6 tháng đầu năm, thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực sau khi Việt Nam mở cửa lại các đường bay quốc tế. Hàng loạt các dự án khu công nghiệp, kho xưởng được khởi công tại nhiều địa phương.
Theo CBRE Việt Nam, nhu cầu hỏi thuê bất động sản công nghiệp dần phục hồi, trong đó, lượng hỏi thuê đất công nghiệp và kho xưởng nhận được tăng lần lượt 10% và 7% so với cùng kỳ. Tỷ lệ lấp đầy cũng được ghi nhận ở mức 90% ở phía Nam trong 6 tháng qua. Các địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An có tổng quy mô đất hơn 30.000 ha.
Nhờ tỷ lệ lấp đầy khả quan, giá thuê đất trung bình ghi nhận mức tăng trưởng mức 8-13% tại phía Nam so với cùng kỳ 2021. Đối với một số khu công nghiệp tiêu biểu, mức giá chào thuê thậm chí có thể tăng tới 26% tại một số dự án khu vực phía Nam.
Bà Thanh Phạm - Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn, CBRE Việt Nam nhận định với việc nguồn cung kho đang tăng nhanh tại nhiều địa phương, giá thuê kho được giữ ở mức ổn định. Giá đất công nghiệp dự kiến duy trì ở mức cao, trong khi giá thuê nhà kho và xưởng dự kiến biến động nhẹ ở mức 0-3%/năm.
Theo đó, giá đất thuê khu công nghiệp sẽ tăng cao khi nhu cầu mở rộng nhà xưởng tăng mạnh. Hiện các tên tuổi lớn trong lĩnh vực điện tử như Samsung, LG Display, Xiaomi, Goertek cũng công bố kế hoạch mở rộng, tăng vốn, hoặc thuê mới nhà xưởng để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam.
Theo CBRE tính toán, trong vòng ba năm tới, nguồn cung đất công nghiệp sẽ tăng thêm hơn 14.000 ha cho cả hai thị trường. Trong đó, các tỉnh công nghiệp cấp 2 sẽ lần lượt chiếm khoảng 21% đến 42%. Với nguồn cầu khả quan, mức giá thuê đất công nghiệp dự kiến 8-13% một năm trong 3 năm tới tại khu vực phía Nam. CBRE dự báo, tại miền Nam sẽ có khoảng 5 triệu m2 tổng diện tích sàn đến năm 2024.
Trong khi đó, theo Cushman & Wakefield, TP.HCM có giá thuê đất công nghiệp cao nhất nước, sắp chạm ngưỡng 200 USD/m2. Còn mặt bằng giá thuê trung bình các tỉnh thủ phủ công nghiệp chủ chốt thuộc miền Nam đạt 135 USD mỗi m2 cho một chu kỳ thuê.
Theo các chuyên gia, điểm tích cực được ghi nhận là sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam đã tạo cơ sở vững chắc cho các doanh nghiệp nước ngoài đặt niềm tin vào sự phục hồi.
Theo các chuyên gia, thị trường chứng kiến nhiều thương vụ FDI thành công tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Lĩnh vực sản xuất chế tạo tiếp tục là ngành công nghiệp thế mạnh trên cả nước. Nhiều nhà đầu tư lớn đang dồn sự chú ý tới thị trường Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển, đa dạng hóa nguồn cung ứng.
Đơn cử như mới đây, thương hiệu trang sức Đan Mạch Pandora đã ký biên bản ghi nhớ xây cơ sở chế tác trang sức mới tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP) ở tỉnh Bình Dương.
Tập đoàn Framas của Đức cũng vừa thuê một khu nhà xưởng xây sẵn rộng 20.000m² tại dự án KTG Industrial Nhơn Trạch 2 (Đồng Nai). Theo đó, Framas là tập đoàn chuyên sản xuất các bộ phận bằng nhựa chất lượng cao phục vụ khách hàng như Nike và Adidas.
Tập đoàn Fuchs, đại gia dầu nhớt của Đức, cuối quý 1/2022 cũng công bố mở rộng hoạt động tại Việt Nam với động thái thuê khu đất rộng 20.000m² tại Khu công nghiệp chuyên dụng Phú Mỹ 3 (PM3 SIP) ở Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng nhà máy mới. Hợp đồng thuê đất thời hạn 55 năm, cho thấy cam kết lâu dài tại Việt Nam của nhà sản xuất dầu nhớt có kinh nghiệm hơn 90 năm của Đức.
Với sự đổ bộ của hàng loạt các doanh nghiệp nước ngoài, 4 tháng đầu năm 2022 đã có 10,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, vốn điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh, lần lượt là 92,5% và 74,5% so với cùng kỳ.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam đánh giá, các nguồn vốn FDI mới đổ vào khu công nghiệp Việt Nam năm 2022 đang có xu hướng phát triển theo hai nhánh. Thứ nhất là các ngành sản xuất và thứ hai là hậu cần phụ trợ, tức bất động sản công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, logistics.
Theo bà Trang, với sự bùng nổ của thương mại điện tử trong những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư gốc Á như Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc... và cả nhóm các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu cũng đã lần lượt xuất hiện tại thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam. Nhóm các nhà đầu tư cập bến thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022 đang có xu hướng tìm kiếm bất động sản hậu cần chất lượng ngày càng cao hơn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, việc đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, kết nối kinh tế vùng cũng là động lực thúc đẩy bất động sản công nghiệp phát triển. Theo đó, đường vành đai 3 được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực miền Nam. Đường vành đai 3 đi qua 4 tỉnh thành là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, có tổng chiều dài 76,34 km. Công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Với sự hoàn thiện của hệ thống cơ sở hạ tầng, thị trường khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ đón nhận nhu cầu tích cực trong thời gian tới.
Dự án bất động sản lớn Aqua City của Novaland ở Đồng Nai được gỡ khó về pháp lý, cộng với nguồn vốn lớn được tiếp cận sẽ giúp Novaland phục hồi và tăng tốc, theo lãnh đạo Novaland.
Dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng toạ lạc tại vị trí đất vàng giữa trung tâm thành phố đã nằm bất động hơn 15 năm qua.
Bộ Tài chính vừa có Tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), trong đó có nội dung về mức thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản.
Báo cáo mới nhất từ công ty tư vấn bất động sản quốc tế Knight Frank nêu bật: Việt Nam là một thị trường bất động sản trọng điểm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và khối ngoại đang chú ý nhiều đến Việt Nam
Lãnh đạo TP.HCM vừa hủy quyết định duyệt dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tức phương thức đối tác công tư, để chuyển sang đầu tư công.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.