“Chẳng biết khi nào thị trường mới không còn hàng giả, hàng nhái. Mệt nhất là hàng quảng cáo một đằng, nhưng khi nhận hàng thì lại ra một nẻo”, chị Nguyễn Minh Thu (phố Trung Văn, quận Nam Từ Liên, Hà Nội) chia sẻ. Chị Thu cho biết, vì lý do dịch bệnh, nên chị không đi mua hàng trực tiếp tại các chợ, siêu thị nữa, mà thường mua hàng trực tuyến. Thế nhưng, không ít lần, chị Thu đã mua phải những món hàng hoàn toàn khác so với hình ảnh quảng cáo trên mạng.
Trên thực tế, không ít người tiêu dùng đã mua phải hàng kém chất lượng, không đúng với quảng cáo như chị Thu. Thậm chí, nhiều người mua phải hàng giá cao nhưng chất lượng vẫn kém do các đối tượng tận dụng sàn thương mại điện tử, đưa hàng nhái, hàng giả trà trộn các thương hiệu nổi tiếng. Rồi khi người tiêu dùng nhận hàng qua shipper, hàng không giống như “show” trên mạng, gọi lại chủ hàng để khiếu kiện thì điện thoại đã “ngoài vùng phủ sóng”.
Dịch bệnh hoành hành gần hai năm qua, việc thực hiện giãn cách xã hội khiến cho hầu hết người tiêu dùng tìm đến phương thức mua hàng trực tuyến thay vì cách mua truyền thống như trước đây. Chỉ cần “nhấn tay” vào màn hình điện thoại thông minh (smart phone) là đã có thể mua được mọi thứ, từ quần áo, giày dép, nước hoa, mỹ phẩm… cho đến đồ ăn uống, tiêu dùng hàng ngày.
Thế nhưng, đi kèm với sự tiện lợi đó, không ít những rủi ro rình rập người tiêu dùng.
Có thể thấy, từ thị trường truyền thống, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng đã và đang xâm lấn mạnh mẽ sang kênh bán hàng trực tuyến. Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc các sàn thương mại điện tử ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đó cũng là xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Vào các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo..., dễ dàng tìm mua được những sản phẩm gắn các thương hiệu nổi tiếng mà giá chỉ vài trăm ngàn đồng, thậm chí thấp hơn.
Đáng ngại, càng những hãng, thương hiệu sản phẩm uy tín, được người tiêu dùng ưa chuộng thì nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa càng cao.
Theo cơ quan Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), tính đến tháng 10/2021, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhận định: Xét về góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái gây ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của những doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh chân chính. Tác động tiêu cực đầu tiên là hành vi nêu trên làm mất uy tín của những DN có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, dẫn đến việc quay lưng lại với sản phẩm. Mặt khác, vì có lợi thế về giá cả so với với hàng “xịn” mà hàng giả, hàng nhái khiến những mặt hàng chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng lâm vào tình trạng ế ẩm, suy giảm doanh thu.
Tại cuộc hội thảo “Nâng cao năng lực nhận diện hàng thật - hàng giả, quyền sở hữu trí tuệ cho lực lượng chức năng và doanh nghiệp” do JETRO và Tổng cục QLTT đồng tổ chức mới đây, có ý kiến cho rằng, thương mại điện tử bên cạnh sự tiện ích không phủ nhận còn là “cánh tay nối dài” cho hàng giả, hàng nhái phát triển. Đơn cử như vụ việc tại Lào Cai được triệt phá hồi tháng 7/2020.
Theo đó, Tổng cục QLTT đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại TP Lào Cai, đối tượng kinh doanh thương mại điện tử bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook, tổng số sản phẩm tạm giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa.
Có thể nói, đây là vụ việc “khủng” nhất trong lịch sử triệt phá hàng giả, hàng nhái của lực lượng chức năng trên không gian mạng, cho thấy, sàn thương mại điện tử vẫn luôn là “mảnh đất vàng” để các đối tượng làm ăn phi pháp lộng hành.
Cũng tại cuộc hội thảo nói trên, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT đã thông tin, từ nay đến 2025, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ tăng cường nhiều biện pháp, để đạt mục tiêu 90% các cơ sở phân phối không còn tình trạng bày bán hàng nhập lậu, hàng giả một cách công khai ở cửa hàng, trung tâm mua sắm.
Ngoài ra, 90% các làng nghề, cơ sở cũng không sản xuất hàng nhái, hàng giả, các hộ kinh doanh sẽ tham gia cam kết không tiêu thụ các mặt hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Nói như vậy cũng có nghĩa, trong mục tiêu đó, cơ quan quản lý thị trường vẫn không dám “mơ” đến một viễn cảnh “100% cơ sở phân phối, cửa hàng trung tâm thương mại không còn hàng giả, hàng nhái”.
Phải thừa nhận rằng, để đạt được con số 90% nói trên đã là một yêu cầu vô cùng khó khăn, chứ chưa nói đến 100%. Là bởi, như chúng ta đã thấy rõ, thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ đã trở thành vấn nạn khó triệt tiêu.
Theo ông Trần Hữu Linh, hiện nay, để ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng gian, hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, Việt Nam có khoảng 8 lực lượng tham gia công tác này. Tuy nhiên, lực lượng chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý.
Giới chuyên gia nhận định, nguyên nhân khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái khó triệt tiêu, một phần do siêu lợi nhuận, các đối tượng “mờ mắt” vì lòng tham trong khi cơ chế, chính sách, chế tài xử lý còn nhiều “lỗ hổng”. Mặt khác, chính sự dễ tính của người tiêu dùng, sẵn sàng sử dụng hàng rẻ tiền, hàng nhái thương hiệu đã tiếp tay cho vấn nạn này.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, bản thân sự dễ dãi của người tiêu dùng cũng đã khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có đất sống. Nếu người tiêu dùng kiên quyết quay lưng, nói không với hàng nhái, chắc chắn các đối tượng làm hàng giả sẽ không thể tiếp tục các hành vi lừa người tiêu dùng.
Dư luận xã hội từ lâu mong mỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái được triệt tiêu, để mang lại sự bình an cho người dân cũng như các DN làm ăn chân chính. Bởi vậy, mục tiêu 90% cơ sở phân phối, cửa hàng trung tâm thương mại không còn hàng giả, hàng nhái trong vòng 3 năm tới (năm 2025) mà lực lượng quản lý thị trường đặt ra thực sự là điều chúng ta kỳ vọng.
Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.
Giám đốc phân tích tại BSC lưu ý: Các chính sách của ông Donald Trump nhiều khả năng sẽ gây áp lực lên tỷ giá cho các đồng tiền khu vực mới nổi trong đó có VNĐ. Điều này khiến cho Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc các kịch bản thận trọng hơn.
Kết quả kiểm phiếu cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra quá kịch tính. Màu xanh [của đảng Dân Chủ] và màu đỏ (của đảng Cộng Hòa) thi nhau nhảy lên nhảy xuống ở 7 bang chiến địa Pennsylvania, Georgia, Michigan, Wisconsin, Nevada, Arizona, Bắc Carolina.
Việc các CEO nổi tiếng trên mạng xã hội không còn xa lạ ở các công ty trên thế giới. Tuy nhiên, cũng dễ thấy rằng với những lãnh đạo ở các tập đoàn lớn, nội dung PR thường tập trung thể hiện chuyên môn, năng lực, tầm nhìn của họ
Ca sĩ hạng S ở Việt Nam, tức là hạng Super, tức là Siêu Sao, tức là hạng cao hơn cả hạng A, có cát-xê 2 tỉ đồng một show, liệu có quá cao hay không?
Giá vàng trong nước và trên thế giới đều liên tục tăng cao trong những ngày qua. Vậy, trong thời gian tới, kịch bản về giá của kim loại quý này là gì?