Giá bất động sản ở TP HCM tiếp tục tăng mạnh sau đại dịch trong khi nguồn cung phân khúc nhà giá rẻ (hạng C) 2-3 năm qua gần như biến mất. Liệu ước mơ nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp có thành hiện thực?
Đỏ mắt tìm nhà giá rẻ
Căn hộ chung cư được coi là phân khúc rẻ nhất trong giai đoạn hiện nay để người có thu nhập thấp có thể sở hữu. Thế nhưng lâu nay, ngoại trừ các dự án chung cư cũ, xuống cấp, xa trung tâm… thì hầu như không có dự án căn hộ thương mại nào mở bán trong 3 năm trở lại đây ở TP HCM có giá dưới 25 triệu đồng/m2. Đáng nói hơn, dự án nhà ở thương mại bình thường cũng hiếm được mở bán do bị vướng pháp lý. Đó cũng là lý do giá căn hộ dự án sau cứ cao hơn dự án trước do chủ đầu tư không thể hạ giá và chi phí cứ đội lên.
Thống kế mới nhất từ Công ty DKRA Việt Nam, năm 2021, tính luôn cả vùng phụ cận là Bình Dương, Đồng Nai thì thị trường căn hộ tại TP HCM chỉ có 41 dự án mở bán (khoảng 21.138 căn), chỉ bằng 70% năm 2020. Lượng tiêu thụ chỉ 17.122 căn, bằng 81% nguồn cung mới và chỉ bằng 65% so với năm trước. Riêng tại TP.HCM, nguồn cung và lượng tiêu thụ giảm mạnh so với năm 2020 trở về trước. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Trong khi đó, thị trường lại xuất hiện thêm căn hộ hạng sang, giá đến hơn 400 triệu đồng/m2.
DKRA cũng dự báo năm 2022 nguồn cung căn hộ có thể tăng nhẹ so 2021, với khoảng 30.000 căn hộ sẽ ra mắt, nhưng vẫn chủ yếu là ở phân khúc hạng A và B, trong khi nguồn cung căn hộ hạng C vẫn tiếp tục khan hiếm.
Vừa qua, ngay khi kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm vượt xa mức giá bán căn hộ hiện tại trong cùng khu vực, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, đã đưa ra nhiều lo ngại. Bởi hiện giá căn hộ dưới 30 triệu đồng/m2 đã kiếm không ra, nên giá đất trúng đấu giá 4 lô đất Thủ Thiêm quá cao có thể tác động tiêu cực, lan tỏa đến tất cả phân khúc thị trường bất động sản, gây trở ngại rất lớn cho việc thực hiện mục tiêu kéo giảm giá nhà, trước hết là mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, "nhà ở thương mại giá phù hợp". Đồng thời, ông đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có các chính sách, cơ chế đến tài chính, lãi suất cho người mua nhà cũng như người triển khai dự án.
Lóe tia hy vọng
Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỉ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất... Vấn đề còn lại là triển khai. Người dân thì chờ nhà giá thấp để mua.
Giá đất khu đô thị Thủ Thiêm tăng cao, kéo giá cả khu vực lên thì nhà giá rẻ càng khó triển khai
Mới đây, ngay trong những ngày đầu năm Nhâm Dần, 3 doanh nghiệp lớn gồm: Tập đoàn Hưng Thịnh, Đồng Tâm Group, Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành đã phát triển sáng kiến nhà ở vừa túi tiền với chất lượng bảo đảm dành cho người có nhu cầu phổ thông với giá dự kiến dưới 25 triệu đồng/m2 tại TP HCM; ở Long An, Đồng Nai, Bình Dương… là dưới 20 triệu đồng/m2. Dự kiến 3 doanh nghiệp này sẽ cho ra mắt trước khoảng 100.000 căn hộ. Ngay khi ý tưởng này công bố, rất nhiều người, nhất là người dân TP HCM, đồng tình và chờ đợi.
Sáng kiến này được khởi xướng bởi ông Nguyễn Đình Trung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hưng Thịnh, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group và ông Mai Hữu Tín - Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành. Lãnh đạo các tập đoàn này cũng mong cơ quan nhà nước các cấp chung tay cùng thực hiện để giúp người nghèo có nhà ở.
Ông Nguyễn Đình Trung cho rằng sau đại dịch Covid-19, đời sống người dân đều bị ảnh hưởng, nhất là công nhân, người lao động phổ thông... Bài toán nhà ở vừa túi tiền càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi sự chung tay với tinh thần quyết liệt, quyết tâm của doanh nghiệp cùng các bên liên quan để tìm lời giải.
Ông Lê Hoàng Châu khẳng định nếu không có những doanh nghiệp có tâm, hợp sức lại để triển khai nhà vừa túi tiền và lãnh đạo TP, cơ quan chức năng không có chính sách hỗ trợ thì không bao giờ TP HCM có nhà ở giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Xác định lại khung giá căn hộ
Nói về nhà giá rẻ, ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng năm 2022 là thời điểm phù hợp để định vị lại thị trường bất động sản, đưa thị trường phát triển tương xứng với tầm vóc quốc gia và bắt kịp xu hướng các nước lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore… Trong quá trình nâng cấp, định vị lại, cần lưu ý điều chỉnh các tiêu chí giá mới trong phân cấp loại hình căn hộ sao cho phù hợp với sự vận động của thị trường. Cụ thể, khung giá phù hợp để xác định căn hộ hạng C là dưới 35 triệu đồng/m2, căn hộ hạng B từ trên 35 - 60 triệu đồng/m2, căn hộ hạng A từ trên 60 - 100 triệu đồng/m2 và hạng sang từ trên 100 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, theo ông Lâm, nhà nước cần quan tâm đến việc ban hành các chương trình nhà ở quốc gia mang tính lâu dài như nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động,… phải gắn liền với vấn đề tài chính cho người mua nhà lần đầu. Có như vậy thì ước mơ nhà giá rẻ của người dân mới sớm thành hiện thực.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc