Nghiên cứu do Viện quan sát Trái Đất Singapore, Đại học New Mexico, Viện Kỹ thuật Zurich và Phóng thí nghiệm phản lực NASA tiến hành cho thấy các thành phố ở Đông Nam Á đang có tốc độ sụt lún so với mực nước biển nhanh nhất thế giới, theo Straits Times.
Ảnh vệ tinh 48 thành phố ven biển toàn cầu giai đoạn 2014-2020 cho thấy tốc độ sụt lún trung bình là 16,2 mm mỗi năm. Một số thành phố thậm chí lún xuống tới 43 mm mỗi năm. Trong khi đó, nước biển dâng với tốc độ 3,7 mm mỗi năm.
Tại Đông Nam Á, TP.HCM đang lún xuống với tốc độ 16,2 mm mỗi năm, gấp khoảng 4 lần so với Jakarta của Indonesia (lún 4,4 mm/năm). Khai thác nước ngầm là nguyên nhân hàng đầu của tình trạng này. Đồng thời, việc quá nhiều tòa nhà cao tầng tập trung tại khu vực có nền đất yếu cũng làm trầm trọng thêm tình trạng sụt lún.
Các thành phố ven biển Đông Nam Á đang là trung tâm quá trình đô thị hóa. Dân số tăng dẫn tới nhu cầu khai thác nước ngầm, điều này khiến hiện tượng đất nền sụt lún diễn ra nhanh hơn.
Cùng với hiện tượng mưa lớn cực đoan, nước biển dâng do biến đổi khí hậu, hiện tượng sụt lún đất có thể dẫn đến tình trạng ngập lụt xảy ra thường xuyên, trầm trọng và kéo dài hơn trong những năm tới.
"Lũ lụt có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, phá hoại tài sản và cơ sở hạ tầng. Trong trường hợp cực đoan, lũ lụt thường xuyên có thể ảnh hưởng tới sinh kế của người dân khi chúng phá hoại đất nông nghiệp, khiến người dân phải chuyển đi nơi khác", Cheryl Tay, một trong các tác giả nghiên cứu, cho biết.