tại Lăng Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh mà người dân vẫn quen gọi là Lăng Ông - Bà Chiểu.
Lễ Giỗ lần thứ 190 Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt
Những ngày cuối tháng 7 Âm lịch, trước Lễ Giỗ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, người dân quận Bình Thạnh và du khách thập phương về Lăng Ông - Bà Chiểu khá đông.
Sáng 26/8 (nhằm ngày 29 tháng 7 Âm lịch), lượng khách về Lăng Ông càng nhiều hơn để tham gia lễ cúng Tiên thường trong lễ Giỗ lần thứ 190 của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt.
Nhiều người dân, du khách về Lăng Ông - Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) tham dự lễ Giỗ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Phúc Minh
Lễ giỗ Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt được thực hiện theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn. Các nghi thức được cử hành theo phong cách hoàng cung dành cho các vị khai quốc công thần.
Lễ phẩm cúng giỗ gồm trà, rượu, trầu cau, bánh Gia Định xưa cùng các vật phẩm trái cây Nam Bộ, các loại hoa quả được kết thành hình long - mã - phụng cùng các món ăn đặc trưng phương Nam.
Trong Lễ giỗ có hoạt động hát kỳ yên cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tưởng nhớ các bậc tiền hiền, các Anh hùng liệt sĩ đóng góp công lao xây dựng đất nước.
Lễ Giỗ lần thứ 190 của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra trong ba ngày 26-28/8 (nhằm ngày 29 tháng 7 và mùng 1, mùng 2 tháng 8 Âm lịch). Ảnh: Phúc Minh
Trong ngày Tiên thường sẽ có Nghi lễ Cúng Tiên thường; lễ dâng hương; Lễ Xây chầu - Đại bội - Hát bội.
Ngày Chánh giỗ sẽ Cúng Chánh giỗ theo nghi thức tế lễ Tiểu cung đình triều Nguyễn, Tế Tiền hiền - Hậu hiền - Anh hùng liệt sĩ, biểu diễn nghệ thuật hát bội, Lễ Tôn Vương - Hồi chầu.
Ngày hậu thường sẽ có lễ cúng trầu cau và bánh Gia Định xưa cùng với Hát bội - tuồng Phụng Nghi Đình.
Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt
Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt là người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng, bảo vệ vùng đất phương nam và tỉnh Sài Gòn - Gia Định.
Ông sinh năm 1764, nguyên quán Quảng Ngãi, sinh quán làng Hòa Khánh, huyện Kiến Phong, tỉnh Định Tường (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Người dân, du khách viếng phần mộ của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Phúc Minh
Đức Tả quân Lê Văn Duyệt từng 2 lần làm Tổng trấn thành Gia Định dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng. Ông được giao làm tổng trấn Gia Định thành (cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và An Giang) lần thứ nhất từ 1813 đến 1816; lần thứ hai từ 1820 đến lúc qua đời.
Tả quân Lê Văn Duyệt có công rất lớn để khai phá, mở rộng vùng đất Sài Gòn - Gia Định và bảo vệ vùng đất phương nam nói chung.
Vua Gia Long xem Lê Văn Duyệt là Đệ nhất khai quốc công thần và phong chức Khâm sai chưởng Tả quân Dinh Bình Tây tướng quân.
Khi tạ thế (1832), Tả quân được nhân dân xây Lăng mộ ở khu vực Bà Chiểu và cung kính thờ phụng. Năm 1989, Công trình kiến trúc nghệ thuật Lăng Lê Văn Duyệt vinh dự đón nhận Bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Ngày 25/8, UBND quận Bình Thạnh đã trang trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Khai hạ - cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Phúc Minh
Trước lễ Giỗ lần thứ 190 của Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt, ngày 25/8, UBND quận Bình Thạnh đã trang trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Khai hạ - cầu an tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt.
Lễ khai hạ - cầu an thường diễn ra vào mùng 7 tháng giêng âm lịch hằng năm tại Lăng Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. Đây được xem là một điểm nhấn văn hóa của người dân Nam Bộ nói chung và người dân TP.HCM, mong mưa thuận gió hòa, một năm thuận lợi, bình an, mọi việc hanh thông.
Đi lễ Lăng Ông vào dịp đầu năm, lễ hội Khai hạ - cầu an, lễ giỗ Đức Thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt là một trong những nét văn hóa của người dân TP.HCM và du khách khi đến TP.HCM từ xưa đến nay.
Bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng cần có nhiều hình thức thiết thực, sinh động để quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Khai hạ cầu an tại Lăng Đức tả quân Lê Văn Duyệt đến cả nước và bạn bè quốc tế để Lăng Đức Tả quân trở thành điểm đến trang nghiêm nhưng gần gũi, hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến TP.HCM.
Không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế đến TP.HCM dịp lễ 30/4 này cũng tăng mạnh; các tour tham quan di tích lịch sử, thăm địa đạo Củ Chi đông khách từ tháng 3.
Theo đó, tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Nam tại Hội chợ VITM Hà Nội 2025, Sở Du lịch Quảng Nam đã công bố chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch đến với xứ Quảng.
Nghỉ lễ 30/4 không chỉ thu hút du khách nội địa, kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay TP.HCM chứng kiến làn sóng du khách đến từ châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia châu Á.
Có khí hậu mát mẻ quanh năm; sở hữu những cánh rừng xanh bạt ngàn với phong cảnh hữu tình…vì vậy thời gian qua du lịch – “viên ngọc xanh” của Kon Tum đã có sự phát triển mạnh mẽ. Và tiềm năng này sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn khi Kon Tum thực hiện sáp nhập tỉnh.
Không chỉ khách trong nước mà khách quốc tế đến TP.HCM dịp lễ 30/4 này cũng tăng mạnh; các tour tham quan di tích lịch sử, thăm địa đạo Củ Chi đông khách từ tháng 3.
Theo đó, tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Nam tại Hội chợ VITM Hà Nội 2025, Sở Du lịch Quảng Nam đã công bố chương trình ưu đãi thu hút khách du lịch đến với xứ Quảng.
Nghỉ lễ 30/4 không chỉ thu hút du khách nội địa, kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay TP.HCM chứng kiến làn sóng du khách đến từ châu Âu, Mỹ và nhiều quốc gia châu Á.
Có khí hậu mát mẻ quanh năm; sở hữu những cánh rừng xanh bạt ngàn với phong cảnh hữu tình…vì vậy thời gian qua du lịch – “viên ngọc xanh” của Kon Tum đã có sự phát triển mạnh mẽ. Và tiềm năng này sẽ được phát huy mạnh mẽ hơn khi Kon Tum thực hiện sáp nhập tỉnh.