Doanh nghiệp muốn tự quyết giá xăng dầu, Bộ Công Thương nói gì?
An Linh
22/11/2024 3:30 PM (GMT+7)
Theo Bộ Công Thương, nếu Nhà nước không có công cụ kiểm soát giá xăng dầu, sẽ có thể gây thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa thông tin làm rõ hơn một số ý kiến khác nhau tại dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Dự thảo Nghị định quy định: Nhà nước công bố công thức tính, giá sản phẩm xăng dầu thế giới bình quân 7 ngày/lần và chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, các chi phí về thuế, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố đầu vào do Nhà nước công bố tự tính toán và công bố giá bán xăng dầu trên thị trường.
Khách đổ xăng tại 1 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Ảnh TL
Giá bán lẻ xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức quy định.
Qua quá trình lấy ý kiến về dự thảo Nghị định còn có ý kiến khác, theo đó đề xuất Nhà nước nên để doanh nghiệp chủ động tính toán và quyết định giá bán theo cơ chế thị trường.
Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và đại diện một số thương nhân đề xuất nội dung nguyên tắc điều chỉnh giá bán xăng dầu theo hướng: Nhà nước công bố công thức tính giá, mức giá tham chiếu quốc tế và premium bình quân; không công bố chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức.
Căn cứ công thức tính giá và mức giá tham chiếu Nhà nước công bố, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán buôn, giá bán lẻ và thời điểm điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường.
Thương nhân kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm làm thủ tục kê khai và công bố giá do mình quyết định theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thị trường xăng dầu diễn biến bất ổn, có quyết định bình ổn giá thì thực hiện theo nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu như quy định tại dự thảo Nghị định.
Theo Vụ Thị trường trong nước, phương án của đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và một số doanh nghiệp đề xuất có ưu điểm: Doanh nghiệp hoàn toàn được chủ động quyết định giá bán xăng dầu và sát hơn với Luật Giá năm 2023.
Tuy nhiên cũng có nhược điểm: Chi phí của các doanh nghiệp khác nhau, dẫn tới giá bán xăng dầu tại các khu vực khác nhau sẽ khác nhau, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa chi phí sẽ tăng cao gây khó khăn cho người dân tại khu vực này; Nhà nước không có công cụ kiểm soát và có thể dẫn tới thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung và hiện tượng thiếu hàng, sốt giá ở vùng sâu, vùng xa.
Trong khi đó, phương án theo dự thảo Nghị định quy định có ưu điểm: Nhà nước duy trì được công cụ kiểm soát về giá xăng dầu qua đó giám sát được nguồn cung. Nhưng cũng có nhược điểm: Chưa sát với Luật Giá do còn kiểm soát giá bán xăng dầu thông qua giá trần. Doanh nghiệp chưa hoàn toàn được chủ động quyết định giá theo cơ chế thị trường.
"Đây là vấn đề lớn, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, ảnh hưởng tới an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, việc thực hiện giá bán xăng dầu ngay theo cơ chế thị trường như đề xuất của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam và một số thương nhân cần phải được xem xét kỹ lưỡng và có lộ trình thực hiện" – Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, tiếp thu ý kiến của Hiệp hội xăng dầu và đại diện một số doanh nghiệp, Bộ Công Thương dự kiến trình Chính phủ 2 phương án: Phương án 1: giữ nguyên như dự thảo Nghị định và phương án 2 theo phương án đề xuất của Hiệp hội và đại diện một số doanh nghiệp.
- Tham khảo thêm