Thứ năm, 21/11/2024

Vì sao nhiều dự án điện gió ở Tây Nguyên bị 'sa lầy'?

05/04/2023 9:00 AM (GMT+7)

Nhiều dự án điện gió ở Tây Nguyên do chủ đầu tư không có kinh nghiệm, quá trình triển khai “cầm đèn chạy trước ô tô” dẫn đến sai phạm, chưa thể nghiệm thu, vận hành.

Những dự án “cầm đèn chạy trước ô tô”

Tây Nguyên được đánh giá là “mỏ vàng” cho ngành năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió. Vì thế, những năm qua, đặc biệt là từ năm 2020-2021, rất nhiều dự án điện gió được triển khai, thi công rầm rộ. Để đẩy tiến độ thi công lên mức cao nhất nhằm hưởng giá ưu đãi (giá FIT), nhiều chủ đầu tư đã bất chấp, “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Tại Đắk Nông, năm 2020, có 6 dự án điện gió được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào quy hoạch điện năng lượng tái tạo. Những dự án này đều tập trung ở huyện Đắk Song gồm: Dự án điện gió Đắk N’Drung 1,2,3; Asia Đắk Song 1; Nam Bình 1 và Dự án điện gió Đắk Hòa. Tổng công suất của 6 dự án điện gió 430MW, tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng. Khi triển khai, các dự án cần thu hồi hơn 250 ha đất. Vì chạy theo cơ chế giá FIT, một số dự án đã đẩy nhanh tiến độ bằng mọi giá, làm nảy sinh vi phạm về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai.

Năm 2021, tại tỉnh Đắk Nông xảy ra tình trạng người dân cản trở thi công dự án điện gió bởi chưa đạt được thỏa thuận trong đền bù đất đai; thi công khiến nhà dân bị nứt, ảnh hưởng hoa màu…, nhưng chưa được giải quyết kịp thời. Đã có những cuộc xô xát giữa nhóm bảo vệ thi công dự án điện gió với người dân trên địa bàn khiến chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý. Công an tỉnh này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhóm đối tượng vi phạm trên nhằm lập lại an ninh trật tự.

Chưa kể, vì để đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư dự án đã sử dụng lao động nước ngoài khi chưa được cấp phép. Cụ thể, tháng 6/2021, tại 3 dự án điện gió (Đắk N’Drung 1,2,3 thuộc Cty TNHH MTV năng lượng Đắk N’Drung 1,2,3) sử dụng hơn 100 lao động người nước ngoài khi chưa được cấp phép lao động. Thời điểm đó, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chưa kể còn là vấn đề an ninh quốc phòng.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định địa phương có tiềm năng phát triển điện gió nên rất tạo điều kiện cho nhà đầu tư. UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, giao nhiệm vụ cho từng sở ngành phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đúng trình tự theo quy định. Tuy nhiên, do nóng vội, chủ đầu tư tự thỏa thuận mua đất của dân với giá không đồng đều dẫn đến phát sinh mâu thuẫn.

Sau thời gian chạy đua tiến độ, đến nay, theo thông tin từ Sở Công Thương Đắk Nông, mới có 2 dự án hoàn thành; trong đó, 1 dự án đã hòa lưới điện thương mại. Số dự án còn lại vẫn đang triển khai.

Vì sao nhiều dự án điện gió ở Tây Nguyên bị 'sa lầy'? - Ảnh 1.

Dự án điện gió phát triển mạnh tại Gia Lai.

Tại Đắk Lắk, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, huyện Krông Búk - nơi có 4 dự án điện gió được triển khai với tổng công suất 200MW, tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng đã nhận hơn 70 đơn thư của người dân liên quan đến công trình điện gió. Nội dung đơn chủ yếu phản ánh phạm vi hoạt động của cánh quạt; thiệt hại do xe vận chuyển vật liệu gây bụi, tiếng ồn; việc múc đất lấp cây trồng của các hộ, gây nứt một số nhà dân… chưa được chủ đầu tư giải quyết thỏa đáng.

Tháng 7/2021, UBND huyện Krông Búk ra quyết định xử phạt 3 công ty điện gió tại địa phương 295 triệu đồng, do không tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục pháp luật.

Kiến nghị gỡ khó cho doanh nghiệp

Gia Lai là một trong những địa phương dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về số lượng dự án điện gió được đầu tư quy mô lớn. Toàn tỉnh này có 17 dự án điện gió với tổng công suất 1.242,4MW, tổng vốn đầu tư khoảng 50.500 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ưu đãi giá FIT hết hiệu lực từ ngày 31/10/2021, chỉ có 7/17 dự án được công nhận vận hành thương mại (COD) toàn nhà máy với tổng công suất 446,2 MW. Tổng công suất các dự án điện gió chưa được COD còn 629MW. Việc này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.

Đại diện một doanh nghiệp (DN) điện gió ở Gia Lai chia sẻ, nhiều dự án đang gặp khó khăn, nhất là khâu đền bù, pháp lý, giấy tờ hồ sơ. Cùng với đó là việc thoả thuận đấu nối của dự án đó với bên truyền tải điện. Ngoài ra, vị này cho rằng, còn nhiều vấn đề khác dẫn đến khó khăn của DN điện gió hiện nay, như nhập thiết bị thời điểm dịch bệnh COVID-19 căng thẳng, vận chuyển khó khăn, tốn kém.

“Các DN đều cố dồn lực để chạy đua mốc hoàn thành trước 31/10/2021. Sau giai đoạn này, họ đã bị kiệt sức, hết tiềm lực”- đại diện DN chia sẻ và kiến nghị, tỉnh Gia Lai quan tâm hơn trong khâu giấy tờ và giải quyết nhanh khâu đền bù, vướng mắc; cùng với đó là sự hỗ trợ của Sở Công Thương để hồ sơ pháp lý hoàn thiện, tránh để lâu, bởi càng “ngâm” DN càng chết.

Trước câu hỏi của PV Tiền Phong về việc chuyển nhượng giữa các “ông lớn” khiến dự án chậm tiến độ, một chủ đầu tư cho hay, việc chuyển nhượng chỉ là phần nhỏ. Bởi theo người này, khi đã cam kết thời gian hoàn thành với UBND tỉnh, bắt buộc chủ đầu tư phải nắm bắt được tình hình, đồng thời có hướng, kế hoạch, đảm bảo tiến độ.

Ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết, việc sớm ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp là cơ sở để tính giá cho 629MW điện gió trên địa bàn tỉnh, từ đó giúp các nhà máy đi vào vận hành ổn định. Bởi nếu sớm đạt được thỏa thuận giá với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để vận hành thương mại, các chủ đầu tư dự án sẽ giải quyết được nhiều tồn tại, khó khăn.

Theo ông Binh, EVN cần khẩn trương nghiệm thu, tập trung thỏa thuận giá, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nếu chậm trễ một ngày thì lãng phí các nguồn lực rất lớn. Những dự án chưa thỏa thuận giá cũng cho vận hành thương mại, cam kết ghi chỉ số điện và thanh toán sau khi được thỏa thuận.

“Việc áp dụng khung giá mới thấp hơn giá FIT trước đó sẽ giảm bớt lợi nhuận của DN và kéo dài thời gian hoàn vốn so với dự kiến ban đầu”, ông Phạm Văn Binh nói.

Theo Tiền Phong

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tỷ giá thế nào sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tỷ giá thế nào sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?

Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.

Thị trường rung lắc theo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Thị trường rung lắc theo cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.

CEO nhảy nhót thì có gì hay?

CEO nhảy nhót thì có gì hay?

Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt

Cát-xê 2 tỉ đồng và văn hóa phông bạt

Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?

Giá vàng liên tục tăng cao chưa từng thấy, các chuyên gia đều đồng thuận dự báo một kịch bản

Giá vàng liên tục tăng cao chưa từng thấy, các chuyên gia đều đồng thuận dự báo một kịch bản

Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?

Nghĩ từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Nghĩ từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Cuộc thi gameshow kiến thức học sinh Olympia năm 2024, nam sinh người Huế bấm được nút giành quyền trả lời câu hỏi; chưa trả lời thì bạn đã la hét hò reo, lăn ra sàn ăn mừng chiến thắng. Dư luận có người khen nhưng cũng có người nghĩ khác.