Thứ hai, 25/11/2024

Chỉnh trang khu vực trung tâm TP.HCM: Dành nhiều không gian phục vụ cộng đồng

10/05/2023 1:00 PM (GMT+7)

Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên sẽ đưa vào hoạt động cuối năm nay, nhà ga Bến Thành sẽ là ga trung tâm cho các tuyến tàu điện ngầm khác; các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng (quận 1)… dành không gian cho phố đi bộ, công viên, vườn hoa.


Chỉnh trang khu vực trung tâm TP.HCM: Dành nhiều không gian phục vụ cộng đồng - Ảnh 1.

Giếng trời ga Bến Thành khu vực Công viên 23-9 (quận 1, TP.HCM)

Tái lập mặt bằng, đường phố thông thoáng

Sau hơn 7 năm rào chắn để thi công xây dựng tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) đã tháo dỡ, tái lập và bàn giao toàn bộ mặt đường Lê Lợi và 8.000m2 mặt bằng Công viên 23-9 (quận 1) cho Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố. Ông Phạm Nguyên Huy (62 tuổi, ngụ phường Bến Thành, quận 1) phấn khởi cho biết, bà con, du khách rất vui vì đã có không gian dạo bộ, thư giãn, đường phố sạch sẽ, thông thoáng. Còn bà Trần Nguyệt Sương, chủ nhân căn nhà mặt tiền đường Lê Lai, chia sẻ, sau khi rào chắn được tháo dỡ, giao thông thuận tiện, việc buôn bán bắt đầu nhộn nhịp trở lại.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc MAUR, cho biết, theo yêu cầu của UBND TP.HCM, trước ngày 2-9 năm nay phải tháo dỡ xong phần rào chắn còn lại tại khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành, MAUR đang tích cực phối hợp nhà thầu cố gắng sớm hoàn thành thi công. “Đây là điểm nhấn kiến trúc nổi bật đặc biệt, mang ý nghĩa biểu tượng cho tuyến Metro số 1. Hiện hạng mục giếng trời lấy sáng của nhà ga đã được lắp đặt, hoàn thành toàn bộ phần kiến trúc mặt ngoài để người dân và du khách có thể tham quan”, ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết.

Giếng trời nhà ga lấy sáng được thiết kế hình ảnh hoa sen cách điệu, cấu tạo bởi 2 vật liệu chính là kính cách nhiệt và tấm nhôm tổ ong, có khả năng chống chịu thời tiết tốt cũng như cách âm, cách nhiệt. Công trình này còn có chức năng cung cấp ánh sáng và thông gió cho khu vực phía dưới nhà ga ngầm, giúp cho hành khách đi metro có thể nhìn trực diện chợ Bến Thành, hoặc bên trên có thể nhìn ngắm các hoạt động nhà ga bên dưới.


Phương án tái lập khoảng không gian vòng xoay Quách Thị Trang là thiết kế thành quảng trường nhằm giữ được không gian văn hóa đặc trưng của thành phố; ưu tiên vị trí đặt tượng đài Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang xung quanh có cây xanh tán lớn tạo bóng mát, chú ý đến hình dáng các đảo giao thông, thiết kế lại cảnh quan phù hợp, điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông... Như vậy, sau khi được phục dựng, khu vực vòng xoay Quách Thị Trang trở thành một kiến trúc biểu tượng mới của TP.HCM

Kiến trúc sư NGÔ VIẾT NAM SƠN

Tận dụng không gian cho cộng đồng

Cùng với khu vực nhà ga Bến Thành, toàn bộ khu vực trung tâm TP.HCM dọc theo các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng (quận 1) cũng đang được lên kế hoạch chỉnh trang, tạo không gian phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Cụ thể, sau khi MAUR bàn giao mặt bằng đã tái lập, UBND TP.HCM đã chỉ đạo UBND quận 1 làm chủ đầu tư chỉnh trang khu vực vòng xoay Quách Thị Trang (trước chợ Bến Thành) cũng như một phần Công viên 23-9. Hiện, khu vực này đã được Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố tăng cường mảng xanh, chậu hoa kiểng dọc các lối đi bộ; Sở GTVT cũng phân làn, phân luồng giao thông tạm thời trong lúc chờ phương án chỉnh trang xây dựng mới.

Ông Vũ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết, quận đã có văn bản gửi Sở KH-ĐT đề xuất đưa dự án chỉnh trang vòng xoay Quách Thị Trang và trục đường Lê Lợi vào kế hoạch đầu tư công trung hạn, trình HĐND TP thông qua để ghi vốn thực hiện. Ngoài ra, quận 1 kiến nghị UBND TP sớm thông qua quy hoạch không gian đô thị tại khu vực đường Lê Lợi để thu hút các nhà đầu tư dịch vụ thương mại, tạo sự đồng bộ giữa kinh doanh và an ninh trật tự xã hội. Theo phương án đã trình, sẽ xây dựng chỉnh trang quảng trường trước chợ Bến Thành với mảng xanh tại đảo giao thông, vị trí đặt tượng, bố cục mặt bằng khu vực quảng trường với không gian mở. Tiếp đến, sẽ kết nối đồng bộ quảng trường trước chợ Bến Thành với các dự án khác trong khu vực, Công viên 23-9 và trục đường Lê Lợi… theo đúng đồ án quy hoạch khu trung tâm hiện hữu 930ha mà UBND TP đã phê duyệt trước đây.

Về bố trí giao thông, theo Phó Giám đốc Sở GTVT Bùi Hòa An, đường Tôn Đức Thắng và khu vực xung quanh Công viên bến Bạch Đằng (quận 1) sẽ được chỉnh trang theo phương án làm bãi đậu xe ngầm, bên trên dành cho người đi bộ. Bãi đậu xe ngầm sẽ nằm cách Công trường Mê Linh khoảng 100m về phía Nam đường Ngô Văn Năm. Các lối ra vào bãi đậu xe ngầm sẽ có 2 làn xe riêng biệt, không được kết nối trực tiếp xuống đường ngầm Tôn Đức Thắng. Đồng thời, khu vực Công trường Mê Linh sẽ được xây dựng một vườn trũng ngầm ở giữa, kết nối trực tiếp với bãi đậu xe ngầm, có bố trí cửa hàng bán lẻ, quán cà phê, nhà hàng... phục vụ cộng đồng.


Theo kế hoạch chỉnh trang đô thị, bên dưới phố đi bộ Nguyễn Huệ sẽ xây dựng trung tâm thương mại kết nối với bãi đậu xe ngầm và các công trình khác. Đặc biệt, Sở GTVT đề xuất tổ chức 22 tuyến đường ở khu vực trung tâm làm phố đi bộ; cải tạo nút giao, vỉa hè; điều chỉnh giao thông để tăng kết nối giao thông công cộng, tổ chức sự kiện thu hút người dân, phục vụ du khách.


Trình đề án chỉnh trang trong tháng 6

Liên quan việc chỉnh trang khu vực trung tâm thành phố, chiều 8-5, Văn phòng UBND TP cho biết, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi đã giao Sở Xây dựng căn cứ trên cơ sở đã lấy ý kiến góp ý của các đơn vị liên quan nghiên cứu thêm và bổ sung cơ sở lập luận đối với phương án đề xuất thay thế cây trồng phù hợp, báo cáo Ban Cán sự đảng UBND TP thống nhất cho ý kiến về phương án chọn phía sau Tượng đài Bác (trước trụ sở UBND TP) đặt chậu cây hoặc bố trí thảm hoa; hai bên Tượng đài Bác trồng cây có hoa, hoặc trồng cây không hoa.

Về khu vực bến Bạch Đằng, Sở QH-KT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan căn cứ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm hiện hữu TP (930ha) để triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, bao gồm định hướng phát triển giao thông, quy hoạch xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm. Trong quá trình nghiên cứu, cần đề xuất khu vực 2 bên bờ sông Sài Gòn giữa công viên bến Bạch Đằng và quảng trường công viên bờ sông của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, sắp xếp và đề xuất bổ sung chức năng của các bến thủy, bãi đậu xe, các tiện ích công cộng phù hợp, báo cáo đề xuất trình UBND TP trong tháng 6.

Trước mắt, để giảm ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân và du khách đi bộ từ công viên bến Bạch Đằng qua tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ, Sở QH-KT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan lựa chọn các vị trí phù hợp đề xuất làm cầu bộ hành kết nối thông qua trục đường Tôn Đức Thắng với công viên bến Bạch Đằng. Đề xuất thiết kế cầu đi bộ đảm bảo mỹ quan, hài hòa, thuận tiện, an toàn trong sử dụng và tôn tạo thêm cảnh quan cho khu vực này. Đối với đề xuất bổ sung vị trí các hầm đi bộ kết nối với công viên bến Bạch Đằng và phát triển không gian ngầm tại khu vực này, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất cụ thể trong quá trình lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu công viên bến Bạch Đằng. Song song đó, phối hợp quận 1 nghiên cứu đề xuất phương án tạo bóng mát vào ban ngày để phục vụ người dân và du khách tại tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng, trình UBND TP trong tháng 6.

UBND TP cũng thống nhất kết quả nghiên cứu Đề án tổ chức các tuyến phố đi bộ trong khu vực trung tâm TP do Sở GTVT thực hiện và tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý, cập nhật các giai đoạn triển khai, hoàn chỉnh nội dung dự thảo đề án, trình UBND TP trước ngày 10-5. Quận 1 tiếp thu ý kiến góp ý khẩn trương cập nhật bổ sung, hoàn chỉnh nội dung nghiên cứu đề án tiếp nhận, quản lý và khai thác khu vực trung tâm, trong đó, cần làm rõ sự cần thiết, cơ sở pháp lý đề xuất thành lập mới Ban Quản lý khu vực trung tâm; phạm vi hoạt động; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, nhân sự và mức độ tự chủ tài chính của đơn vị gắn với cơ chế tạo nguồn thu từ các hoạt động kinh tế nhằm duy trì và phát triển đa dạng các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch gắn với phố đi bộ.

Về tổ chức giao thông khu vực chợ Bến Thành, Ban Đường sắt đô thị TP, Sở Công thương, quận 1 phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương di dời 2 trạm xăng dầu trước chợ Bến Thành và hoàn trả mặt bằng mặt để Sở GTVT tổ chức phân luồng giao thông theo đúng phương án thiết kế tổng thể cảnh quan khu vực trước chợ Bến Thành.

HÀ DỊU

Theo SGGPO

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Tư vấn quốc tế chỉ ra lý do Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản đầy hứa hẹn

Tư vấn quốc tế chỉ ra lý do Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản đầy hứa hẹn

Báo cáo mới nhất từ công ty tư vấn bất động sản quốc tế Knight Frank nêu bật: Việt Nam là một thị trường bất động sản trọng điểm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và khối ngoại đang chú ý nhiều đến Việt Nam

Lại sửa phương án đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Lại sửa phương án đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Lãnh đạo TP.HCM vừa hủy quyết định duyệt dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tức phương thức đối tác công tư, để chuyển sang đầu tư công.

TP.HCM dự chi 7.500 tỷ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2

TP.HCM dự chi 7.500 tỷ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2

TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.

Thị trường bất động sản vẫn đầy chung cư cao cấp, người mua nhà khó tìm ra giá thấp hơn

Thị trường bất động sản vẫn đầy chung cư cao cấp, người mua nhà khó tìm ra giá thấp hơn

Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.

Những dự án bất động sản sẽ được ưu tiên đầu tư ở TP.HCM

Những dự án bất động sản sẽ được ưu tiên đầu tư ở TP.HCM

Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.