Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho biết mùa Tết năm nay chỉ chuẩn bị nguồn hàng trứng gia cầm tương đương các năm trước chứ không tăng thêm, vì sức mua hiện tại chỉ tương đương 80-90% cùng kỳ.
"Nguồn hàng dồi dào, giá ổn định, chỉ chờ xem sức mua. Thông thường, kinh tế khó khăn thì tiêu thụ trứng lại nhiều vì là thực phẩm thiết yếu giá rẻ, nhưng năm nay kênh tiêu thụ thông qua chế biến thực phẩm công nghiệp và bếp ăn đều gặp khó. Tất nhiên, chưa vào mùa cao điểm nên tôi chưa biết chắc, vài tuần tới các đối tác mới chốt kế hoạch đặt hàng", ông chia sẻ.
Doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm thiết yếu như trứng, thịt vẫn lo lắng về sức mua của thị trường. Ảnh: Phương Lâm.
Theo ông Thiện, sự sụt giảm sản lượng trứng bán làm nguyên liệu chế biến thực phẩm, bánh kẹo cho thấy các đơn vị này cũng đang lo lắng. Người tiêu dùng có thể sẽ thắt chặt chi tiêu vì thu nhập đang giảm, trong khi tình hình thưởng Tết cũng chưa rõ ràng. Với ông, thị trường Tết năm nay vẫn còn là một "ẩn số".
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp cung cấp thịt tươi sống và chế biến cũng cho biết phải triển khai nhiều hoạt động khuyến mại lớn trong Tết này vì lo ngại về sức mua. Nhìn lại 11 tháng đầu năm, ông cho biết sản lượng tiêu thụ các sản phẩm đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Bùi Thanh Tùng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kido kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Dầu thực vật Tường An cũng đánh giá người tiêu dùng sẽ dè dặt hơn trong chi tiêu do những biến động của kinh tế thế giới và thị trường trong nước.
Dù vậy, ông cho rằng những sản phẩm thiết yếu như dầu ăn sẽ được cân nhắc để mua sắm nhiều hơn. "Dự kiến sản lượng dầu ăn mà chúng tôi tung ra thị trường Tết 2023 sẽ tăng 15% so với năm ngoái", ông chia sẻ.
Năm nay doanh nghiệp phát triển đồng đều cả 3 phân khúc sản phẩm phổ thông, trung và cao cấp tùy khu vực, đồng thời triển khai kế hoạch sản xuất, thiết kế bao bì, hộp quà cho năm mới và chính sách bán hàng từ rất sớm.
Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến vẫn nâng sản lượng cho mùa Tết này. Ảnh: KDC.
Ông Sameer Yadav, Giám đốc Marketing của Mondelez Kinh Đô cũng tỏ ra rất lạc quan với mùa Tết năm nay và cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư gấp đôi cho chiến dịch truyền thông dịp này.
Song song với 38 bộ sản phẩm Tết kết hợp giữa các thương hiệu, hãng bánh kẹo này cũng vừa ra mắt thêm sản phẩm bánh bông lan Solite mới, sử dụng trứng gà nhân đạo đầu tiên ở Việt Nam của nhà cung cấp Vĩnh Thành Đạt.
"Ngay từ nhiều tháng trước, bộ phận kinh doanh của chúng tôi đã tích cực chuẩn bị cho việc đưa sản phẩm Tết có mặt ở tất cả kênh phân phối truyền thống với các hoạt động trang trí bắt mắt, cũng như trên các nền tảng thương mại điện tử. Ước tính đã có gần 200.000 điểm bán hàng khắp cả nước sẵn sàng phục vụ mùa Tết 2023", ông Sameer Yadav nói thêm.
Trong khi khối sản xuất còn đưa ra những dự báo trái chiều thì các hệ thống bán lẻ đã bước vào "cuộc đua" bán hàng Tết.
Saigon Co.op là đơn vị đầu tiên triển khai khuyến mại Tết từ 8/12, đồng thời đưa lên kệ 40 mẫu giỏ quà Tết, trong đó có cả thực phẩm tươi sống như cá, cua, bào ngư, thịt bò, thịt heo, thịt gà, tôm, cua, cá, bào ngư... Ước tính năm nay hệ thống này tuyển 1.000-2.000 nhân sự thời vụ để phục vụ cao điểm Tết.
Còn tại MM Mega Market, kế hoạch trưng bày hàng Tết sẽ bắt đầu từ 15/12 với nhận định người tiêu dùng muốn linh hoạt sắp xếp thời gian mua sắm ít nhất 1 tháng trước Tết để tránh chen chúc sau này.
"Chúng tôi lên kế hoạch dự trữ hàng hóa tăng khoảng 20-30% so với Tết 2022 và 40-50% so với những tháng bình thường. Riêng thực phẩm tươi sống và mặt hàng thiết yếu, bánh kẹo, mứt tăng đến 100%", đại diện chuỗi siêu thị cho biết.
Năm nay, đơn vị tiếp tục cung cấp các đặc sản vùng miền, hàng nhập khẩu và đặc sản Tết như bán hoa mai ở các siêu thị miền Bắc và bán hoa đào ở miền Nam, đồng thời giới thiệu khoảng 16 loại giỏ quà Tết cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Siêu thị bắt đầu chuẩn bị hàng Tết. Ảnh: Mai Trang.
"Khi những khó khăn của 2 năm trước dần qua đi, người tiêu dùng cũng mong muốn một cái Tết được đầy đủ và tươm tất hơn, họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn. Vì thế, chúng tôi dự đoán sức mua năm nay tăng 10-20% so với dịp Tết 2022.
Dù vậy, từ vài tháng trước chúng tôi đã liên tục làm việc với nhà cung cấp để duy trì mức giá ổn định, mang đến mức giá cạnh tranh nhất có thể. Chúng tôi cũng đặc biệt chú trọng hơn vào các sản phẩm đóng gói lớn, nhằm giúp cho khách hàng thoải mái mua sắm nhưng vẫn đảm bảo tiết kiệm", đại diện MM Mega Market nói.
Cùng chung dự báo này về sức mua, ông Bùi Trung Chính - Giám đốc Thu mua ngành hàng Thực phẩm khu vực phía Nam của Aeon Việt Nam cho hay sản lượng hàng dự kiến tăng 15-20% trong giai đoạn cao điểm từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 1/2023.
Các sàn thương mại điện tử đua giảm giá tới 90% hàng loạt mặt hàng, sản phẩm cho sự kiện siêu giảm giá ngày đôi cuối cùng của năm: 12/12.
Chỉ nửa tháng triển khai, chương trình "Tri ân mẹ siêu phàm giúp con lớn khôn vững vàng" của nhãn hàng Nutifood GrowPLUS+ đã tìm ra hơn 70.000 khách hàng may mắn trúng thưởng trong tổng số 500.000 giải.
Tuần tới, chợ Bến Thành sẽ đón những người nổi tiếng, TikToker đến livestream bán hàng và quảng bá du lịch. Đây là lần đầu tiên một chợ truyền thống tại TP.HCM thí điểm livestream bán hàng trên nền tảng TikTok.
"Đề nghị các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh biên giới khẩn trương rà soát, quy hoạch lại vùng nuôi trồng, tổ chức lại sản xuất, chế biến theo các đề án xuất khẩu chính ngạch. Cần hạn chế và đi tới "đoạn tuyệt" với hình thức sản xuất, xuất khẩu qua đường tiểu ngạch", ông Diên nói.
Nhóm người khuyết tật đã sử dụng đôi tay khéo léo của mình để biến giấy vụn trở thành những tác phẩm thiệp, tranh giấy xoắn độc đáo. Sắp đến Noel, họ đã tạo ra các tấm thiệp Giáng sinh đẹp mắt, sinh động, phục vụ trong nước lẫn xuất khẩu nước ngoài.
"Gian hàng 0 đồng" được Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức lần này có rất nhiều mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới.