Trong hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế- xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023, quy mô Trung tâm năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận đã phát triển nhanh chóng.
Từ chỗ chỉ có một số nhà máy thủy điện nhỏ có đóng góp không đáng kể cho GRDP của tỉnh, đến nay (cuối 2021) Trung tâm năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận đã đạt tổng công suất lắp đặt 3.475 MW, thuộc nhóm đứng đầu cả nước.
Hầu hết các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là đầu tư của các thành phần kinh tế tư nhân, đóng góp tích cực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và cũng là một trong ba trụ cột kinh tế (cùng với du lịch và nông nghiệp) đưa Ninh Thuận vào nhóm 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước trong 5 năm qua.
Ninh Thuận cũng là tỉnh đầu tiên thực hiện đầu tư tư nhân cho đường dây cao áp 500kV để truyền tải năng lượng tái tạo lên lưới điện quốc gia. Tuy vậy, quá trình hình thành và phát triển Trung tâm năng lượng tái tạo của Ninh Thuận còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
*Nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ
Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, một trong những thách thức lớn nhất của năng lượng tái tạo là sự thiếu đồng bộ giữa phát triển các dự án nguồn điện (điện gió và điện mặt trời) và phát triển lưới điện truyền tải.
Các nhà máy điện mặt trời được đầu tư trong thời gian ngắn từ 6 - 12 tháng hoặc 24 tháng; trong khi thời gian đầu tư các dự án lưới điện truyền tải theo quy trình thông thường phải mất khoảng từ 2 - 4 năm đối với đường dây và trạm 110 kV và khoảng 5 - 6 năm đối với đường dây và trạm 500 kV.
Bên cạnh đó, lưới truyền tải điện không được phát triển đồng bộ với sự phát triển của nguồn phát đã gây ra hiện tượng nghẽn mạch, khiến các dự án năng lượng tái tạo được đầu tư thời gian qua không có cơ hội phát hết công suất lắp đặt.Có hơn một nửa số dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh nhiều thời điểm như trong năm 2019 phải giảm công suất phát điện đến hơn 60%, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư nói riêng và cho kinh tế - xã hội nói chung.
Mặc dù, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã rất nỗ lực đầu tư lưới truyền tải để cuối năm 2020 giải tỏa hết công suất phát của các dự án năng lượng tái tạo. Tuy vậy, đây mới chỉ là giải pháp tình thế đối với khoảng trên 2.000 MW điện năng lượng tái tạo đầu tiên tại Ninh Thuận.Đến nay, vẫn chưa có giải pháp tổng thể phù hợp để có thể giải phóng hết được lượng công suất có thể sản xuất theo kế hoạch của tỉnh đến năm 2030.
Ngoài ra, còn có những khó khăn về cơ chế chính sách; về huy động các nguồn lực; mất cân đối cân bằng cung - cầu điện, sự bất cập, thiếu đồng bộ giữa các quy hoạch có liên quan; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp thấp, phụ tải tại chỗ hạn chế, nguồn nhân lực và cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng, năng lượng tái tạo chưa hoàn thiện, định hướng phát triển trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) chưa được phê duyệt và một số các vấn đề liên quan khác có ảnh hưởng đến phát triển năng lượng tái tạo cũng là những thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển.Trong khi đó, khái niệm về Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo là hoàn toàn mới ở nước ta; cấu trúc mô hình và cơ chế vận hành để đảm bảo phát triển bền vững cần phải được làm sáng tỏ.
Tạo bệ phóng" phát triển
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn và hiện thực hóa chủ trương xây dựng tỉnh thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước, tỉnh Ninh Thuận xác định tập trung phát triển đồng bộ sản xuất điện, hạ tầng truyền tải điện, phụ tải điện và các ngành phụ trợ, đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, cơ chế, chính sách để xây dựng tỉnh trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, hiện cấu trúc mô hình Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của tỉnh được định hình với phần cứng gồm 3 mô đun. Theo đó, mô đun I là Trung tâm điện lực LNG Cà Ná; mô đun II là Trung tâm năng lượng tái tạo và mô đun III là Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng (R&D).Đồng thời, phần mềm bao gồm hệ thống các cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù; thành lập Ban chỉ đạo nhằm chỉ đạo, thúc đẩy phát triển bền vững Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của tỉnh.
Tỉnh đang xác định bộ tiêu chí nhận biết, theo dõi và đánh giá tiến trình phát triển tỉnh trở thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước gồm 20 tiêu chí thành phần như trong Đề án phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tăng cường đầu tư phát triển các nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật cho ngành năng lượng; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành năng lượng; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành năng lượng...
Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách; đồng thời tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các vấn đề liên quan đến quy hoạch, cơ chế, chính sách về xây dựng Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của tỉnh phù hợp với quan điểm chỉ đạo, các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Nghị quyết số 55/NQ-TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp năng lượng tiếp cận các nguồn vốn, thực thi chính sách bảo vệ môi trường gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính;Kiến nghị chính sách xã hội hoá trong đầu tư phát triển hạ tầng truyền tải, trong tích trữ lưu giữ nguồn điện và thúc đẩy phát triển thủy điện tích năng Bác Ái để tối ưu hoá nguồn năng lượng dư thừa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh chia sẻ, với giải pháp đồng bộ sẽ triển khai thực hiện, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tổng công suất tăng thêm của các dự án năng lượng tái tạo đạt khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW; trong đó điện mặt trời 3.440 MW; điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW; thủy điện 360 MW; điện khí LNG 1.500MW, sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh.
Tỷ lệ tham gia đóng góp của ngành năng lượng, năng lượng tái tạo trong tiêu thụ điện đạt 20% sản lượng điện toàn tỉnh; đạt 22% GRDP của tỉnh; đạt 29% tổng thu ngân sách; giải quyết 5,5% nhu cầu việc làm trong 4 nhóm ngành kinh tế trọng điểm; đạt 9 - 10% công suất lắp đặt trong cơ cấu toàn quốc.Đồng thời, hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, có khả năng kết nối với lưới điện khu vực, quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng Quy hoạch điện VIII.
Tỉnh Ninh Thuận cũng phấn đấu hình thành 1 Trung tâm nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo; thu hút 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu chế tạo các thiết bị chính trong các phân ngành năng lượng và thu hút các dự án có sử dụng nhiều năng lượng điện. Từ đó, tăng tỷ trọng điện tiêu thụ tại chỗ, tận dụng lợi thế về nguồn năng lượng tái tạo, quỹ đất và hạ tầng giao thông của địa phương.
Đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu nâng tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm 5.300 MW; qua đó nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800 MW, giải quyết 7,3% nhu cầu việc làm trong 4 nhóm ngành kinh tế trọng điểm, xứng đáng là một trong những Trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Cơ quan chức năng ở TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các công trình sai phạm trên khu "đất vàng" tại quận 10. Mục đích thu hồi là để xây một trường học mới.
Ngày 19/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua.
TP.HCM đã có thông báo đến nhà đầu tư và doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Tại TP.HCM, dọc tuyến Metro số 2 sẽ có ba khu "đất vàng" được quy hoạch theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD).