“Nắm bắt tâm lý làm ít mà muốn hưởng nhiều của một bộ phận người dân, các đối tượng lừa đảo qua mạng đã bày ra chiêu thức tuyển cộng tác viên làm việc online, làm nhiệm vụ mua hàng nhận tiền hoa hồng cao và đã dụ được rất nhiều nạn nhân sập bẫy”, đại diện Cục ATTT trao đổi với Zing về nạn lừa đảo trực tuyến.
Trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, thuộc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đã ghi nhận gần 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến trong năm vừa qua. Trên thực tế, con số nạn nhân có thể lớn hơn vì nhiều nạn nhân có tâm lý ngại trình báo với cơ quan chức năng.
“Mình không trình báo gì hết vì sợ gia đình biết được”, một nạn nhân đã bị mất 200 triệu đồng do chiêu trò lừa đảo “cộng tác viên làm việc online” chia sẻ với Zing. Nạn nhân cũng cho biết ngại trình báo vì nghĩ rằng sẽ không có cơ hội lấy lại tiền.
Tiếp tục bị lừa khi tìm cách lấy lại tiền
Chia sẻ câu chuyện bị lừa đảo trên mạng xã hội, nạn nhân nhanh chóng nhận về nhiều bình luận hứa hẹn giúp đỡ lấy lại tiền từ các “luật sư online” và “tư vấn viên”, với điều kiện phải đóng trước một khoản phí từ 5-10% số tiền vừa mất.
“Tất cả đều là những tài khoản lừa đảo”, anh Nguyễn Đình Khang, sống tại Hải Phòng, người lập nhóm cảnh báo lừa đảo trực tuyến với hơn 5.000 thành viên tham gia, cho biết. Lợi dụng tâm lý muốn lấy lại tiền, nhưng lại ngại trình báo cơ quan chức năng, đây là cách những kẻ lừa đảo tiếp tục tìm cách “tận thu” nạn nhân.
“Những kẻ lừa đảo luôn sử dụng các tài khoản ảo, tài khoản ngân hàng cũng không phải chính chủ, nạn nhân rất khó trình báo”, anh Khang nói thêm.
Ông Ngô Minh Hiếu, chuyên gia bảo mật tại dự án Chống lừa đảo, cho biết nạn nhân của lừa đảo trực tuyến có tâm lý ngại trình báo cơ quan chức năng vì nhiều lý do, chẳng hạn như thiếu bằng chứng, lo sợ gia đình phát hiện, sợ ảnh hưởng đến cuộc sống hoặc không biết thủ tục trình báo.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” với lừa đảo qua mạng
“Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng rất khó để lấy lại được tiền khi bị lừa đảo trực tuyến, nên quan trọng nhất là người dân cần phải trang bị các kiến thức cần thiết”, đại diện Cục ATTT cho biết.
Cụ thể, người dùng mạng cần tìm hiểu kỹ đối tượng và cơ quan đăng tin tuyển dụng, cảnh giác trước những lời mời chào hấp dẫn, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng, cơ quan chức năng lưu ý.
“Một dấu hiệu là kẻ lừa đảo sẽ tiếp cận nạn nhân qua mạng xã hội, nhưng sau đó sẽ yêu cầu trao đổi qua Telegram để chúng dễ dàng xóa bằng chứng từ cả 2 phía”, ông Hiếu cho biết.
Chuyên gia lưu ý kẻ lừa đảo thường tự nhận là làm việc cho các thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn hoặc cơ quan chức năng để tạo niềm tin, nhưng trên thực tế tất cả các thao tác liên quan đến sàn thương mại điện tử chỉ được thực hiện qua một địa chỉ trang web gốc, có con dấu của Bộ Công Thương, còn cơ quan chức năng thì sẽ làm việc qua văn bản.
“Khi không may trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo, người dân cần nhanh chóng liên hệ với cơ quan Công an để trình báo về vụ việc lừa đảo, có thể qua trang Facebook của Công an thành phố Hà Nội hoặc đường dây nóng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao”, Cục ATTT khuyến nghị.