Thứ sáu, 26/04/2024

Kiến trúc phương Tây và mỹ cảm mới trong xây dựng

11/12/2022 7:00 AM (GMT+7)

Sự lan truyền văn minh phương Tây diễn ra mạnh mẽ ở Sài Gòn và được thể hiện rõ rệt qua các công trình với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư chuyên nghiệp.

Những công trình trọng đại đầu tiên được khởi tạo ngay khi người Pháp đến Sài Gòn trong cuối thập niên 1860 (điển hình là công trình Dinh Thống đốc Nam Kỳ), đạt đến mật độ cao ở thời kỳ 1880-1910 với sự ra đời của các công trình quan trọng bậc nhất.

Sự lan truyền của văn minh phương Tây đến kiến trúc Nam Bộ

Kiến trúc sư Marie-Alfred Foulhoux (1840-1892), kiến trúc sư trưởng đầu tiên của Sài Gòn, đã điều phối việc thiết kế một loạt các công thự trọng yếu của thành phố, bao gồm Tòa án, Sở Thuế quan, Dinh Thống đốc Nam Kỳ, và tiêu biểu nhất là Bưu điện Trung tâm thành phố.


Kiến trúc phương Tây và mỹ cảm mới trong xây dựng - Ảnh 1.

Bưu điện Trung tâm Sài Gòn và Dinh Thống đốc Nam Kỳ là hai công trình tiêu biểu nhất của KTS Alfred Foulhoux. Sự đặc dụng những trang trí dày đặc, cầu kỳ cùng tính cách trang nghiêm, đường bệ của tổng thể có ảnh hưởng đến thị hiếu sau này của những chủ nhà người Việt ở miền Nam. Ảnh: Nhã Nam.

Và rồi từ đô thị trung tâm Sài Gòn, các sáng tạo và văn hóa ứng xử vốn xa lạ từ phương Tây đã trở thành các đợt sóng cảm hứng mới mẻ cho kiến trúc của nhiều đô thị khắp các tỉnh miền Nam.

Có lẽ từ các dinh thự công và tư nhân của người Pháp, những ảnh hưởng châu Âu dần khuếch tán ra cộng đồng người Việt. Trong số các công trình chúng tôi đã tiếp cận và thống kê, có một sự bùng nổ về số lượng các công trình xây dựng mới theo ảnh hưởng Pháp bởi chủ nhân người Việt, khởi đầu từ giữa thập niên 1910, đạt đỉnh điểm ở các thập niên 1920-1930.

Giai đoạn này trùng khớp với thời kỳ khai thác thuộc địa dẫn theo sự phát triển kinh tế ở miền Nam. Cùng lúc đó, các phong trào trí thức như phong trào Minh tân đã khuyến khích người Việt gia nhập thương trường, dẫn theo sự xuất hiện hàng loạt các công ty lớn nhỏ do người Việt có học, có địa vị và sản nghiệp làm chủ.

Từ những nảy nở về kinh tế, một giới trung lưu mới nổi có điều kiện xây cất nhà cửa cũng nở rộ. Giữa họ có sự học hỏi và sao chép lẫn nhau, dẫn đến sự xuất hiện của nhiều công trình tương đồng về kiểu dáng. Cảm quan và cá tính của từng chủ nhân đem lại cho những biệt thự của họ đôi nét chấm phá riêng biệt.

Khuynh hướng “Tân thời”: một quan niệm mới về không gian sống

Đầu thế kỷ 20, những ảnh hưởng từ kiến trúc phương Tây trở thành hình mẫu cho khuynh hướng “Tân thời”: hướng về cái mới. Giới ưu tú thụ hưởng nền giáo dục mới theo khuynh hướng châu Âu có cơ hội tiếp xúc với không gian sống Tây phương thông qua quá trình học tập tại châu Âu hoặc tại các đô thị do người Pháp xây dựng tại Đông Dương.

Từ đây, họ hấp thu những thị hiếu mới. Một ông con Tây học về tiếp quản gia sản tổ tiên để lại, muốn đưa vào cá tính thời đại mà ông hấp thu được, nhưng không ai lại phá bỏ nhà thờ tổ tiên, vậy nên ông bao bọc ngôi nhà bằng một mặt tiền mới nhưng không phá hủy những giá trị cũ.

Khi thống kê các đời chủ nhân khởi tạo công trình, chúng tôi nhận thấy lượng lớn các công trình Tây hóa trong thời gian này thuộc về các trí thức và quan chức Tây học, và nhà cửa đôi khi biểu đạt ý hướng của họ về thời đại năng động mà mình đang sống.

Hiệu đề “Nhựt Tân” đã được trưng lên trên mặt tiền nhà ông Lê Quang Xoát, xây dựng vào cuối thập niên 1910 tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, phải chăng là một tuyên bố cho tầm nhìn hướng về tương lai của gia chủ?


Kiến trúc phương Tây và mỹ cảm mới trong xây dựng - Ảnh 2.

Sau khi bao bọc phủ thờ bằng gỗ từ tổ tiên truyền lại bằng một mặt tiền tân thời kiểu Tây, người chủ gia tộc họ Lê đã cho sơn một hiệu đề “Nhựt Tân” với một thông điệp lạc quan hướng về ngày mới. Ảnh: Nhã Nam.

Ở phương diện vật chất, nhà Tây mang đến tiện nghi và thị hiếu mới mẻ, vì vậy trở thành đối tượng đáng mơ ước. Nền lót gạch bông sạch sẽ và rực rỡ hơn, không gian cao ráo và đa sắc, hàng loạt những vật dụng tân thời từ đèn măng sông (manchon), máy hát, đồng hồ đến những nhà vệ sinh bên trong khiến không gian sống tương phản với sự trầm ngâm của ngôi nhà gỗ thời trước.

Với kỹ thuật và vật liệu mới, những ngôi nhà ở hai tầng, ba tầng đã xuất hiện khắp nơi. Lúc này, những nếp nhà truyền thống có sự bành trướng về chiều cao và nhắm đến sự phô trương. Nhà Tây trở thành hình mẫu mới cho ước mơ về một đời sống sung túc.


Kiến trúc phương Tây và mỹ cảm mới trong xây dựng - Ảnh 3.

Chiếc cổng đường bệ với những ảnh hưởng Tân cổ điển đánh dấu lối vào của một không gian tân thời, sang trọng. Ảnh: Nhã Nam.

Chiết trung - sự hòa trộn của các phong cách và các nguồn văn hóa

Chiết trung (eclecticism) chỉ việc hòa trộn nhiều phong cách và ảnh hưởng để tạo ra một hướng tiếp cận riêng. Sự hòa trộn này có thể bao gồm đặc trưng kết cấu, hướng xử lý trang trí, vật liệu, các đặc điểm mượn từ các nước hay nền văn hóa khác, cùng với các đồ án trang trí từ văn hóa bản địa.

Không chỉ diễn ra tại riêng miền Nam, xu hướng chiết trung cũng được bắt gặp trên thế giới trong khoảng từ năm 1870 đến 1930. Tại Việt Nam, tuy hầu như bất cứ công trình Việt - Pháp nào cũng có một mức độ hòa trộn nhất định, nhưng một số đã tham khảo từ một tập hợp rất rộng các mẫu để gắn kết thành những mặt tiền đặc biệt.

Chúng ta không rõ sự gắn kết này là chủ ý với những quan niệm thẩm mỹ cụ thể, hay là ngẫu hứng và vô thức, nhưng khuynh hướng này đã định hình diện mạo kiến trúc của vùng đất suốt một thời kỳ. Trong số các công trình tiêu biểu, chúng tôi lựa chọn mô tả thêm cho trường hợp nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Nhà ông Huỳnh Thủy Lê là một trong những nhà cổ nổi tiếng nhất ở đồng bằng Sông Cửu Long vì sự xuất hiện của nó trong tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras, sau này trở thành một điểm tham quan du lịch được yêu thích.


Kiến trúc phương Tây và mỹ cảm mới trong xây dựng - Ảnh 4.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê thể hiện sự hòa trộn của nhiều trường phái và thời kỳ trang trí. Ảnh: Nhã Nam.

Đây là một công trình có sự hòa trộn phong cách thú vị. Cấu trúc gỗ và nội thất có từ trước (cuối thế kỷ 19), mặt tiền gạch vữa là một bổ sung sau này, nhưng được bổ ba theo ba gian nhà truyền thống có sẵn. Chi tiết trang trí phương Tây xuất hiện dày đặc.

Đỉnh mái uốn cong phản ánh kiểu kiến trúc đặc trưng của người Hoa vùng Phúc Kiến. Họa tiết khảm bằng các mảnh sành sứ nhiều màu, thường hay bắt gặp ở các miếu vũ Phúc Kiến, nay xuất hiện lại trên diềm và nóc, mô tả các đồ án tĩnh vật, dơi ngậm đồng tiền, hoa lá, các Hán tự biểu thị ý nghĩa cát tường cùng các hoa văn song tiền.

Như vậy một tổ hợp các yếu tố có nguồn gốc Pháp, Hoa, Việt được lựa chọn đưa vào khu vực mặt tiền, khiến công trình trở thành một tấm gương phản chiếu những làn sóng văn hóa ảnh hưởng qua lại tại địa phương.

Theo Zing

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đừng chờ giá chung cư giảm sâu hơn

Đừng chờ giá chung cư giảm sâu hơn

Giá chung cư được dự báo khó có thể giảm sâu hơn, diễn biến đi ngang trong ngắn hạn và sẽ phục hồi đà tăng khi thanh khoản cải thiện hơn thời gian tới.

TP.HCM loại bỏ nhiều dự án BT do quá nhiều vướng mắc

TP.HCM loại bỏ nhiều dự án BT do quá nhiều vướng mắc

Do hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao) gặp quá nhiều vướng mắc, TP.HCM quyết định bỏ nhiều dự án BT, chuyển sang hình thức đầu tư khác.

Mê mẩn với mẫu nhà vườn 'chữa lành'

Mê mẩn với mẫu nhà vườn 'chữa lành'

Ngôi nhà được gia chủ ví như một khu nghỉ dưỡng tại gia, là nơi "chữa lành" cho tâm hồn khi mọi không gian được bao quanh bởi cây xanh, đảm bảo sự riêng tư và yên tĩnh.

Chuyên gia: Nếu TP.HCM chặt hơn 400 cây xanh vì metro, phải trồng lại gấp đôi

Chuyên gia: Nếu TP.HCM chặt hơn 400 cây xanh vì metro, phải trồng lại gấp đôi

Ý kiến trên được chuyên gia quy hoạch và kiến trúc đô thị đưa ra sau khi có thông tin chặt hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2 ở TP.HCM

Việt Nam có 2 Cảng hàng không vào Top 100 sân bay tốt nhất thế giới

Việt Nam có 2 Cảng hàng không vào Top 100 sân bay tốt nhất thế giới

Tổ chức Quốc tế Skytrax vừa công kết quả xếp hạng các sân bay trên thế giới năm 2024; trong đó, Việt Nam có 2 Cảng hàng không được vinh danh trong “Top 100 sân bay tốt nhất thế giới” là Cảng HKQT Nội Bài và Cảng HKQT Đà Nẵng.

Bình Dương sẽ thành đầu mối logistics quan trọng của vùng

Bình Dương sẽ thành đầu mối logistics quan trọng của vùng

Bình Dương xem dịch vụ logistics là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển, giai đoạn 2024 - 2030, góp phần chuyển dịch tỷ lệ dịch vụ trong cơ cấu kinh tế năm 2025 đạt 28%.