Những ngày đầu năm 2022, một số địa phương tiếp tục chứng kiến sự nóng lên của thị trường nhà đất. Trong đó tại Hà Nội, bám theo thông tin xây dựng tuyến đường Vành đai 4 Thủ đô, làn sóng đầu tư nhà đất lại tiếp tục sôi động.
Dọc theo tuyến đường Tân Hội (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) được ghi nhận liên tục mọc lên các trung tâm môi giới bất động sản, thậm chí đến cả các trung tâm dịch vụ hỏa táng, tiệm sửa xe cũng “lột xác” thành nơi tư vấn nhà đất.
Một số chủ đất tại xã Đức Thượng chia sẻ, từ khi có thông tin tuyến đường Vành đai 4 sẽ đi qua khoảng giữa chùa Diên Phúc và đền Giẻ Sen, gần với đường liên khu vực 1 đã khởi công, mức giá rao bán tại đây đã tăng từ 10 - 20 triệu đồng so với hồi đầu năm 2021.
Tương tự tại, Quảng Trị, sau khi cơn sốt tại TP. Đông Hà lắng xuống, đợt sốt mới tại thị trấn Lao Bảo cũng tăng đột biến trong một thời gian ngắn. Sau khi có thông tin chuẩn bị đấu giá 40 lô đất ở khu tái định cư Tân Thành – Lao Bảo (giữa xã Tân Thành và Lao Bảo), từ cuối tháng 12.2021 đến đầu tháng 1.2022, giá các lô đất ở khu tái định cư này bất ngờ tăng gấp đôi. Đơn cử, 1 lô đất 8 x 25 m nằm trên tuyến đường rộng 11 m hiện được bán với giá gần 1 tỷ đồng.
Không những vậy, giá đất cạnh khu chuẩn bị đấu giá tăng mà đất ở dọc các tuyến đường tại thị trấn Lao Bảo cũng tăng gấp đôi, đơn cử đường Tố Hữu, trước đây 1 mét ngang đất có giá khoảng 60 - 65 triệu đồng, nay được rao với giá lên tới 120 - 130 triệu đồng tùy diện tích.
Hay tại Đắk Lăk, tình hình giao dịch nhà đất tại TP. Buôn Ma Thuột vừa đây cũng bỗng trở nên nhộn nhịp, khu vực được nhiều người tìm mua nhất là xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột và dọc tuyến Quốc lộ 26, giao dịch tấp nập khiến cho giá đất bị đẩy lên cao.
Cơn sốt này được cho liên quan đến việc đoàn công tác của Bộ Y tế đã có chuyến khảo sát thực tế khu đất 9,6ha tại thôn 4, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, nơi dự kiến xây dựng Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh đó, một phần tác động đến từ dự án đường cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột đang được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Thông tin từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột, giá đất leo thang, giao dịch diễn ra tấp nập. Chỉ trong tháng cuối năm 2021, đơn vị này đã tiếp nhận hơn 11.400 hồ sơ thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai.
Tháng đầu năm 2022, hồ sơ lĩnh vực đất đai tiếp tục đổ dồn về. Có ngày, cán bộ nhân viên của bộ phận phải tiếp nhận hơn 600 hồ sơ, đây là số lượng hồ sơ tiếp nhận chưa từng có.
Đứng trước tình trạng trên, các chuyên gia lên tiếng cảnh báo nhà đầu tư không nên đuổi theo những cơn sốt. Bài học đắt giá từ cơn sốt đất cục bộ hồi đầu năm 2021 vẫn còn đó, đầu tư chạy theo hạ tầng có thể là con dao hai lưỡi, được ăn cả và ngã sẽ bị “chôn chân” tại đấy.
Cảnh báo về cơn sốt tại Đăk Lăk, ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết hiện tượng sốt đất tại TP. Buôn Ma Thuột thời gian gần đây là do "cò đất" thỏa thuận với nhau đẩy giá đất lên cao. Từ đó, các đối tượng "cò đất" lôi kéo người dân vào tham gia mua bán.
Ông Hưng khuyến cáo người dân phải hết sức cảnh giác, không nên nghe theo "cò đất" đổ xô mua bán đất. Khi đất được đẩy giá lên cao thì người dân mua sau là người thiệt thòi nhất.
Trong khi đó, đánh giá chung về tình trạng trên, ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội nhận định, đầu tư chạy theo quy hoạch, hạ tầng, có nhà đầu tư sẽ may mắn thắng lớn, nhưng cũng không ít nhà đầu tư "vỡ mộng”, lỗ lớn.
Ông Điệp cho rằng, những thông tin về quy hoạch, về đầu tư những dự án cơ sở hạ tầng giao thông đã tác động một phần tiêu cực đến thị trường bất động sản nói chung, vì khi nghe được thông tin này, thị trường xuất hiện việc đầu tư, đầu cơ đất.
Vị chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nhiều dự án hạ tầng đến khi khởi công hoặc khánh thành lại không tạo giá trị cao, bởi thời gian chuẩn bị rất lâu, đến khi khởi công chính thức, mọi giá trị gia tăng, trong đó có cả giá kỳ vọng đều đã được “cơn sốt” trước đó cộng hết vào. Đối với nhà đầu tư cá nhân, không phải cứ mua nhà gần đường là có lời. Phải hình thành khu đô thị, khu dân cư thì mới có câu chuyện giá trị đất, bất động sản được nâng lên.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) nhấn mạnh, giá cả thị trường được quyết định bởi 3 quy luật, quy luật giá trị, quy luật cung, cầu và quy luật cạnh tranh. Đối với giá cả thực tế còn chịu sự tác động của tiện ích, dịch vụ, trong đó có hạ tầng giao thông, tuy nhiên dạng đầu tư này nhà đầu tư cần xác định là dài hạn và không phải dự án nào cũng “đúng tiến độ”.
“Nếu không nắm được thông tin, người dân, nhà đầu tư không nên chạy theo “cơn sốt” mà đổ xô đi đầu cơ, trữ đất, dễ chịu rủi ro lớn”, ông Châu khuyến cáo.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Cơ quan chức năng ở TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các công trình sai phạm trên khu "đất vàng" tại quận 10. Mục đích thu hồi là để xây một trường học mới.
Ngày 19/11/2024, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung tỷ lệ 1/10000, đánh dấu bước quyết định trong việc tháo gỡ pháp lý cho dự án Aqua City của Tập đoàn Novaland, vốn đã bị vướng mắc hơn 2 năm qua.
TP.HCM đã có thông báo đến nhà đầu tư và doanh nghiệp về việc chấm dứt hợp đồng BOT dự án đầu tư xây dựng đoạn tuyến nối từ đường Võ Văn Kiệt đến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.