Dự án thành phần 5 (xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương) có tổng chiều dài khoảng 26,6km.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, trong 3 gói thầu xây lắp của dự án thành phần 5, các gói thầu xây lắp 1 và 2 sử dụng vật liệu đắp nền bằng đất.
Riêng gói thầu xây lắp 3 đắp nền đường bằng cát. Nguyên nhân do địa chất đoạn từ Bình Chuẩn ra sông Sài Gòn (đoạn qua xã An Sơn, TP.Thuận An) nằm trên vùng đất yếu, thường xuyên ngập nước.
Thời gian qua, gói thầu xây lắp 3 chủ yếu sử dụng nguồn cát thương mại, mua từ mỏ khai thác ở các tỉnh ĐBSCL.
Tuy nhiên, nguồn cát từ các tỉnh này thường xuyên bị gián đoạn, không ổn định dẫn đến tiến độ thi công hạng mục đắp cát nền đường bị chậm.
Ông Trần Hùng Việt - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết nhu cầu của gói xây lắp 3 là 600.000m3 cát san lấp.
Tuy nhiên, khối lượng cát mà các nhà thầu huy động về công trường chỉ khoảng 1.000m3/ngày, chưa đáp ứng nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc điều hành dự án gói thầu xây lắp 3 cho biết, nếu không có đủ nguồn vật liệu san lấp, đắp nền đường, tiến độ thi công công trình sẽ bị chậm so với kế hoạch.
Để đảm bảo nguồn cung, đơn vị thi công còn tìm nhập khẩu nguồn cát từ Campuchia. Tuy nhiên, giá nhập khẩu cát từ Campuchia cao hơn dự toán ban đầu.
Theo hồ sơ dự toán, giá cát nhập từ Campuchia là hơn 230.000 đồng/m3, nhưng thực tế, giá phải mua là 330.000 đồng/m3.
Giá cát nhập khẩu cao nhưng đơn vị thi công vẫn phải mua để đáp ứng tiến độ công trình; đồng thời làm việc với các đối tác nhằm đẩy nhanh tiến độ cung ứng.
Theo ông Nguyễn Văn Công, những hộ dân trong diện giải tỏa trên tuyến chính của gói xây lắp 3 chưa được di dời cũng ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Dự án đường Vành đai 3 qua Bình Dương có tổng diện tích đất thu hồi bổ sung hơn 79,9ha; có 1.529 trường hợp bị ảnh hưởng.
Trong dự án thành phần 5, gói thầu xây lắp 1 đã hoàn thiện thủ tục thiết kế bản vẽ thi công, đang triển khai dọn dẹp mặt bằng và thi công các cọc thử trụ. Gói thầu xây lắp 2 có khối lượng thi công đạt 23,57%.
Riêng gói thầu xây lắp 3 có khối lượng thi công đạt thấp nhất; 8,32% so với hợp đồng.
Thời gian qua, phần diện tích mặt bằng đơn vị thi công đã nhận bàn giao chủ yếu là đất vườn của người dân.
Trên tuyến chính và tuyến song hành 2 bên của dự án vẫn còn vướng nhiều nhà dân. Riêng tuyến chính còn gần 30 nhà dân.
Đơn vị thi công đã trao đổi, vận động người dân sớm bàn giao mặt bằng. Đồng thời dơn vị thi công cũng kiến nghị UBND TP.Thuận An đẩy nhanh thực hiện tái định cư cho các hộ dân thuộc diện giải tỏa, đền bù; khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo kế hoạch của UBND tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Thành Úy – Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An cho biết, đã thông qua UBND Thành phố về danh mục, vị trí thửa đất để các hộ dân tái định cư.
"Dự kiến cuối tháng 8 hoặc đầu 9 tới đây, Thành phố sẽ cho các hộ dân bốc thăm để về nơi tái định cư, đồng thời bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công", ông Úy nói.
Dự án đường Vành đai 3 qua Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của tỉnh. Đến nay, dự án đã giải ngân xây lắp gần 1.270 tỷ đồng, đạt 25,7% trên tổng dự toán; chi bồi thường hơn 6.700 tỷ đồng, đạt 49% tổng dự toán; tổng diện tích đất đã thu hồi trên 120ha (trên 129ha), đạt 93%.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.