Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã có công văn số 962/SXD-QLN&PTĐT về việc chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản gửi tới các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, để hoạt động kinh doanh bất động sản được thực hiện theo đúng quy định pháp luật, Sở đề nghị chủ đầu tư 33 dự án bất động sản không giao kết hợp đồng với đơn vị môi giới hoặc vận dụng các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ hay đăng tải các nội dung liên quan đến việc mua bán khi bất động sản chưa đủ điều kiện giao dịch.
Các chủ đầu tư phải hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khi đủ điều kiện đưa bất động sản vào kinh doanh. Sở Xây dựng sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong số 33 dự án bất động sản trên, có 17 dự án là các khu dân cư, khu đô thị và 16 dự án du lịch nghỉ dưỡng bị Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận thực hiện chấn chỉnh việc giao dịch, mua bán và chuyển nhượng bất động sản.
Trong đó phải kể đến một số khu dự án du lịch nghỉ dưỡng điển hình như Khu biệt thự cao cấp Casalavanda (Công ty Khang Linh), KDL King Sea Phan Thiết (Công ty Đại Thanh Quang), Dự án sân golf Hòn Rơm (Công ty S.I), Khu du lịch nghỉ dưỡng APEC MANDALA WYNDHAM Mũi Né (Công ty IDJ Việt Nam), KDC sinh thái biển cao cấp Lạc Việt (Công ty Danh Việt)...
Trước đó, một số dự án du lịch nghỉ dưỡng đã từng có nhiều sai phạm trong chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng hạ tầng đô thị khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất...
Cụ thể, Dự án Sentosa Villa (phường Mũi Né) quy mô 15,37 ha của Công ty TNHH Đầu tư Sài Gòn. Dự án này được tỉnh Bình Thuận chỉ ra có nhiều sai phạm như chuyển mục đích sử dụng đất chưa đúng quy định, xây dựng hạ tầng đô thị khi chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Tại Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình xây dựng đối với dự án này. Dự án do Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á Thái Bình Dương (APEC Group) và doanh nghiệp liên kết là Công ty Cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam làm chủ đầu tư.
Theo Kết luận Thanh tra số 867/KL-SXD, chủ đầu tư và đơn vị phân phối thực hiện dự án việc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng bất động sản thông qua các hình thức ký kết hợp đồng vay, văn bản thỏa thuận, bản đăng ký nguyện vọng chưa thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản và chưa ký hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản với tổ chức, cá nhân nào.
Ngoài ra, qua kiểm tra hồ sơ, dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né chưa chấp hành nghiêm các quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Cụ thể, Công ty Cổ phần dịch vụ và Đầu tư bất động sản Cland, Công ty Cổ phần bất động sản Khải Hoàn Land (đơn vị phân phối dự án) chưa thực hiện các quy định về phòng chống rửa tiền theo quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013, Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 11/11/2014.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận xuất hiện tình trạng chủ đầu tư và đơn vị phân phối một số dự án kinh doanh bất động sản thực hiện việc rao bán, chuyển nhượng bất động sản. Theo đó, các giao dịch này diễn ra thông qua các hình thức giữ chỗ, đặt chỗ, đăng ký vị trí để thu tiền của người mua, trong khi các hình thức này không được quy định trong Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các quy định pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư và đơn vị môi giới đăng tải thông tin các dự án kinh doanh bất động sản không đúng với tính chất, mục tiêu, quy mô của dự án đã được chấp thuận đầu tư.
Theo các chuyên gia, việc giao dịch của các tổ chức và cá nhân đối với bất động sản chưa đủ điều kiện kinh doanh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân và hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh. Từ đó, có khả năng gây mất an ninh trật tự và có nguy cơ trở thành điểm nóng về tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan.