Tăng trưởng ngoài mong đợi
Là một DN lớn xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T cho biết, đến thời điểm này doanh nghiệp (DN) đã quay trở lại hoạt động sản xuất bình thường.
Theo ông Tùng, sau khi sản lượng xuất khẩu bị giảm mạnh trong thời gian giãn cách xã hội, hơn 2 tháng chuyển sang trạng thái “thích ứng linh hoạt, an toàn”, các đơn hàng Vina T&T tăng tới tấp, khoảng 30-40%. Các đối tác cũng liên tục đặt hàng phục vụ cho dịp lễ Giáng sinh, thậm chí không ít đơn vị đặt trước cho cả quý 1 năm sau.
“Công ty phải huy động 100% công nhân làm việc liên tục và tăng ca mới đáp ứng kịp các đơn hàng. Nhiều mặt hàng như vú sữa, sầu riêng, DN có đến đâu, tiêu thụ đến đó. Các nguyên liệu thu mua trong đợt cao điểm giãn cách xã hội cũng được xuất đi hết. Công ty phải mở rộng liên kết với người dân, hợp tác xã để có đủ nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của thị trường”, ông Tùng chia sẻ.
Ông Tùng cho biết, đến thời điểm này, DN tự tin đạt được doanh số cao hơn năm ngoái. Thậm chí, nếu tình hình kẹt cảng ở Mỹ và thiếu container được giải quyết sớm, DN sẽ có doanh thu cao nhất trong mấy năm gần đây.
Năm nay, dù có lúc hoạt động xuất khẩu bị chững lại do khó khăn trong việc vận chuyển, song nhiều loại nông sản của Việt Nam lại đạt được giá cao, góp phần kéo giá trị của ngành tăng vọt. Đơn cử, giá tiêu thế giới ở ngưỡng cao nhất trong vòng 3 năm giúp xuất khẩu tiêu của Việt Nam dù giảm về khối lượng nhưng tăng tới 44% về giá trị; hay giá cao su, gạo cũng tăng lần lượt tới 40% và hơn 7%.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết, ba tháng trước, khi các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách phòng, chống dịch, hoạt động xuất khẩu của DN dường như bị ngưng trệ hoàn toàn. Có lúc DN không dám ký hợp đồng mới do sợ giao hàng không kịp hoặc không giao được. “Rất may 2 tháng hoạt động trở lại, gạo Việt được giá, có lúc tăng 10-15%, giúp DN hồi phục mạnh mẽ. Hiện, DN đang ‘’chạy’’ để trả các đơn hàng đối tác đặt trong năm, dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm nay”, ông Có nói.
Ảnh hưởng tiêu cực nhất trước tác động của dịch COVID-19 là ngành thủy sản. Trong thời gian cao điểm giãn cách xã hội, ngành thủy sản từ đà tăng trưởng hai con số lập tức giảm sâu tới 23-31% trong tháng 8 và tháng 9. Tuy nhiên, kết thúc 11 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt 8 tỷ USD, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm 2020 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, đây là một kết quả vượt ngoài mong đợi của ngành thủy sản, bởi có lúc hơn 50% DN thủy sản phải ngừng hoạt động; số còn lại cũng chỉ duy trì được công suất 30-40%. “Lúc đó, chúng tôi lo phải mất 2 năm ngành thủy sản mới có thể trở lại hoạt động bình thường. Thế nhưng, hiện tại, các DN thủy sản đã đạt hơn 70% công suất so với trước khi xảy ra dịch COVID-19”, ông Hòe chia sẻ.
Dự báo đạt mức kỷ lục
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt gần 43,5 tỷ USD (tăng 14%), cán sát mốc mục tiêu 44 tỷ USD đặt ra trong năm nay. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19 tỷ USD (tăng gần 14%); lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD (tăng 21%)…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, kết quả này là sự thừa hưởng từ hướng đi đúng đắn của ngành nông nghiệp trong thời gian qua khi xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chí cho các thị trường xuất khẩu. Theo Thứ trưởng Tiến, năm nay khi thị trường Trung Quốc gặp khó, các DN xuất khẩu của Việt Nam cũng tìm hướng đi mới, tận dụng được lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để chinh phục thị trường Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…Đến nay, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam sang Mỹ đạt trên 12 tỷ USD; thị trường Trung Quốc đạt gần 8,4 tỷ USD; Nhật Bản gần 3 tỷ USD và Hàn Quốc đạt khoảng 1,9 tỷ USD…
“Việt Nam và Mỹ đã đạt được thỏa thuận trong việc giải quyết vấn đề nhập khẩu và sử dụng gỗ bị khai thác hoặc buôn bán bất hợp pháp. Đây là cơ hội lớn cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, nhất là năm 2022, khi xuất khẩu nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới hơn 67% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này”, Thứ trưởng Tiến nói.
Còn nhiều dư địa để bứt phá
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19, ngành nông nghiệp vẫn đạt được giá trị xuất khẩu 44 tỷ USD trong 11 tháng cho thấy nông nghiệp vẫn là trụ đỡ không thể thiếu của nền kinh tế.
GS-TS Võ Tòng Xuân |
Theo ông Xuân, trong năm 2021, ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Trong đó, chúng ta cần tập trung khai thác sâu để nâng cao giá trị hàng Việt. Chẳng hạn, như ngành gạo, Việt Nam đã tạo ra được giống lúa ngon, chất lượng hàng đầu thế giới, giờ quan trọng nhất chỉ là khâu thị trường. Trong năm tới, ngành gạo có thể xuất khẩu những lô hàng chất lượng cao thâm nhập vào các thị trường Mỹ, Trung Đông, Hồng Kông (Trung Quốc)…để có được giá bán cao hơn. Hay như ngành tôm, hiện thị trường thế giới đang có nhu cầu cao, trong khi các nước cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador gặp khó, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để chiếm lĩnh thị trường.
Để làm được điều đó, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, ngành nông nghiệp cần đẩy nhanh quá trình liên kết vùng, sớm hình thành các vùng nguyên liệu nông sản có quy mô lớn; đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ và mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.