Chủ nhật, 28/04/2024

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp

18/03/2024 8:32 AM (GMT+7)

Bức tranh trái phiếu doanh nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2024 vẫn chưa khởi sắc dù nhiều chính sách tháo gỡ đã được triển khai với kỳ vọng là kênh huy động vốn "chia lửa" cho tín dụng ngân hàng

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 2-2024 chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp (DN). Áp lực đáo hạn trái phiếu từ nay đến hết năm vẫn rất lớn, nhất là các DN bất động sản.

Vẫn còn doanh nghiệp chậm thanh toán

Nhu cầu đầu tư trái phiếu DN đang có sự cải thiện trong bối cảnh niềm tin của nhà đầu tư trở lại và mặt bằng lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp. Trên các diễn đàn mua bán trái phiếu, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến trái phiếu của các DN phát hành có mức lãi suất từ khoảng 7%-10%/năm, cao hơn đáng kể so với lãi suất tiền gửi.

Theo ghi nhận, một số DN đã phát hành thành công trái phiếu để huy động vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, triển khai dự án... HNX vừa công bố thông báo của Công ty CP Phát triển tổng hợp Hưng Thịnh Phát về việc hoàn tất phát hành lô trái phiếu trị giá 2.888 tỉ đồng, kỳ hạn đáo hạn 4 năm. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản, có trụ sở tại TP HCM.

Hoạt động mua lại trái phiếu DN cũng khá nhộn nhịp. Công ty CP Đạt Phương (DPG) thông báo đăng ký mua lại trước hạn 2.000 trái phiếu với tổng giá trị 200 tỉ đồng. Đạt Phương cũng sẽ hoàn tất mua lại 100% giá trị 3.000 trái phiếu (300 tỉ đồng) đã phát hành vào năm 2021. Công ty này hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, xây lắp, bất động sản.

Công ty CP Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã tất toán 1 lô trái phiếu đến hạn và mua lại trước hạn đối với 2 lô trái phiếu đáo hạn theo kế hoạch. Nhiều DN khác cũng mua lại trước hạn trái phiếu hàng ngàn tỉ đồng, như Công ty CP Đầu tư bất động sản Phát Đạt, Công CP Đầu tư Năm Bảy Bảy…

Áp lực đối với dòng tiền và vấn đề trái phiếu đáo hạn sẽ là thách thức cho doanh nghiệp bất động sản. Trong ảnh: Mặt bằng một dự án bất động sản đang chờ triển khai Ảnh: BÌNH AN

Áp lực đối với dòng tiền và vấn đề trái phiếu đáo hạn sẽ là thách thức cho doanh nghiệp bất động sản. Trong ảnh: Mặt bằng một dự án bất động sản đang chờ triển khai Ảnh: BÌNH AN

Trong khi đó, tình hình chậm thanh toán lãi trái phiếu vẫn diễn ra. Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - NVL) vừa có thông báo gửi HNX liên quan tình hình thanh toán lãi trái phiếu. NVL xin chậm thanh toán lãi 4 lô trái phiếu vào cuối tháng 2-2024 với cùng lý do "chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán". Tổng số lãi dự kiến phải trả của 4 lô này là gần 98 tỉ đồng.

Số liệu của VBMA cho thấy trong tháng 2-2024, có 7 DN công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỉ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu); 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.

Bức tranh huy động vốn của DN trên thị trường trái phiếu không quá sáng khi trong tháng 2, chỉ có 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 1.165 tỉ đồng, tiếp tục tình trạng phát hành ảm đạm từ tháng đầu năm. Giá trị phát hành trong tháng 2-2024 ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023 khi một số điều trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực trở lại và thắt chặt hơn quy định về phát hành trái phiếu. Trong đó, đơn cử là tiêu chí xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm.

Tiếp tục kiến nghị gỡ khó

Tháng 2-2024, các DN đã mua lại 2.056 tỉ đồng trái phiếu trước hạn. Trong 10 tháng còn lại của năm nay, ước tính sẽ có khoảng 255.732 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, phần lớn là trái phiếu bất động sản khi lên tới hơn 98.000 tỉ đồng.

Khó khăn đối với các DN bất động sản vẫn còn nhiều với nỗi lo trả nợ trái phiếu. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), lượng trái phiếu đáo hạn trong năm nay vẫn rất lớn. 

Dù kinh tế hồi phục, bất động sản đã thoát đáy nhưng trái phiếu vẫn là gánh nặng cho DN. Bởi lẽ, năm 2023, giá trị trái phiếu phát hành giảm 40% so với năm trước và đa phần DN huy động vốn thành công qua kênh này là công ty trách nhiệm hữu hạn, không phải DN đại chúng.

Trong Báo cáo triển vọng thị trường vốn nợ của Việt Nam năm 2024, các chuyên gia FiinRatings ước tính đến hết năm 2023, giá trị chậm trả gốc/lãi (bao gồm những trái phiếu cơ cấu lại và giãn, hoãn kỳ hạn) của 131 nhà phát hành đạt mức 192.800 tỉ đồng, chiếm 16% tổng trái phiếu DN đang lưu hành. Các DN ngành năng lượng chiếm tỉ lệ chậm trả theo ngành lớn nhất (47,9%), tiếp đến là bất động sản và thương mại, dịch vụ…

Các chuyên gia FiinRatings nhìn nhận: "Ngoài áp lực trái phiếu đáo hạn, so với năm 2023, thị trường còn đối mặt thêm gánh nặng từ các lô trái phiếu chậm trả gốc/lãi được gia hạn trước đó thông qua Nghị định 08/2023/NĐ-CP, ước tính giá trị cần xử lý là 94.100 tỉ đồng. Tỉ lệ chậm trả sẽ tiếp tục tăng, song kỳ vọng giá trị chậm thanh toán gốc, lãi trong năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái".

Riêng với trái phiếu của DN bất động sản, nhiều chuyên gia cho rằng áp lực chưa thể giải tỏa nhiều. Ông Nguyễn Bá Khương, chuyên gia Khối Phân tích - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án còn chậm, khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của các DN còn tiếp diễn. Áp lực đối với dòng tiền và vấn đề trái phiếu đáo hạn vẫn sẽ là thách thức lớn đối với nhóm DN bất động sản.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 hoãn áp dụng một số quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP, giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho DN. Tuy nhiên, các quy định này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31-12-2023. Đồng thời, nhiều điều khoản quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc của Nghị định 65 đã có hiệu lực, tạo áp lực cho việc thu hút nhà đầu tư mới tham gia thị trường.

Ngược lại, những quy định mới sẽ thiết lập kỷ luật chặt chẽ hơn đối với tất cả các bên liên quan, hỗ trợ việc khôi phục niềm tin của thị trường. Nhu cầu phát hành trái phiếu lớn của nhóm ngân hàng để bổ sung nguồn vốn và đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ dẫn dắt thị trường trái phiếu trong năm nay. Nhà đầu tư cũng được hưởng lợi từ các điều kiện trên bởi tính minh bạch, chất lượng của lô trái phiếu phát hành mới được kỳ vọng sẽ cải thiện hơn.

Ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: "HoREA kiến nghị Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận gia hạn việc áp dụng điều 3 Nghị định 08 thêm 12 tháng, đến hết năm 2024, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, giúp DN bất động sản có thêm thời gian tái cơ cấu các khoản nợ nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa quy định, cho phép tổ chức tín dụng được mua trái phiếu DN có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình". 

Quy mô trái phiếu DN vẫn khiêm tốn

Theo FiinRatings, trái phiếu DN đang trong giai đoạn mới phát triển với quy mô thị trường còn tương đối khiêm tốn, chỉ chiếm 9,75% GDP cả nước. Thời gian tới, thị trường này sẽ được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất ở vùng thấp, đặc biệt là với các DN đang gặp áp lực về thanh khoản, giúp bảo đảm dòng tiền thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn.

Theo Người Lao Động


Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Quý I, lỗ ròng Novaland tăng gấp 1,5 lần vì lý do gì?

Quý I, lỗ ròng Novaland tăng gấp 1,5 lần vì lý do gì?

Quý đầu năm, Novaland (HoSE; NVL) tiếp tục ghi nhận khoản lỗ ròng hơn 600 tỷ đồng, tăng gần 1,5 lần so với mức lỗ ròng hơn 410 tỷ đồng của năm ngoái.

Eximbank có chủ tịch mới

Eximbank có chủ tịch mới

Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank; HoSE: EIB) vừa công bố thông tin về việc bầu ông Nguyễn Cảnh Anh, thành viên HĐQT Eximbank, giữ chức chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025.

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ Fed, vàng và USD?

Với độ mở lớn, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao từ Fed, vàng và USD?

Tỷ giá USD/VND hiện nay đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 10 năm qua. Các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND.

Vì sao Vietbank sẽ chia cổ tức tới 25%?

Vì sao Vietbank sẽ chia cổ tức tới 25%?

Vietbank hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 29% trong năm 2024 và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới hoặc bằng 2,5%. Ngân hàng này cũng ghi tên mình vào nhóm các nhà băng có tỷ lệ chia cổ tức cao.

Quyền CEO Eximbank nói "rút kinh nghiệm sâu sắc" vụ chủ thẻ tín dụng bị ghi nợ hơn 8,8 tỷ đồng

Quyền CEO Eximbank nói "rút kinh nghiệm sâu sắc" vụ chủ thẻ tín dụng bị ghi nợ hơn 8,8 tỷ đồng

Trả lời cổ đông tại đại hội về sự vụ gần đây liên quan đến chủ thẻ thẻ tín dụng nợ hơn 8,8 tỷ đồng sau 11 năm, ông Nguyễn Hoàng Hải, Quyền CEO Eximbank cho biết đây là một bài học lớn.

Giá lúa gạo, cà phê lên hương, nông dân và doanh nghiệp phân bón cùng lãi lớn

Giá lúa gạo, cà phê lên hương, nông dân và doanh nghiệp phân bón cùng lãi lớn

Giá lúa gạo, cà phê và các loại nông sản khác tăng đẩy nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng cao. CEO Phân bón Bình Điền Ngô Văn Đông tiết lộ quý I/2024, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Phân bón Bình Điền lên đến 91 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ gần 40 tỷ đồng.