Việc làm ở đây hiểu đầy đủ là công việc cụ thể của người lao động (NLĐ) và người đó làm việc với sự độc lập nhất định theo năng lực của bản thân, ít tác động trực tiếp đến việc làm của người khác. Thí dụ, một người vốn làm công nhân, nay mất việc nên giờ chuyển sang chạy xe ôm. Xét trên thực tế trong khoảng thời gian nhất định, số lượng người đi xe ôm không tăng nhưng số người chạy xe tăng lên, có nghĩa sự xuất hiện của người đó đã làm giảm công việc (giảm khách) của một số người khác.
Trường hợp này tạm coi là “chưa có việc làm”. Nhưng ở trường hợp khác, người đó xin vào một xưởng mộc đang mở rộng quy mô, và sự có mặt của anh ta không trực tiếp làm giảm công việc của ai, bởi nhu cầu lao động của xưởng mộc đó đang tăng lên, ta tạm gọi đây là “có việc làm”.
Một trong những giai thoại nổi tiếng về giải pháp góp phần khắc phục hậu quả do khủng hoảng kinh tế năm 1929-1933 ở các nước phương Tây, là câu chuyện một người nào đó đã hiến kế cho Chính phủ Anh về cách thức cải thiện nền kinh tế, bằng cách tuyển người khiêng các két tiền trong Ngân hàng Hoàng gia ra khỏi trụ sở, rồi khiêng trở vào và trả tiền thuê cho họ một cách tương xứng...
Điều đó có nghĩa chính phủ cần tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời tạo ra dòng tiền lưu thông linh hoạt hơn, để tăng chi tiêu, từ đó thúc đẩy sản xuất.
Trong các định nghĩa về kích cầu, định nghĩa được nhiều người đề cao tính căn cơ, như “kích cầu là biện pháp đẩy mạnh chi tiêu ròng của chính phủ (hay còn gọi tiêu dùng công cộng) để làm tăng tổng cầu, kích thích tăng trưởng kinh tế”.
Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người hoặc truyền thông thường hướng đến kích cầu là tăng chi tiêu (nghĩa đen: xài tiền) của người dân, dù đây cũng là giải pháp quan trọng và hiệu quả. Điều đó cho thấy, vai trò của nhà nước trong kích cầu rất quan trọng.
Theo đó, đẩy mạnh chi tiêu ròng của các cơ quan nhà nước thông qua việc thực hiện các dự án, công trình do nhà nước làm chủ đầu tư. Về giá trị, quy mô, tầm ảnh hưởng, chi tiêu này mới thực sự lớn và có tác động đến nhiều chủ thể khác.
Bởi vậy, trong thời gian qua khi tỷ lệ giải ngân đầu tư công trên địa bàn TP.HCM ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế của TP cũng ở mức thấp. Ta hình dung: một công trình công cộng, như làm con đường chẳng hạn, được thực hiện sẽ tiêu thụ cát, đá, xi măng, nhựa đường, cùng nhiều dịch vụ như vận tải, tư vấn, thiết kế, đồng thời sử dụng nhiều lao động cho các dịch vụ đó.
Sẽ càng có nhiều việc làm nếu có nhiều công trình như thế, và từ đây dòng tiền sẽ được lưu thông nhiều hơn, việc chi tiêu sẽ lớn hơn, sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đương nhiên, vẫn còn nhiều biện pháp kích cầu khác, chẳng hạn giảm thuế hoặc thúc đẩy tăng chi tiêu trong người dân hoặc cả hai. Đây đều là những cách có thể kết hợp để góp phần tăng tiêu dùng.
Tuy nhiên, nếu chỉ tăng tiêu dùng mà không tăng lượng sản phẩm, hàng hóa, không tăng thu nhập, kinh tế cũng không thể phát triển. Do đó, vấn đề căn cơ vẫn là tăng việc làm để tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, từ đó tăng thu nhập cho NLĐ, tạo nền tảng vững chắc cho sự ổn định và phát triển xã hội.
Để tăng thêm số việc làm, bên cạnh thực hiện nhiều dự án đầu tư công và đẩy mạnh giải ngân các dự án này, chính quyền các cấp cần tạo điều kiện cho tổ chức kinh tế phát triển. Một nội dung quan trọng trong chủ đề năm 2022 và năm 2023 của TP.HCM, là “cải thiện môi trường đầu tư”, chính là nhằm góp phần thúc đẩy sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp, cơ sở kinh tế…
Một tổ chức kinh tế hình thành và phát triển không chỉ góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, điều quan trọng hơn là tham gia tạo việc làm cho NLĐ, đóng góp thêm nhiều hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, đồng thời đóng góp vào sự lưu chuyển các dòng vốn và dòng tiền của xã hội.
Do đó, cải thiện môi trường đầu tư phải gắn liền với cải cách các thủ tục hành chính, triệt để giảm các quy định, thủ tục có thể gây khó khăn, trở ngại cho việc thành lập mới, mở rộng hoạt động, tăng quy mô của các tổ chức kinh tế. Bên cạnh các thủ tục cấp phép, các thủ tục về thuế, hải quan… cũng liên quan trực tiếp đến “môi trường đầu tư”.
Đồng thời, phải gắn liền với nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, cũng như đạo đức công vụ của đội ngũ cán bộ công chức. Dù các quy định có giản tiện và hợp lý, nhưng nếu người thực thi công vụ có những “méo mó” do ý đồ riêng, cũng có thể làm “chùn lòng” các nhà đầu tư. Vì vậy, các công chức ở cơ quan cấp phép, thuế, hải quan… có thể coi là những người trực tiếp tham gia hoạt động “cải thiện môi trường đầu tư”.
Bên cạnh đó, bản thân người lao động cũng phải thực sự chủ động, tích cực tìm việc cho mình, không chỉ trông chờ vào chính quyền các cấp. Từng người cần ý thức về việc không ngừng hoàn thiện bản thân, thông qua việc học nâng cao tay nghề, tích lũy kinh nghiệm và khả năng thích nghi với các tình huống có thể xảy ra. Mỗi người luôn trong tâm thế sẵn sàng, nếu có cơ hội việc làm phù hợp, có thể nắm bắt ngay và sớm khẳng định giá trị bản thân ở môi trường mới.
Kích cầu là thúc đẩy tăng nhu cầu về nhiều phương diện, với nhiều chủ thể trong xã hội, không đơn thuần tăng chi tiêu, mua sắm. Điều này sẽ thúc đẩy toàn xã hội trở nên năng động hơn, tích cực hơn.
Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là Việt Nam sẽ có điện từ khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đánh dấu cột mốc quan trọng trong ngành năng lượng và năng lượng sạch, giảm phát thải carbon và chuyển đổi kinh tế xanh.
Việt Nam áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho cả bia và rượu ở mức 65% từ 1/1/2018, được xem là cao nhất thế giới. Tuy nhiên, có khả năng thuế này sẽ tăng nữa.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cột mốc 100.000 USD/1 Bitcoin đã đến rất gần vì giá loại tiền điện tử này tăng vô cùng chóng mặt thời gian gần đây trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Mỹ trở thành trung tâm tiền số của thế giới.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.