Thứ năm, 28/03/2024

Mở lối cho trái cây đồng bằng sông Cửu Long

12/08/2022 1:00 PM (GMT+7)

Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học và công nghệ, canh tác hữu cơ nên nhiều loại trái cây của vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang ngày càng chiếm lĩnh được thị trường trong nước và nước ngoài, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng.

Mở lối cho trái cây đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Lô xoài xuất khẩu đầu tiên của Đồng Tháp sang châu Âu (Ảnh: Hữu Nghĩa).

Gần đây, nông dân vùng châu thổ Cửu Long đã nhạy bén trong hợp tác sản xuất và gây tạo giống mới chất lượng, cho trái nghịch vụ nên sản phẩm làm ra được bao tiêu ổn định.

Khi nhà vườn đổi mới, sáng tạo

Hay tin nhà vườn Sóc Trăng gây tạo thành công giống và vùng trồng vú sữa tứ quý và thanh nhãn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đã đến tận nơi để "mục sở thị" và có giao kèo bao tiêu sản phẩm.

Có mặt tại nhà vườn của Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Du lịch cộng đồng xã Mỹ Phước (huyện Kế Sách) Trần Anh Nhân, ai cũng trầm trồ khen khi thấy những cây vú sữa tím đang cho trái nghịch mùa. Anh Nhân đã chọn lọc và lai tạo với điểm nổi trội của giống vú sữa tím tứ quý là cho trái quanh năm, kích cỡ trái lớn, khi chín trái rất ít mủ, vỏ trái mỏng, vị ngọt thanh. Ðặc biệt, cây có khả năng và sức chống chịu tốt với độ mặn cao nhất lên tới 3 phần nghìn. Ðể đáp ứng nhu cầu xuất khẩu với số lượng lớn trong thời gian tới, vú sữa tím tứ quý đang được nhân rộng ra toàn xã với tổng diện tích hơn 30ha.

Theo anh Nhân, sau thời gian nghiên cứu lai tạo, đến nay, vườn vú sữa tím tứ quý của anh cho năng suất đạt 35-40 tấn/ha/năm, mỗi trái có trọng lượng từ 250-600g. Vừa qua, vú sữa tím tứ quý được một doanh nghiệp thu mua, vận chuyển sang Mỹ chào hàng và tiêu thụ rất nhanh do hiếm và chất lượng có phần vượt trội vú sữa chính vụ. Không riêng vú sữa tứ quý, hợp tác xã còn đang xây dựng vùng trồng hơn 20,4ha thanh nhãn giống mới đã có mã số để xuất khẩu. Hợp tác xã cũng đang mở rộng hơn 10ha trồng thanh nhãn theo quy chuẩn VietGAP.

Sau khi tham quan, các doanh nghiệp đã có thỏa thuận bao tiêu toàn bộ vú sữa tím tứ quý và thanh nhãn cho hợp tác xã.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn chuyên xuất khẩu trái cây tươi Vina T&T Nguyễn Ðình Mười chia sẻ, sau hơn 5 năm hợp tác với Sóc Trăng, tập đoàn rất yên tâm vì nhà vườn luôn tuân thủ quy trình sản xuất hữu cơ, chất lượng trái cây ở tỉnh được khách hàng nước ngoài tin dùng nên bán rất nhanh.

Xã Bình Phú, huyện Càng Long là một điểm sáng chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển vườn cây ăn trái đặc sản của tỉnh Trà Vinh. Thực tế hiện nay, vùng nguyên liệu quýt đường chưa tập trung, quy mô sản xuất còn nhỏ và manh mún. Ðể hướng đến sản phẩm trái quýt đường phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về chất lượng ngày càng cao, các hợp tác xã đã tập trung giải quyết những vấn đề xây dựng thương hiệu; kiến nghị địa phương quy hoạch, phát triển nguồn nguyên liệu, khuyến khích xã viên sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất, làm chủ đầu vào giống, vật tư nông nghiệp...

Trò chuyện cùng nhà vườn Nguyễn Hữu Tân, thành viên Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú, chúng tôi được biết, năm 2019, ông Tân mạnh dạn đầu tư chuyên canh cây quýt đường với 1ha đất vườn tạp của gia đình. Sau ba năm trồng, vườn quýt đường của gia đình ông Tân đã bắt đầu cho trái. Ông chọn cây quýt ghép để trồng, với ưu điểm là thân cây không cao, dễ chăm sóc, tán rộng và cho trái sai. Cây quýt được chăm sóc đúng kỹ thuật, cung ứng đủ lượng phân bón sinh học có thể cho 10-15kg trái/năm. Trong quá trình sản xuất, ông Tân tuân thủ nghiêm ngặt quy trình trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Chúng tôi tìm đến Hợp tác xã xoài Mỹ Xương tại xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Ðồng Tháp. Thời điểm này, các vườn cây của những thành viên hợp tác xã vừa cho thu hoạch xong vụ xoài. Dù vậy, người dân vẫn đi thăm, cần mẫn chăm sóc vườn xoài mỗi ngày.

Ông Nguyễn Văn Mách, thành viên hợp tác xã phấn khởi khoe, Hợp tác xã Mỹ Xương là nơi có 8 tấn xoài đầu tiên của Việt Nam được xuất sang thị trường Mỹ. "Tôi và nhiều người dân ở đây trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP từ nhiều năm nay. Vùng trồng và mã số vùng trồng đâu ra đó rõ ràng, minh bạch trong sản xuất. Có lẽ nhờ đó mà chúng tôi xây dựng được niềm tin với khách hàng quốc tế", ông Mách chia sẻ.

Xoài là một trong 5 ngành hàng chủ lực được đưa vào đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Ðồng Tháp. Tỉnh có hai nhóm giống xoài, gồm giống xoài địa phương như xoài Cát Chu và xoài cát Hòa Lộc và giống xoài nhập nội như xoài Thái, xoài tượng da xanh… Tuy nhiên, giống xoài Cát Chu và xoài cát Hòa Lộc chiếm phần lớn diện tích xoài. Tháng 2 năm nay, tỉnh tiếp tục xuất lô xoài đầu tiên sang thị trường châu Âu (Hà Lan), với số lượng 3 tấn xoài Cát Chu.

Hiệu quả từ sản xuất hợp tác

Tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, Hợp tác xã nông nghiệp Trinh Phú là đơn vị chuyên canh vú sữa tím được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích 36ha, sản lượng hằng năm 500 tấn và toàn bộ diện tích vườn vú sữa được doanh nghiệp bao tiêu. Ðơn vị này đã liên kết với doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Mỹ kể từ năm 2018.

Giám đốc Hợp tác xã Trinh Phú Hồ Văn Hội cho biết, sau nhiều năm canh tác, các thành viên hợp tác xã đã thành thục quy trình sản xuất trái vú sữa hữu cơ. Vú sữa luôn bảo đảm chất lượng trái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hằng năm, doanh nghiệp ký tiêu thụ trái vú sữa tím xuất khẩu từ 100-200 tấn với giá bao tiêu 30.000 đồng/kg. Sản lượng vú sữa còn lại, đơn vị cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng trái cây cao cấp tại các tỉnh, thành phố trong nước có nhu cầu. Vú sữa tím của hợp tác xã nếu bán trong nước rất được người tiêu dùng ưa chuộng do chất lượng vượt trội.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã, đến nay, diện tích cây ăn trái của tỉnh đạt 28.449ha, một số cây trồng chính như: chuối, xoài, cây có múi, vú sữa, nhãn... ngành đã hỗ trợ xây dựng và duy trì 77 mã số vùng trồng với diện tích 518,21ha; liên kết với các công ty xuất khẩu trái cây tươi tiêu thụ được 284 tấn, trong đó, xuất khẩu 154 tấn vú sữa sang thị trường Mỹ, sản lượng còn lại được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Mô hình sản xuất VietGAP đã chứng nhận có diện tích 434,4ha với các loại cây trồng, như: cam sành, cam soàn, nhãn, mãng cầu gai, xoài Cát Chu, bưởi da xanh, vú sữa.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú Phạm Thị Thúy Nga cho biết, do được thiên nhiên ưu đãi, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng đất ấp Long Trị, xã Bình Phú rất thích hợp với cây quýt đường, trái quýt to, bóng, vị ngọt thanh. Hướng đến việc xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, giữ gìn thương hiệu đặc sản quýt đường, xã Bình Phú đã vận động nhà vườn khôi phục, cải tạo giống quýt đường Long Trị với diện tích hơn 100ha. Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú thu hút 67 thành viên, trung bình mỗi thành viên có 1,2ha đất canh tác cây quýt đường. Tất cả thành viên hợp tác xã đều đã áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ sau khi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Nhờ đó, trái quýt đường được bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, tỉnh có khoảng 20.000ha vườn cây ăn trái, với sản lượng trái gần 350.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại các huyện vùng nước ngọt như Cầu Kè, Càng Long, Tiểu Cần và một phần huyện Châu Thành, thành phố Trà Vinh. Tỉnh hiện có các sản phẩm trái cây đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP như quýt đường Long Trị của Hợp tác xã quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú; thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã thanh long ruột đỏ xã Ðức Mỹ, huyện Càng Long; đặc sản măng cụt ấp Tân Qui 2, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè...

Còn Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (tỉnh Ðồng Tháp) thành lập được hơn 12 năm, có gần 100 thành viên, diện tích trồng xoài gần 95ha. Sản phẩm xoài của hợp tác xã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã xuất khẩu sang các nước Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia... sản lượng bình quân gần 1.000 tấn/năm. Các thành viên hợp tác xã đã được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Ðể đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu, năm 2017, hợp tác xã chính thức có được ba mã số vùng trồng. Nhờ đó mà khi xoài xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ và các nước châu Âu, khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc mã vùng trồng.

Hiện tỉnh Ðồng Tháp có diện tích trồng cây ăn quả là 41.750ha, trong đó xoài có diện tích trồng lớn nhất với hơn 14 nghìn ha (chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn quả). Sản lượng xoài là 169,961 tấn/năm, xếp thứ hai khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Toàn tỉnh có 19 hợp tác xã nông nghiệp trồng xoài, hơn 5.400 thành viên, với diện tích 3.131ha. Ðến nay, tỉnh có 122 vùng trồng xoài, mít, nhãn, thanh long được cấp mã số phục vụ xuất khẩu với diện tích 5.714ha xuất khẩu sang Trung Quốc và 40 mã số vùng trồng (xoài, nhãn, chanh không hạt) xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Riêng đối với thị trường Nhật Bản, hiện có 14 mã số vùng trồng xoài với diện tích 528ha. Ðồng Tháp có ba vùng trồng xoài trọng điểm, gồm: thành phố Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh và huyện Thanh Bình. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh quy hoạch tập trung để cho tỉnh có được những vùng xoài phải đạt chuẩn, trong đó có sự đóng góp của các thành viên hợp tác xã.

Khuyến khích nhà nông bám sát thị trường, đổi mới sáng tạo và chủ động hợp tác sản xuất là hướng đi đúng giúp nông dân đồng bằng sông Cửu Long giảm rủi ro do "trúng mùa, rớt giá", nghẽn đầu ra nông sản để trái cây đến rộng khắp các thị trường.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Hàng không tăng tải hàng ngàn chuyến bay phục vụ lễ 30/4-1/5

Hàng không tăng tải hàng ngàn chuyến bay phục vụ lễ 30/4-1/5

Các hãng hàng không lên kế hoạch tăng tải, tăng cường chuyến bay để phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch tăng cao của hành khách trong dịp lễ 30/4 - 1/5 sắp tới.

Người Việt chi bao nhiêu tiền cho mỗi lần đi cà phê?

Người Việt chi bao nhiêu tiền cho mỗi lần đi cà phê?

Các khó khăn về kinh tế không làm ảnh hưởng tới thói quen “đi cà phê” của người Việt. Thậm chí, tần suất đi cà phê và số tiền bỏ ra đi cà phê năm 2023 còn tăng hơn so với năm 2022.

Shopee bị nhà bán hàng phản ứng dữ dội

Shopee bị nhà bán hàng phản ứng dữ dội

Cộng đồng nhà bán hàng trên Shopee tuần qua phản ứng dữ dội, không đồng tình các chính sách mới của sàn liên quan việc tăng thời gian khách được trả hàng, và kéo dài thời gian hoàn tiền hàng về cho người bán.

Tiêm chủng dễ kiếm tiền, 1 công ty bán lẻ muốn mở thêm 100 trung tâm vaccine

Tiêm chủng dễ kiếm tiền, 1 công ty bán lẻ muốn mở thêm 100 trung tâm vaccine

Công ty bán lẻ thuộc tập đoàn FPT đặt mục tiêu mở cửa thêm 100 trung tâm vaccine trong năm 2024. Mục tiêu đặt ra là rất cao vì tính trung bình mỗi 3,65 ngày phải mở thêm 1 cửa hàng, chưa nói đến "tham vọng" thêm 400 cửa hàng dược phẩm Long Châu mới trong năm.

“Vua tôm” Minh Phú đưa tôm tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ, EU vào siêu thị với giá bất ngờ

“Vua tôm” Minh Phú đưa tôm tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ, EU vào siêu thị với giá bất ngờ

“Vua tôm” Minh Phú đang tăng cường đưa tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Mỹ, Nhật, EU phục vụ người Việt. Tại Bách Hóa Xanh - nhà bán lẻ Minh Phú vừa bắt tay hợp tác, tôm thẻ đang bán chỉ 186.000 đồng/kg.

Marketing "bạc tỷ" giúp công ty sữa lớn nhất Việt Nam tăng giá trị thương hiệu

Marketing "bạc tỷ" giúp công ty sữa lớn nhất Việt Nam tăng giá trị thương hiệu

Chi phí quảng cáo trung bình tính theo ngày của Vinamilk hiện nay khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên giá trị thương hiệu công ty đã tăng lên 3 tỷ USD vào cuối năm ngoái từ con số 2,8 tỷ USD của 2022.