Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được 10 nước thành viên ASEAN ký kết với năm nước đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand vừa chính thức có hiệu lực. Hiệp định này tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng (chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP hơn 26.000 tỉ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
Ưu đãi thuế, mở rộng thị trường
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại Hiệp định RCEP là sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết và thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, hiệp định này cũng được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí lẫn thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia như một số hiệp định trước đây.
Đại diện Bộ Công Thương đánh giá khi RCEP chính thức có hiệu lực sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp (DN) Việt đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Thậm chí, với hiệp định này, Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.
Ví dụ, trước đây với những mặt hàng mà nhập nguyên liệu từ Trung Quốc rồi xuất sang Úc thì Việt Nam không được hưởng ưu đãi nhưng với RCEP thì Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi. Đặc biệt, ngoài các mặt hàng nông thủy sản thì nhiều sản phẩm của nước ta như dệt may, da giày, đồ gỗ… có thể gia tăng xuất khẩu vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc.
Không chỉ có màu hồng
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho rằng một trong những điểm khác biệt tại Hiệp định RCEP so với các hiệp định khác là nguyên tắc xuất xứ cộng gộp. Theo đó, nguyên liệu có xuất xứ của một nước thành viên này sẽ được coi là nguyên liệu có xuất xứ khi tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa diễn ra tại một nước thành viên khác. Với quy định này, các công ty dệt may nước ta có thể tận dụng được cơ hội đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc...
Tuy nhiên, RCEP cũng đặt ra nhiều thách thức lớn về cạnh tranh thị trường. Ví dụ, hàng dệt may Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn với hàng cùng loại Trung Quốc khi xuất sang Nhật hay các thị trường trong RCEP. “Vì vậy, đối với các công ty dệt may nước ta cũng như các ngành hàng khác phải đầu tư, cải thiện quản lý để nâng năng suất lên, giảm chi phí sản xuất để cạnh tranh giá cả” - ông Hồng phân tích.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết hiện Trung Quốc chỉ mới cho phép nhập khẩu chính ngạch chín mặt hàng trái cây Việt bao gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm và măng cụt. Còn Nhật và Úc chỉ mới cho phép nhập bốn mặt hàng trái cây từ nước ta. Nhưng khi RCEP có hiệu lực, số lượng mặt hàng trái cây tươi xuất khẩu sang các thị trường này sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, RCEP cũng đặt ra những khó khăn không nhỏ với nông sản Việt Nam. Điều này đòi hỏi trái cây Việt phải xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm thì mới cạnh tranh được trong thị trường lớn này.
“Bên cạnh đó, để xuất khẩu được nhiều loại trái cây hơn, cơ quan quản lý cần đẩy mạnh công tác đàm phán. Chẳng hạn đến nay Trung Quốc vẫn chưa đồng ý cho trái sầu riêng Việt Nam vào chính ngạch, trong khi sầu riêng của Thái bán vào thị trường này với khối lượng rất lớn” - ông Tùng nhấn mạnh.
Phải học cách làm của Thái Lan
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, nhìn nhận Hiệp định RCEP có thể tạo điều kiện nới lỏng các quy định về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu. Tuy vậy, các quốc gia nếu thấy lợi ích bị ảnh hưởng vẫn có thể sẽ xem xét và có hàng rào kỹ thuật, đặt tiêu chuẩn cao với hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc, theo ông Hiển, muốn khai thác ổn định thị trường này thì các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chuyển sang xuất chính ngạch chứ không nên làm ăn kiểu tiểu ngạch nữa. Việt Nam cần học hỏi cách làm của Thái Lan, khi họ cũng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc nhưng ít bị ảnh hưởng tiêu cực vì càng ngày họ càng chuẩn hóa hàng hóa xuất khẩu.
“Nhiều công ty tham gia lĩnh vực nông sản Việt Nam chưa đầu tư phát triển về công nghệ, chuẩn hóa nông sản xuất khẩu. Vì vậy, chúng ta cần những công ty đầu tàu thiết lập được các nhà máy chất lượng cao về công nghệ chế biến bảo quản rồi thu mua nông sản với giá hợp lý cho nông dân. Những công ty này xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị giá tăng, như vậy thì mọi đơn vị trong chuỗi cung ứng đều được hưởng lợi” - ông Hiển góp ý.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại Thủy sản Thuận Phước, cho rằng để có thể tận dụng, khai thác hiệu quả các hiệp định thế hệ mới như RCEP, bên cạnh sự nỗ lực của các doanh nhân thì Nhà nước cần tháo gỡ những ách tắc, giảm bớt những quy định, thủ tục ràng buộc lâu nay đang kìm hãm lực lượng sản xuất. Bởi nếu các công ty Việt bước vào cuộc đua mới với đối thủ các nước nhưng lại bị trói buộc nhiều gánh nặng chi phí, thủ tục rườm rà thì rất khó bứt phá.•
Bộ Công Thương cho hay sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan. Cụ thể, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực.
Đến cuối lộ trình, tức sau 20 năm Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác. Trong khi đó, các nước đối tác sẽ xóa bỏ khoảng 90%-92% số dòng thuế cho Việt Nam. Riêng các nước trong khối ASEAN sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ số dòng thuế cho Việt Nam.
Tuy nhiên, RCEP cũng tạo ra sức ép cạnh tranh lớn cho hàng hóa Việt Nam do nhiều đối tác trong hiệp định này có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn so với Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú đa dạng, giá rẻ sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với nhiều mặt mặt hàng của nước ta.