Hội nghị do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Washington tổ chức.
Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam; Đại sứ Hoa Kỳ và Đại sứ các nước tại Việt Nam; đông đảo lãnh đạo doanh nghiệp hai nước. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cựu Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman tham dự trực tuyến.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai, thị trường xuất khẩu lớn nhất, một trong những nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam.
Việt Nam - Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023. Hơn một năm qua, hợp tác song phương được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 110,8 tỷ USD; trong 10 tháng của năm 2024 đạt 110,9 tỷ USD.
Với mục tiêu thắt chặt quan hệ thương mại và kinh tế, hiện thực hóa khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, các đại biểu thảo luận về chính sách, phương hướng mà Chính phủ và khu vực tư nhân cần thực hiện, để đảm bảo quan hệ thương mại và đầu tư Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Hội nghị tập trung thảo luận nhu cầu ban hành quy định hợp lý, khai thác tiềm năng của nền kinh tế số, để thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư đổi mới sáng tạo, giải quyết các nhu cầu an ninh năng lượng và phát triển với các hành động thực tế, duy trì năng lực cạnh tranh thông qua tăng năng suất và giảm rủi ro, cũng như củng cố khả năng huy động nguồn lực, sản xuất và chuỗi cung ứng.
Phát biểu trong lần thứ ba liên tiếp tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đường lối đối ngoại của Việt Nam đối với Hoa Kỳ được thể hiện ngay sau khi giành độc lập dân tộc, với việc Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Tổng thống Harry Truman, bày tỏ muốn thiết lập quan hệ đầy đủ với Hoa Kỳ vào năm 1946.
Qua những thăng trầm và đột phá, với quan điểm gác lại quá khứ, tôn trọng sự khác biệt, khai thác điểm đồng, hạn chế bất đồng, hướng tới tương lai, vì lợi ích của cả hai đất nước, hai dân tộc, nhân dân hai nước; nhận định tình hình thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, không có người dân nào, không có quốc gia nào có thể phát triển suôn sẻ, nếu trên thế giới vẫn còn xung đột, thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên. Đây là những vấn đề toàn cầu, toàn diện, toàn dân, nên cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế.
Cho rằng thời gian, trí tuệ, sự quyết đoán có tính chất quyết định thành công của đầu tư, kinh doanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư, kinh doanh, tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu và vun đắp quan hệ hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, Việt Nam xác định đi lên chủ nghĩa xã hội dựa trên 3 trụ cột chính: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xuyên suốt quá trình đó, lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, nguồn lực của sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Thực hiện đường lối đó, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đến nay đã vươn lên đứng thứ 34 trong các nền kinh tế trên thế giới; có Hiệp định FTA với trên 65 nền kinh tế trên thế giới. Kim ngạch thương mại năm 2024 ước đạt gần 800 tỷ USD; hiện có hơn 400 tỷ USD đầu tư nước ngoài, năm nay cố gắng thu hút 40 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư FDI phấn đấu đạt hơn 25 tỷ USD. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đây là sự nỗ lực của Việt Nam, có sự giúp đỡ bạn bè quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Chia sẻ về 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới, giàu mạnh và thịnh vượng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang tập trung vào các dự án lớn mang tính "xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái", như hệ thống đường cao tốc, đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt kết nối các nước trong khu vực, tái khởi động dự án điện hạt nhân, các cảng biển lớn, khai thác không gian vũ trụ, không gian biển… Đồng thời, ưu tiên phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam đang tập trung thúc đẩy đổi mới để bay cao, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để phát triển; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng chính sách ổn định, ngày càng thông thoáng, minh bạch, tiệm cận với thông lệ quốc tế, nỗ lực chuẩn bị các điều kiện và tạo thuận lợi cho nhà đầu tư quốc tế, trong đó có các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Đồng thời, đề nghị Hoa Kỳ xóa bỏ một số rào cản đối với Việt Nam, sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, tạo điều kiện cho hai nước, doanh nghiệp hai nước hợp tác phát triển, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước.
Với quan điểm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "cùng lắng nghe và thấu hiểu, chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển, cùng chung niềm vui, hạnh phúc và niềm tự hào", Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, doanh nghiệp hai nước hỗ trợ nhau tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng mới, góp phần mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm phát triển những dự án đầu tư quy mô lớn hơn, có sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, để tạo đột phá trong hợp tác đầu tư giữa hai nước.
Nhấn mạnh nguồn lực bắt đầu từ tư duy, tầm nhìn; động lực bắt nguồn từ đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư tài chính, chuyển giao khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm quản trị cho Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; các dự án công nghệ cao, điện tử, bán dẫn, đổi mới sáng tạo; năng lượng tái tạo, năng lượng mới; trung tâm tài chính, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận tải, hậu cần, logistics, hoạt động nghiên cứu và phát triển…
Trên tinh thần "đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả cân, đong, đo, đếm được", Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ có các chương trình, dự án cụ thể, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và quan hệ hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng đón tiếp và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, lắng nghe và đối thoại để thúc đẩy hơn nữa hợp tác ngày càng thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng rằng, doanh nghiệp hai nước sẽ là nguồn sức mạnh khai phá tiềm năng không giới hạn đó, để quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ mang tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới; tạo nên giá trị mới, mang lại lợi ích chung thiết thực hơn nữa cho cả hai bên.
Theo TTXVN
Bị cáo Trương Mỹ Lan tham gia nhiều hành vi phạm tội, một lúc phạm nhiều tội, xâm phạm nghiêm trọng tới hoạt động tài chính ngân hàng. Cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình là đúng người, đúng tội, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo này.
Ngày 3/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký văn bản ban hành thông báo phân công Thường trực UBND TP theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.
Từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô trong nước ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên từ 01/12/2024 trở đi, xe sản xuất và lắp ráp trong nước không được miễn 50% phí trước bạ sẽ ảnh hưởng nhiều đến lượng tiêu thụ xe.
TP.HCM triển khai kế hoạch sắp xếp lại đơn vị hành chính, giảm 39 phường, nhằm tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Trong khi các sản phẩm như rượu bia và bánh kẹo giảm sút, xu hướng mới của người tiêu dùng dịp Tết năm 2025 đó là chuộng sản phẩm giản đơn, tiện lợi và sản phẩm liên quan chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM đang thu hút sự chú ý của giới siêu giàu và nhà đầu tư, nhờ sức tăng GDP mạnh, nên phân khúc bất động sản hạng sang của TP.HCM thành thị trường trọng điểm trong khu vực.