Thứ năm, 05/12/2024

Sản xuất cà phê bền vững, vừa bán giá cao lại có thêm thu nhập từ khí phát thải

18/03/2023 8:01 AM (GMT+7)

Sản xuất cà phê bền vững, doanh nghiệp không những giữ được khách hàng tại các thị trường khó tính mà còn bán được tín chỉ carbon với giá 5 USD/tấn. Đây cũng là mục tiêu hướng đến của ngành cà phê Việt Nam trong thời gian tới.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2028 sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Khi đó, những nông dân, doanh nghiệp sản xuất cà phê bền vững không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn gia tăng thu nhập.

Sản xuất cà phê bền vững giảm phát thải khí carbon

Tại vùng nguyên liệu 22.000ha ở Gia Lai, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp là đơn vị tiên phong xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất theo hệ sinh thái tuần hoàn, bền vững, đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu.

Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, khi tham gia chuỗi liên kết, nông dân phải tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế.  Ngược lại, nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ vật tư đầu vào đạt chuẩn và bao tiêu đầu ra với giá tốt.

Nông dân liên kết sản xuất cà phê bền vững ở Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hiệp

Nông dân liên kết sản xuất cà phê bền vững ở Gia Lai. Ảnh: Vĩnh Hiệp

Công ty Vĩnh Hiệp cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Ông Hiệp kể, để sản xuất cà phê bền vững, doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tuần hoàn. Trong đó, lợi nhuận được chia đều cho tất cả những người tham gia.

Khi tham gia chuỗi sản xuất cà phê bền vững, nông dân còn thêm lợi ích từ việc bán khí thải carbon trên cây cà phê. "Mới đây, Vĩnh Hiệp đã bán được khí thải carbon trên cây cà phê với giá 5 USD/tấn", ông Hiệp cho biết.

Ông Đỗ Văn Phụng ngụ xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) cho biết, trước đây, ông trồng 2ha cà phê độc canh. Gia đình ông thường sử dụng lượng lớn phân bón hóa học, thuốc BVTV để tăng năng suất.

Tuy nhiên, kết quả mang lại không mấy khả quan khi đất bị chai; cây cà phê cũng già cỗi, bị bệnh nhiều; lượng thuốc sử dụng ngày càng tăng do sâu bệnh kháng thuốc.

Từ khi được tham gia liên kết trồng cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C với Công ty Vĩnh Hiệp, phương thức, quy trình sản xuất của gia đình ông dần thay đổi.

Vườn cây phát triển bền vững hơn, cho năng suất ổn định trong khi chi phí đầu tư giảm rất nhiều. Bên cạnh nguồn thu ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm từ cà phê, ông còn có thêm 300-400 triệu đồng từ cây trồng xen canh như bơ, sầu riêng.

"Vui nhất là sản phẩm của nhà mình được công ty thu mua, bao tiêu ổn định, với giá cao hơn ngoài thị trường. Mình cũng an tâm hơn khi góp phần cung cấp cà phê sạch đến người tiêu dùng", ông Phụng chia sẻ.

Nông dân liết kết cùng doanh nghiệp làm cà phên bền vững được bao tiêu ổn định, và yên tâm cung cấp cà phê sạch đến người tiêu dùng. Ảnh: Quốc Hải

Nông dân liết kết cùng doanh nghiệp làm cà phên bền vững được bao tiêu ổn định, và yên tâm cung cấp cà phê sạch đến người tiêu dùng. Ảnh: Quốc Hải

Ông Bạch Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, Vĩnh Hiệp tiên phong xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cà phê theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.

Sau 3 năm theo đuổi, Vĩnh Hiệp đã tính toán được lượng phát thải trong sản xuất cà phê tại các vùng nguyên liệu, và thương mại hóa tín chỉ carbon. "Đây là mục tiêu mà ngành cà phê Việt Nam hướng đến trong thời gian tới", ông Tuấn chia sẻ.

Gia tăng lợi ích kinh tế từ tín chỉ carbon

Việc giảm phát thải trong sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn cả về chất lượng và môi trường là mục tiêu chung của ngành nông nghiệp.

Việt Nam cũng đang xây dựng khung khổ pháp lý cho việc giám sát khí thải carbon của các doanh nghiệp, cũng như đưa vào vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Theo đó, trong dự thảo đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam" do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đến năm 2025 Việt Nam bắt đầu thí điểm, và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Dự kiến đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ảnh: Trần Khánh

Dự kiến đến năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Ảnh: Trần Khánh

Trên thế giới, thị trường giao dịch tín chỉ carbon đã có từ hơn 20 năm trước. Theo đó, với mục tiêu giảm phát thải khí carbon, mỗi ngành công nghiệp, mỗi doanh nghiệp được ấn định "hạn ngạch" nhất định cho phát thải hàng năm. Nếu vượt qua mức đó, doanh nghiệp sẽ bị phạt.

Trong trường hợp không dùng hết hạn ngạch phát thải được cho phép, doanh nghiệp có thể bán lại cho doanh nghiệp khác đang cần.

Doanh nghiệp khác đang cần phải mua lại "quyền" phát thải của các doanh nghiệp khác để tránh bị phạt trong trường hợp vượt ngưỡng.

Đơn vị tiêu chuẩn để đo lường khối lượng phát thải gọi là tín chỉ carbon. Mỗi tín chỉ carbon được quy ước tương đương một tấn carbon. Sàn giao dịch, nơi các doanh nghiệp tiến hành mua bán tín chỉ carbon, được gọi là sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương cho biết, hiện tại có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ đã thực thi hoặc có kế hoạch xây dựng và thực thi thị trường carbon. Đến năm 2019, định giá thị trường carbon toàn cầu khoảng 45 tỉ USD.

Tại Hội thảo "Tăng giá trị cho cà phê Việt, cách nào?" tổ chức ở TP.HCM mới đây, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai cho rằng, việc định "định mức phát thải carbon" cho các doanh nghiệp là điều cần thiết.

Việc này sẽ thúc đẩy phát triển cà phê bền vững, bên cạnh các giải pháp như sản xuất nông nghiệp tuần hoàn.

Ông Có cho rằng, cách làm như xưa nay, chỉ chạy theo chất lượng tiêu chuẩn nhưng sản phẩm làm ra không tiêu thụ được cần phải thay đổi.

Theo đó, việc sản xuất giảm phát thải khí carbon vừa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, trong khi nông dân giảm chi phí đầu vào. "Nhất là tiết kiệm nguồn nước tưới vốn là vấn đề hết sức cấp thiết ở vùng đất Tây Nguyên", ông Có nói.

Giảm phát thải khí carbon là nhu cầu cấp thiết khi các thị trường lớn như Mỹ, EU đang dần siết chặt yêu cầu về tiêu chí này đối với mặt hàng cà phê. Ảnh: Trần Khánh

Giảm phát thải khí carbon là nhu cầu cấp thiết khi các thị trường lớn như Mỹ, EU đang dần siết chặt yêu cầu về tiêu chí này đối với mặt hàng cà phê. Ảnh: Trần Khánh

Theo ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk, dù đặt ra nhiều mục tiêu nhưng quá trình thực hiện giảm phát thải carbon trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc.

Có thể kể đến mô hình trồng xen sầu riêng, cà phê nhiều năm qua đã khẳng định hiệu quả cao nhưng chứng chỉ carbon chưa đồng ý mô hình xen canh.

Việc đăng ký mã số vùng trồng cho vườn cây trồng xen, đặc biệt là xen canh cây sầu riêng và cà phê hiện chưa được chấp nhận.

Ông Huy nhận định, việc này đang đi ngược lại nguyện vọng giảm phát thải khí carbon thông qua hình thức đa canh, đa cây.

Do đó, ông Huy kiến nghị Bộ NNPTNT xem xét lại quy định này để doanh nghiệp có thể tiếp tục nâng cao giá trị vườn trồng cho bà con nông dân, đồng thời, khuyến khích bà con xen canh.

Ông Bạch Thanh Tuấn - Phó Chủ tịch Vicofa cho rằng, để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào các liên kết sản xuất – thu mua cà phê bền vững, cần tăng cường tính minh bạch và số hóa.

Theo đó, quá trình giảm phát thải khí carbon cần được tính toán trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ vùng nguyên liệu đến vận chuyển, logistic…, chứ không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất trên đồng ruộng.

Trong tháng 3/2023, Vicofa sẽ có chương trình làm việc với Chính phủ Mỹ, và thông qua Hiệp hội Cà phê Mỹ để thúc đẩy loạt chương trình mua và tiêu thụ các sản phẩm cà phê có tín chỉ carbon tại Việt Nam.

"Đây là nỗ lực góp phần vào mục tiêu xây dựng ngành sản xuất cà phê bền vững tại Việt Nam", ông Tuấn nói.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Không thông báo gì, Temu dừng hoạt động ở Việt Nam

Không thông báo gì, Temu dừng hoạt động ở Việt Nam

Nhiều đơn hàng trên sàn thương mại điện tử Temu đình đám của Trung Quốc không được thông quan và giao dịch tại Việt Nam trong hôm nay. Nguyên nhân là Temu vừa tạm dừng cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Nghĩa vụ của Temu là phải chuyển trả lại tiền cho người tiêu dùng.

Doanh nghiệp lo lắng khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao ăn Tết

Doanh nghiệp lo lắng khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao ăn Tết

Không khí mua sắm hiện nay phần nào phản ánh nỗi lo lớn của doanh nghiệp về doanh số hàng Tết. Dự báo người Việt sẽ chi tiêu dè dặt và tiết kiệm hơn cho Tết 2025.

Dùng loại phân bón này, nông dân Tây Nguyên trồng lúa đạt hiệu quả cao

Dùng loại phân bón này, nông dân Tây Nguyên trồng lúa đạt hiệu quả cao

Phân bón công nghệ Eco-Nanomix giúp cây lúa sinh trưởng khỏe, rễ nhiều, dài và ăn sâu nên tăng khả năng hút nước, dinh dưỡng; tăng khả năng chống chịu trong điều kiện thời bất lợi.

Lo “sốt vó” với thị trường Tết

Lo “sốt vó” với thị trường Tết

Chợ ế ẩm, siêu thị đìu hiu, trong khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán. Các nhà sản xuất lẫn hệ thống phân phối, bán lẻ đều lo lắng cho mùa Tết năm nay.

Chị em chẳng dừng mua sắm sau ngày Black Friday

Chị em chẳng dừng mua sắm sau ngày Black Friday

Black Friday (thứ sáu 29/11) vẫn tiếp tục sức nóng khuyến mại vào dịp gần cuối năm và nhiều thương hiệu vẫn chạy chương trình giảm giá kéo dài đến cuối tuần (hôm nay) để phục vụ các tín đồ mua sắm.

Black Friday, chị em kéo nhau săn sale khủng

Black Friday, chị em kéo nhau săn sale khủng

Ngày mua sắm khủng "Black Friday" của năm nay rơi vào ngày 29/11. Các thương hiệu thời trang đua nhau khuyến mãi để thu hút khách hàng, kích cầu mua sắm cuối năm.