Khởi nghiệp ở tuổi 40, doanh nhân Nguyễn Ngọc Luận, CEO Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu (Gò Vấp, TP.HCM), chủ thương hiệu Meet More Coffee, đã và đang từng bước chinh phục thị trường cà phê thế giới...
Nếu như những thương hiệu cà phê nổi tiếng như: Trung Nguyên, Cafe phin giấy Art Coffee, Nescafe, Cafe Mai... nổi tiếng với cà phê rang say nguyên chất dành cho người sành, thì ở thương hiệu Meet More Coffee, người dùng lại tìm thấy cà phê pha trộn với các vị nông sản như: Khoai môn, bạc hà, nhài, xoài, dừa, trà xanh, đậu xanh… món cà phê dành cho những người không biết uống.
Điều này được ví như "bán lược cho sư". Thế nhưng, hướng đi mới mẻ này lại phù hợp với sở thích nhiều đối tượng khách hàng như phụ nữ, học sinh, nhân viên văn phòng...
Với hương vị đặc trưng của hạt cà phê trồng ở vùng đất đỏ bazan Buôn Ma Thuột và công thức phối trộn riêng, Meet More Coffee đã trở thành sản phẩm mang đậm hương vị Việt.
Chị Tuyết Anh, một kiều bào định cư ở Australia cho biết, chị thường chọn cà phê Meet More vị khoai môn và mỗi lần thưởng thức, chị có cảm giác như được sống và nếm trải món khoái khẩu này trên chính quê hương mình.
"Cà phê và khoai môn hòa quyện. Khi nhâm nhi, tôi cảm nhận được hương vị đắng dịu của cà phê, ngọt ngào và hơi ngầy ngậy của khoai môn, tổng hòa ra một hương vị độc đáo trên môi", chị nhận xét.
Anh David Nguyễn, nhân viên một tổ chức phi chính phủ tại Victoria, Australia chia sẻ, anh hay dùng Meet More Coffee vị bạc hà. Khi nhâm nhi, anh cảm nhận được vị the mát ở đầu lưỡi, vị đắng dịu, ngòn ngọt nhẹ ở vòm miệng.
Ông Joeng Jea Hyeok, Chủ tịch Everbio thực phẩm Group Korea, đối tác của Meet More Coffee tại thị trường Hàn Quốc đánh giá: "Sau lần đầu tiên thử sản phẩm cà phê Meet More Coffee, tôi rất tự tin sản phẩm này sẽ phát triển tốt. Tôi đã đồng hành với thương hiệu từ đó đến nay. Tôi muốn cùng Meet More phát triển ra thị trường toàn thế giới".
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Ngọc Luận cho biết, Meet More Coffee có mặt tại thị trường nhiều nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Australia, Pháp, Đức… Trong tổng doanh thu mỗi năm trên 50 tỷ đồng, nếu trước đây, 100% đến từ thị trường ngoại thì hiện nay đang chuyển dần về thị trường trong nước.
Meet More Coffee cũng giải quyết đầu ra 200-300 tấn nông sản mỗi loại/năm, tạo công ăn việc làm cho khoảng 70 lao động địa phương, chưa tính 100 lao động vùng khác.
Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp, ông Luận kể, năm 2014, nông sản trong nước được mùa nhưng mất giá. Nhiều nông sản như dưa hấu, thanh long... bị ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn. Có lúc có tới hàng nghìn xe ùn tắc trên tuyến quốc lộ 1A. Tranh thủ cơ hội, nhiều thương nhân nước ngoài ép giá nông sản xuống còn 1.000-2.000 đồng/kg, người nông dân thiệt thòi, xót xa đến chảy nước mắt.
Đáng nói, nguyên liệu đầu vào thấp, nhưng sau khi chế biến thành các loại nước uống, giá bán gấp chục đến vài chục lần. Từ đó, anh tự đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta có thiên nhiên ưu đãi về nguồn nguyên liệu lại không tự chế biến để nâng tầm giá trị nông sản? Tại sao các nước như Mỹ, Ý, Thụy Sĩ không trồng cà phê nhưng tạo ra những thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới như Starbucks, Highlands...?".
Quá trình tìm câu trả lời đã đưa anh đến quyết định cho ra đời sản phẩm pha trộn cà phê với nông sản Việt, bất chấp những điều tiếng cho rằng, đó là một ý tưởng "điên rồ".
Anh Luận cho hay, qua nghiên cứu, anh phát hiện, trái cây kết hợp với cà phê tạo ra sự cân bằng giữa chất kích thích, protein, vitamin. Điều này giúp những người chưa quen sử dụng coffee có thể uống mà không bị say.
Nhớ lại ngày đầu phát triển thị trường, anh Luận kể, khi mới khởi nghiệp, anh xác định, khó để thay đổi thói quen người dùng trong nước, khi cà phê nguyên chất được bán đầy đường phố. Hơn nữa, doanh nghiệp mới, không đủ tiềm lực tài chính để thực hiện những chiến lược marketing quy mô, dài hạn. Vì thế, anh đã chọn phát triển thị trường ngoại. Bởi ở nước ngoài, họ đã quen với "gu" cà phê nhạt. Meet More Coffee sẽ dễ tiếp cận hơn.
Từ đó, anh tìm đến những hội chợ xúc tiến, giới thiệu cho các kiều bào ở nước ngoài.
Meet More Coffee "bán dạo" khắp các hội chợ Hàn Quốc, Úc… Ở nơi đất khách, Meet More Coffee không chỉ phải đáp ứng yêu cầu khắt khe của nước nhập khẩu, còn phải đối diện với câu chuyện bảo vệ thương hiệu.
Điều may mắn cũng tới, sau một năm ròng rã Meet More Coffee "lọt" vào thị trường nhỏ lẻ, tiếp đó lan rộng ra châu Âu, Mỹ, Nga, một số nước châu Phi và sau 5 năm đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
"Khi sang Úc, đích thân tôi đi bán hàng tại các khu chợ người Việt, giới thiệu sản phẩm. Họ cho rằng Meet More Coffee là thương hiệu của Hàn Quốc hay Thái Lan, không tin là sản phẩm của quê hương mình. Họ không nghĩ Việt Nam lại làm được những sản phẩm như thế", anh Luận nhớ lại.
Sau khi chinh phục được thị trường ngoại, ông chủ Meet More Coffee đã quay trở lại phát triển thị trường nội địa. CEO Meet More Coffee tin tưởng, khi người tiêu dùng quốc tế chấp nhận thì khách hàng trong nước sẽ tin tưởng hơn.
Thực tế, những thức uống lạ lẫm như cà phê dừa, cà phê sầu riêng, cà phê chuối, khoai môn… đang dần hiện diện trên các kệ bán hàng siêu thị với khoảng 30 điểm bán trên toàn quốc: Emart, T&T Gourmet Market, Bách Hóa Xanh... tại các cửa hàng bán lẻ của 21 sân bay nội địa. Quý III năm nay, doanh thu nội địa chiếm tỷ trọng 30%.
Meet More Coffee cũng được bán online trên sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiki, Amazon.
Được biết, hiện ngoài nhà xưởng lớn tại huyện Hóc Môn (TP.HCM), Meet More Coffee còn bán nhượng quyền các xe cà phê trái cây.
Đến nay, Hội Nông dân TP.HCM đã trao danh hiệu Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM và chứng nhận OCOP cho 4 sản phẩm của Meet More.
Chia sẻ về định hướng mở rộng thị trường trong nước, ông chủ Meet More cho biết sẽ tiếp tục đầu tư máy móc hiện đại, nâng cao quy trình sản xuất. Meet More Coffee đang hướng đến 63 vị gắn với hoa quả đặc trưng của 63 tỉnh, thành. Đây cũng là cách giúp Meet More Coffee gần hơn với người Việt.
Ông chủ Meet More cũng hy vọng, tới đây, Meet More sẽ quy hoạch vùng trồng, giúp cho bà con nông dân sản xuất hiệu quả hơn. Doanh nghiệp Việt cũng thấy nhiều hơn cơ hội phát triển trên chính quê hương của mình.
Theo Báo Giao thông
Các hãng hàng không ở Việt Nam đang tích cực nhận thêm máy bay nhằm phục vụ hành khách trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Với gần 18.000 vận động viên tham dự, Giải Marathon Quốc tế TP.HCM làm sống động mùa lễ hội trong Tuần lễ Du lịch TP.HCM diễn ra từ 5-/8/12.
NVIDIA đã mua lại VinBrain -- công ty mới trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup và chuyên phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế.
“Ông lớn” ngành sữa Nhật Bản là Glico chọn Việt Nam là thị trường ra mắt sản phẩm sữa bột mới dành cho trẻ em từ 3 tuổi, trước cả Nhật Bản. Phía tập đoàn đánh giá Việt Nam là một thị trường sữa rất tiềm năng.
Tháng 11, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. Trong đó, giá điện và giá nhà thuê là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng tăng lên.
Người dân cần nắm thông tin giá vé, giờ hoạt động... của tuyến Metro 1 Bến Thành - Suối Tiên (TP.HCM) để có thể đi lại bằng phương thức này, bắt đầu từ ngày 22/12/2024.