- Được biết anh đang có chuyến công tác tại Đức, trước đó thì đi Mỹ. Anh có thể chia sẻ vài điều về tình hình kinh doanh trên thế giới hiện nay?
- Hiện nay ai cũng khó khăn, đó là tình trạng chung của cả thế giới cũng như Việt Nam. Giá hàng hóa, dịch vụ nhiều nơi đã tăng 40 - 50% so với trước dịch Covid-19, số người vô gia cư nhiều hơn trước, cướp bóc rất nhiều ngay cả ở những quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới… Mọi người đều tiết kiệm chi tiêu, nhiều khách hàng của tôi phải cắt giảm nhân viên. Thực sự các doanh nghiệp đang phải gồng lên để duy trì bộ máy và mọi thứ.
Là chủ doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu số 1 Việt Nam, xuất khẩu cà phê lớn thứ 4 cả nước, điều hành 6 nhà máy chế biến, anh Phan Minh Thông bận rộn hơn ai hết. Một năm 12 tháng thì có tới 4-5 tháng anh đi nước ngoài gặp khách hàng, khi về nước thì làm việc 18-20 tiếng mỗi ngày.
Khó khăn, thách thức đang diễn ra trên toàn cầu và tôi nghĩ nó sẽ kéo dài tới đầu năm sau. Nhưng chúng ta có thuận lợi hơn do là nước nông nghiệp. Sau dịch Covid-19, các nước đều quan tâm đến an ninh lương thực, một số nước đã cấm xuất khẩu gạo, hạn chế xuất khẩu đường, cà phê thì không có hàng…
Còn Việt Nam có những cái đó, chăn nuôi cũng rất mạnh nên kiềm chế được lạm phát.
Bạn hãy tưởng tượng, ở những nước sống bằng công nghiệp, may mặc, hàng không xuất được khiến các doanh nghiệp bị tàn phá kinh khủng.
- Trong hoàn cảnh đó, điều ngưỡng mộ là doanh thu của Phúc Sinh vẫn tăng hơn 30%. Anh có bí quyết gì thế?
- Tôi nghĩ mình luôn phải tìm con đường riêng. Lúc mọi người đang thoải mái thì mình phải chủ động đi tìm cách để tồn tại. Từ Tết đến giờ chúng tôi đi công tác liên miên. Những chuyến đi thị trường châu Âu, châu Phi, Trung Đông, trong đó riêng thị trường Mỹ tôi đã đi 4 chuyến, đợt gần nhất kéo dài hơn 3 tuần.
Để gặp được nhiều khách hàng nhất tại Mỹ, có những ngày tôi phải dậy từ 3 giờ sáng, di chuyển ra sân bay để gặp khách đúng hẹn. Đi mấy trăm km nhưng chỉ gặp khách hàng được một chút, sau đó quay trở lại trong ngày ở một bang khác.
Phúc Sinh luôn vận động suy nghĩ tích cực và không từ bỏ mục tiêu đề ra. Nếu như trước đây đối tác có đơn hàng dành cho 20 doanh nghiệp ở các nước nhưng nay nhu cầu giảm, lượng hàng chỉ còn đủ cho 5 đơn vị thì Phúc Sinh cố gắng có tên trong 5 đơn vị đó. Thế nên tôi và nhân viên liên tục chia nhau đi hội chợ, gặp khách hàng ở mọi nơi. Những chuyến đi nối tiếp nhau đã mang lại nhiều hợp đồng, khách hàng mới ở những vùng đất xa xôi.
May mắn là chúng tôi làm trong ngành thực phẩm, dù sao mọi người vẫn phải ăn nên Phúc Sinh vẫn bán được hạt tiêu để chế biến xúc xích, thịt nguội; vẫn bán cà phê để người ta uống vào mỗi sáng. Nông nghiệp là "mỏ vàng". Mỏ khác như sắt thép khai thác mãi sẽ cạn kiệt, còn nông nghiệp mỗi năm lại cho hàng tỷ USD.
- Đang thành công rực rỡ ở nước ngoài, anh quay về nước với dự định mở hàng loạt cửa hàng bán cà phê nguyên chất KCOFFEE. Nhưng xem ra mục tiêu của anh khá chật vật?
- Tôi nghĩ làm cái gì cũng phải hiểu rõ về nó, anh thành công ở nước ngoài không có nghĩa anh cũng gặt hái được kết quả ở trong nước. Kể cả anh đã thành công trong quá khứ, không có nghĩa anh cũng sẽ thành công trong tương lai.
- Tôi đang nhìn thấy dòng chữ "Thành công hôm nay đã là quá khứ" ở bức tường phía sau lưng anh?
- (Cười lớn) Thì tôi cũng thừa nhận điều đó mà. Tôi thú nhận nó không dễ nuốt đâu. Tôi đã mất rất nhiều tiền, xoay xở để làm thị trường cà phê trong nước nhưng tôi cũng thấy dấu hiệu tích cực là mọi người biết đến KCOFFEE nhiều hơn, mua Blue Sơn La nhiều hơn.
Bán hàng không dễ dàng gì, nhất là với ngành tiêu dùng. Tôi gặt hái thành công ở thị trường xuất khẩu, trong khoảnh khắc nào đó đứng ở vị trí số 1, nhưng bạn thấy bây giờ xem, nhiều đơn vị xuất khẩu đang gặp khó khăn kinh khủng.
Tôi làm cà phê ở thị trường trong nước đến nay đã gần 6 năm, khoảng thời gian chưa nhiều cho tất cả mọi thứ. Nhưng tôi biết cách làm cho gói cà phê trong tay mình đẹp long lanh, có giá trị nghệ thuật. KCOFFEE đã được Bộ NNPTNT lựa chọn làm quà tặng cho rất nhiều quan chức nước ngoài. Có vị khách bày tỏ không tin được cà phê đó được trồng ở Việt Nam, do chính người Việt Nam đóng gói đẹp như thế.
Tôi nghĩ mình đã mang lại một "level" khác cho gói cà phê. Tương tự như vậy, nhiều khách hàng nước ngoài đến thăm văn phòng Phúc Sinh sẽ thấy sự đẹp đẽ, hiện đại. Ngành nông nghiệp qua bàn tay của Phúc Sinh không còn là chân lấm tay bùn mà trở thành sản phẩm có giá trị khác biệt. Khi mình làm đẹp cho nó, giá bán sẽ cao hơn rất nhiều.
- Thú thật với anh, mỗi lần đi uống cà phê tại quán tôi luôn thấy hoài nghi về chất lượng cốc cà phê mình đang uống. Không có cách nào truy xuất cốc cà phê đó cả. Có vẻ như chúng ta đang làm yếu khâu này?
- Tôi thấy mình may mắn khi ra nước ngoài làm ăn từ sớm nên học hỏi được nhiều giá trị từ các nước phát triển, đặc biệt từ khách hàng châu Âu. Đó là thị trường luôn đòi hỏi cao về chất lượng, phân cấp các công ty rõ ràng. Còn ở Việt Nam, một cái lều ven đường với một cái kệ xoàng xĩnh cũng có thể dựng thành quán cà phê.
Ở đây là vai trò của cơ quan quản lý ngành hàng, họ phải đưa ra các quy định, tiêu chuẩn, có thưởng có phạt. Ví dụ như Đài Loan có quy định, nếu anh làm được hàng đạt tiêu chuẩn châu Âu thì sẽ "auto" vào thị trường Đài Loan, hay Hàn Quốc cũng vậy. Trong khi ở Việt Nam, kể cả anh đạt tiêu chuẩn châu Âu rồi cũng chưa chắc anh đã bán được hàng trong nước.
Phúc Sinh đã đạt rất nhiều chứng chỉ tin cậy của Mỹ, châu Âu nhưng vẫn đang từng ngày vật lộn với những quán cà phê vỉa hè, những cơ sở sản xuất chả có chứng chỉ gì. Thế thì làm sao chúng ta có thể khuyến khích được các đơn vị đó đảm bảo an toàn thực phẩm? Còn như thế thì người tiêu dùng sẽ vẫn phải bỏ tiền ra uống cà phê hoá chất, hoặc phải chi nhiều tiền hơn để mua hàng nhập khẩu.
- Anh sẽ làm gì để những gói cà phê "made in Vietnam" sẽ khác và người hưởng lợi là tất cả chúng ta?
- Tôi nghĩ trước hết chúng ta cần phân loại rõ các công ty có nhà máy tốt, dây chuyền tốt và các cơ sở thủ công. Thứ hai là phải có các chứng nhận được chấp nhận trên toàn thế giới. Tôi không hiểu sao các bộ ngành không làm điều đó, hình như 30 năm nay quy định vẫn rất nghèo nàn. Hoặc chỉ làm rầm rộ lên khi xảy ra chuyện gì đó về an toàn thực phẩm.
Nếu không thay đổi tư duy thì chỉ có người tiêu dùng Việt Nam chịu thiệt, bởi họ không thể phân biệt được đâu là cà phê trộn phụ gia, đâu là cà phê nguyên chất.
- Anh đã từng tuyên bố sẽ thay đổi khẩu vị uống cà phê của người Việt, nhưng tôi cảm giác như anh đang đơn độc trong cuộc chiến này?
- Nhiều lần tôi nói cái lưỡi của người Việt đã quá quen với cà phê tẩm hương liệu, hóa chất nên khi tôi giới thiệu cà phê nguyên chất họ không quen. Họ còn thắc mắc sao cà phê này không sánh, sao không có màu đen. Họ không biết rằng cà phê nguyên chất chỉ có màu cánh gián.
Có lần tôi mua 1 gói cà phê của một hãng kinh doanh đồ uống rất nổi tiếng thì thấy họ ghi dưới đáy hộp 30% là đậu bắp. Bạn nói đúng đó, tôi đang đơn độc. Nhưng cũng có cái may là nhờ viết sách nên tôi đang nhận được sự ủng hộ của giới công chức, học sinh, khách hàng nước ngoài, đặc biệt là các nhà báo ủng hộ dữ dội KCOFFEE. Cà phê họ được cho tặng đầy ra đó nhưng chẳng dám uống vì thấy vẫn trộn phụ gia, hương liệu.
Tôi hay bán cà phê cho khách hàng Đức, Italia thì thấy họ giữ nguyên hạt cà phê, không trộn bất cứ cái gì. Họ nói rằng bản thân hạt cà phê Việt Nam đã rất ngon. Giống như bạn ăn gạo ngon hàng ngày thì có cần trộn thêm gì đâu? Thứ 2, các công ty không sản xuất được cà phê ngon nên mới phải dùng hương liệu để tẩy đi mùi mốc. Còn Phúc Sinh có hạt cà phê ngon thì tự bản thân nó đã ngon rồi.
Phải thừa nhận có rất nhiều cám dỗ trong sản xuất, nhưng Phúc Sinh xuất khẩu nhiều năm đã có tiềm lực, nếu về nước làm bậy bạ thì đừng làm. Tôi tin rằng mình là người tiên phong đưa hạt tiêu Việt Nam ra thế giới – một mảng rất khó nhằn – thì sẽ có ngày tôi xây dựng được nền tảng bền vững ở thị trường cà phê trong nước. Con đường này chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian, tốn tiền đấy nhưng cứ kiên trì chiến đấu thôi.
- Nhưng muốn làm tử tế thì phải bắt đầu từ gốc?
- Tôi nghĩ đây là câu hỏi hay. Thực tế nhiều nhà làm cà phê lớn trong nước chưa có nhà máy chế biến, không có vùng nguyên liệu mà chỉ mua cà phê trôi nổi rồi về rang xay, rồi làm marketing. Còn Phúc Sinh chuyên làm hàng xuất khẩu, khách hàng bắt phải truy xuất nguồn gốc nên từ năm 2010 chúng tôi đã quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu. Ngày đó đâu ai quan tâm tới truy xuất nguồn gốc.
Chúng tôi bỏ nhiều tiền ra và mò mẫm làm, tốn nhiều công sức lắm nhưng nhờ thế Phúc Sinh chọn được những hạt cà phê ngon để bán được giá rất cao. Chúng tôi làm tăng giá trị hạt cà phê Việt Nam nên luôn có tiền để tái đầu tư, liên kết với nông dân xây dựng vùng trồng đạt tiêu chuẩn quốc tế, có hàng ngon cho nhà máy rang xay.
Làm thật thì dễ nói chuyện lắm. Bạn làm ăn gian dối thì có thể lúc thế này lúc thế khác, nhưng khi bạn nói thật, làm ăn tử tế thì kể cả lúc bạn say khướt cũng chỉ có sự thật đó thôi.
- Là người đi nhiều nước ở nhiều châu lục khác nhau để khai mở thị trường, anh nhận thấy doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu gì?
- Tiếng Anh người ta hay dùng từ advanture, nghĩa là xông xáo, ham muốn vươn lên, chấp nhận rủi ro, liều mạng – là những thứ mà người Việt Nam đang thiếu. Ví dụ người Hàn Quốc có 400.000 đô la thì họ sẽ bán nhà ở Hàn Quốc rồi sang Việt Nam thuê nhà, thuê người Việt mở một cửa hàng, họ có thể thức dậy từ 4h sáng làm việc tới 11h đêm. Nhưng nếu người Việt Nam có 400.000 đô la đó thì sẽ sang Hàn Quốc làm thuê để gửi tiền về mua xe máy, xây nhà thật to…
Nếu có dịp đến California, hay những nơi có nhiều người Việt Nam sinh sống ở Mỹ, bạn sẽ gặp họ đang ăn uống, "chém gió" ở đó. Bạn sẽ thấy người Việt Nam mình còn thiếu sự vươn lên một cách mạnh mẽ. Người Việt rất thông minh, nhanh nhẹn, tại sao không mạnh dạn đi ra thế giới làm ăn?
Phúc Sinh được nhắc đến là một trong những doanh nghiệp tư nhân tiên phong xuất khẩu hạt tiêu, cà phê, chỉ là vì trước đấy không ai làm. Ngay cả việc viết sách cũng vậy, trong giới doanh nhân không thiếu người đã viết sách nhưng hầu hết họ viết tiểu sử, chân dung mà không nghĩ đến chuyện xuất khẩu sách. Chúng ta đang ở trong một thế giới phẳng, nếu không thử thì làm sao biết được.
Tôi thấy một điều là khi gặp khó khăn ở thị trường nước ngoài, nhiều người hay "hét toáng" lên khách hàng gây khó dễ. Nhưng thế giới đã thay đổi rồi, nếu mình không thay đổi thì là lỗi của mình. Hay như chuyện các doanh nghiệp than thở không vay được tiền, nhưng xin hỏi doanh nghiệp đó có minh bạch không, tài chính có rõ ràng không? Không có thì lại kêu phải "chung chi" mới vay được tiền. Xã hội đã khác trước, muốn vay được tiền, bán được hàng chúng ta phải tốt trước đã.
- Có bao giờ anh bị chính doanh nghiệp trong nước cạnh tranh/nói xấu mình ở nước ngoài không?
- Trước đây cũng có đôi lần tôi gặp sự cố, nhưng sau đó tôi rà soát lại toàn bộ, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy tôi đã sớm xác định phương châm sống còn là phải phát triển bền vững. Doanh nghiệp không làm tốt điều đó thì khó tránh được chuyện bị cạnh tranh, bị trả hàng về. Việc bị trả hàng là mất mát vô cùng lớn, không chỉ tốn một mớ tiền khổng lồ để lấy hàng về, mà còn ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu đã bao năm gây dựng.
- Mới đây cuốn sách "Vượt lên những con đường kinh doanh" của anh đã được Nhà xuất bản Novum Publisher London mua bản quyền, phát hành ra toàn cầu. Hình như rất hiếm hoi tác giả Việt Nam làm được điều đó?
- Ngày 26/8/2023, cuốn "Overcoming Business Journeys" đã được Nhà xuất bản Novum Publisher London phát hành cùng lúc tại Anh và các nước Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Áo, Úc, Mỹ. Bên cạnh đó cuốn sách đã được bán rộng rãi trên Amazon. Rất nhanh, cuốn sách đã "cháy hàng", ở nhiều nơi bạn đọc phải đợi cả tháng mới có sách.
Tôi cũng không ngờ cuốn sách của mình được nhiều người quan tâm như vậy, nhờ nó tôi nhận được quá trời lời mời làm diễn giả.
- Ai cũng tò mò anh làm thế nào để thuyết phục được nhà xuất bản nổi tiếng thế giới bỏ tiền ra mua bản quyền, bởi sách viết về kinh doanh thì tràn ngập khắp nơi, còn anh là tác giả rất mới?
- Khi phát hành cuốn thứ nhất tôi không có ý định đó, nhưng sang cuốn thứ hai thì nhiều độc giả phản hồi. Họ nói rằng thấy những cái xấu của mình ở đó, thấy cuộc đời này phũ phàng quá nhưng cũng xứng đáng để bỏ tiền ra mua. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam có độc giả thích cuốn sách thì ở đâu đó trên thế giới gần 8 tỷ người này sẽ có người thích.
Những câu chuyện về đất nước tôi đi qua như Chile, Colombia, Cuba chắc chắn sẽ có ai đó quan tâm.
Nhưng khi tôi nói sẽ giới thiệu sách ra nước ngoài, đại đa số đều nghĩ tôi hão huyền, lãng phí. Có người còn giễu cợt tôi cơ. Tôi nghĩ, cái chính là câu chuyện mình viết ra có hay không mà thôi. Tôi liên hệ với nhiều nhà xuất bản trong nước, ai cũng nói hầu hết chỉ nhập sách nước ngoài về bán chứ chưa bao giờ mang sách Việt Nam ra nước ngoài. Tôi nhận thấy có vẻ như dự định của mình khó khăn đây. Sau đó tôi quyết định cho dịch sách sang tiếng Anh.
Tôi háo hức gửi 10 bản copy cho 10 nhà xuất bản thì 8 nhà từ chối, nói rằng họ ở Đức thì phải gửi bản dịch tiếng Đức chứ sao lại là tiếng Anh? Cũng như nhà xuất bản ở Pháp thì phải có bản dịch tiếng Pháp. 2 nhà xuất bản còn lại có vẻ hứng thú. Chỉ sau 1 tuần, tôi nhận được email từ Nhà xuất bản Novum London cùng với dự thảo hợp đồng. Tôi vui không thể tả.
- Tôi nghĩ nếu như 1 cuốn sách chỉ thiên về dạy làm giàu sẽ không đủ hấp dẫn các nhà xuất bản lớn. Theo anh, điều gì đã khiến Nhà xuất bản Novum nhận thấy "Overcoming Business Journeys" sẽ là một cuốn sách bán chạy?
- Nhiều người tưởng sách của tôi viết về sự nghiệp, tiểu sử, nhưng concept (ý tưởng) của tôi giản dị hơn. Hàng ngày, có nhiều vị khách đến Công ty Phúc Sinh nhưng không nghĩ tôi là Tổng giám đốc, chắc chỉ là quản lý thôi. Tôi cho đó là thành công, vì vậy tôi có dịp đứng từ xa quan sát cuộc sống quanh mình, tôi viết về chuyện làm ăn, chuyện lấy vợ lấy chồng, về những người phụ nữ tôi gặp…
Tôi nghĩ điều đó sẽ mang lại giá trị lâu dài hơn so với những cuốn sách viết về tiểu sử doanh nhân. Có khi 6 tháng hay 1 năm sau, người ta vẫn sẽ tìm đọc lại. Còn các nhà xuất bản nước ngoài thì ngạc nhiên 2 vấn đề: 1 là họ nghĩ rằng Phúc Sinh là công ty lớn, nổi tiếng ở nước ngoài, nhưng khi đọc sách thì hoá ra là những mẩu truyện ngắn nói về những con người Việt Nam nhìn ra thế giới như thế nào.
Thứ 2, họ thấy thú vị khi khám phá góc nhìn từ một tác giả là doanh nhân người Việt Nam – người bắt đầu từ con số 0 để xây dựng công ty chế biến và kinh doanh hàng hoá phục vụ thế giới. Khi tôi làm biên tập với họ, tôi thấy họ rất thích và có nhiều tình yêu với cuốn sách. Họ rất kiên nhẫn với tôi, kiên trì sửa đi sửa lại trong suốt 10 tháng cho đến khi tác giả ưng ý mới thôi. Tôi đã học được ở họ sự tôn trọng tác phẩm và tác giả.
Trong kinh doanh hàng hoá, chúng tôi buôn bán nông sản Việt Nam đến 102 nước và tôi luôn tư duy thế giới phẳng. Việc biên tập sách văn hoá, ngôn ngữ và văn học đã xoá nhoà biên giới.
- Là tác giả mới, tôi đoán sẽ có người chê sách của anh có chỗ chưa hay, anh cảm thấy thế nào?
- Khi tôi phát hành cuốn thứ 2, tôi nhận được nhiều lời phê bình của các cây viết Việt Nam. Họ chê tôi không phải nhà văn, chỉ ra sách còn nhiều lỗi, nhưng tôi biết một cuốn sách in ra không chìm vào im lặng là rất tốt rồi. Hàng ngày tôi thường xuyên va đập với các áp lực, nên lời chê với tôi giống như một lần mình nhìn lại để học, để chỉnh sửa ra một phiên bản tốt hơn nhiều.
- Thế chắc anh cũng có những người ghen tị, bởi không phải nhà văn nào cũng làm được việc đưa sách ra toàn thế giới?
- Tôi có khách hàng trên toàn thế giới, họ rất ngạc nhiên và ấn tượng khi thấy ngoài kinh doanh nông sản tôi còn viết được sách. Ở phương Tây họ rất tôn trọng văn hoá, tri thức, thế nên có khách hàng ở Đức khoe với tôi đã mua toàn bộ số sách đăng bán trên Amazon để tặng cho nhân viên, dù sách không hề rẻ đâu. Giá mỗi cuốn là 21,9 bảng Anh phiên bản cứng và 17,99 bảng Anh phiên bản e-book (tương đương 530.000 – 650.000 đồng - PV). Các nhà sách liên tục phải nhập về thêm.
Tôi nghĩ từ thành công của mình, các nhà quản lý văn hoá, các tác giả sẽ có động lực đưa sách hay của Việt Nam ra toàn thế giới. Việt Nam có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng, nhà văn lớn. Ngay cả nếu có ai đó ghen tị thì tôi cũng rất thông cảm. Tôi không phải nhà văn, không được đào tạo sáng tác bài bản, nên tôi tự hào vì mình đã làm được điều đó.
- Tôi thấy không ít doanh nhân viết sách để "đánh bóng" tên tuổi. Anh thì sao?
- Mỗi người có một ý kiến riêng nhưng cá nhân tôi không suy nghĩ nhiều. Viết để người khác đọc đã khó, để người ta bỏ tiền ra mua còn khó hơn nhiều. Với cuốn sách đầu tay, năm 2017 tôi bán 13.000 bản, thu về gần 1 tỷ đồng và vẫn đang bán lai rai. Cuốn thứ 2 thì bán nhanh hơn, hiện đã đạt gần 10.000 cuốn dù giá bán mắc hơn. Đặc biệt, cả hai cuốn sách đều là sản phẩm kinh doanh thuần tuý, không phải đồ khuyến mại, quà tặng.
Ban đầu tôi viết sách vì muốn chia sẻ những trải nghiệm của mình, nhưng sau đó tôi còn thu hoạch được thêm cả danh tiếng (cười). Rất nhiều người qua cuốn sách biết thêm về cà phê, hạt tiêu của Phúc Sinh và bây giờ tôi đang bán hàng rất chạy. Mọi người đều thích uống Blue Sơn La.
- Anh có bị ảnh hưởng bởi phong cách viết của ai không?
- Bạn là người đầu tiên hỏi tôi câu này đó. Không hiểu sao hàng trăm bài báo đã viết nhưng không ai hỏi tôi điều đấy. Tôi rất thích nhà văn Ernest Hemingway với tác phẩm "Ông già và biển cả". Trong tác phẩm có nhiều đoạn hội thoại, hỏi đáp, sách của tôi cũng có nhiều đoạn như vậy. Tôi thích diễn đạt theo lối hội thoại để lột tả câu chuyện một cách chân thực, sống động.
Một tác phẩm nữa tôi cũng rất thích, đó là "Hành trình nước Mỹ" của nhà văn John Steinbeck. Tôi không hiểu sao một câu chuyện giản dị như thế lại được giải Nobel văn học. Chắc chắn là vì câu chuyện đã chạm đến trái tim của người đọc bởi giá trị nhân văn, sức lan toả mãnh liệt. Rồi cuốn "Một nửa của 13 là 8" tôi đọc đi đọc lại cả chục lần. Tôi nghĩ mình bị ảnh hưởng bởi phong cách viết của những tác giả đó. Không màu mè văn vẻ mà pha trộn sự hóm hỉnh, với nhiều ý tưởng mới mẻ.
- Nhưng nếu theo mãi phong cách đó thì anh có sợ mình nhàm chán không?
- Tôi nghĩ rằng cuộc đời mỗi con người đều có sự thay đổi theo từng giai đoạn. Cuộc sống luôn biến đổi, nó sẽ làm cho thế giới nội tâm và nhận thức của con người thay đổi. Do đó khi làm việc, tương tác, viết văn cũng sẽ không thể giống như xưa được. Cuốn sách đầu tiên người ta bảo tôi tràn ngập tình yêu, sự hứng khởi, nhưng sang cuốn thứ hai thì có cả những nỗi buồn, sự đau đớn, chông chênh.
Nhưng con người phải là như vậy. Không ai vui mãi hay buồn được mãi. Và sự trưởng thành của con người thường được đánh đổi bằng những nỗi buồn. Chúng ta mất đi sự hồn nhiên của tuổi thơ nhưng lại có được sự sâu sắc từ những trải nghiệm.
- Lâu nay anh vẫn được xưng tụng là "vua tiêu", bây giờ nếu gọi là nhà văn thì anh thấy sao?
- Ở nước ngoài, chỉ có 1 từ là "author", tức là tác giả. Có người gửi thư bảo tôi không phải nhà văn. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ nhận mình là nhà văn.
Tôi không sống bằng việc viết lách, làm sao so được với thu nhập từ kinh doanh. Song từ việc viết lách tôi thấy có trách nhiệm hơn với cộng đồng, tôi thường đến các trường học, tham gia một số diễn đàn để chia sẻ kiến thức, trải nghiệm của mình. Nhưng mà bạn biết đó, trên thế giới có nhiều cuốn sách nổi tiếng không phải do nhà văn chuyên nghiệp viết.
Ví dụ tác giả tiểu thuyết kinh điển "Cuốn theo chiều gió" xuất thân là một nữ y tá, nhưng có ai nói cô ấy không phải là nhà văn hay không? Hay là tác giả bộ truyện Harry Porter - một người mẹ bình thường viết hàng trăm bản thảo nhưng đều bị từ chối. Tôi làm business, nhưng tôi thích văn chương, thích những truyện ngắn kể về cuộc sống, qua đó nói lên mong muốn của mình.
- Tôi rất thắc mắc, anh điều hành công ty lớn như vậy thì lấy đâu ra thời gian mà viết sách?
- Đương nhiên rất bận, nhưng khi tôi đã thích điều gì đó thì sẽ cố gắng sắp xếp thời gian cho nó. Ví dụ tôi hẹn trả lời phỏng vấn Dân Việt rồi thì tôi phải sắp xếp và tuân thủ. Trong cuộc sống hàng ngày cũng phải từ bỏ nhiều sở thích. Tôi cực kỳ hâm mộ phim, nhưng một ngày chỉ có 24 tiếng, xem phim hay là viết? Cái nào thích hơn? Cuối cùng tôi chọn ngồi viết.
Bây giờ giới thành đạt có phong trào chơi golf, tennis, nhưng với tôi điều đó thật xa xỉ. Có những năm, tổng thời gian tôi đi công tác nước ngoài 4-5 tháng, ngồi máy bay, ô tô nhiều hơn ở nhà. Thế nên tôi rất quý trọng những khoảnh khắc với gia đình, cố gắng dành thời gian chia sẻ với 3 đứa trẻ. Cuộc sống mà, bạn sẽ phải hy sinh và đánh đổi. Một tuần chỉ có 2 ngày nghỉ, nếu bạn đi chơi golf thì sẽ phải bớt thời gian cho gia đình.
Tôi có những người bạn rất thành công, nhưng lại mất cân bằng cuộc sống gia đình. Bởi họ đã dành tới 9 phần cho công việc, chỉ còn 1 phần ít ỏi cho tình yêu. Tình yêu cũng như cái cây, dù bạn thích nó thật nhưng nếu không dành thời gian quan tâm, không chia sẻ và hy sinh thì nó không bền vững.
Tôi rất thích bán hàng, nên tôi trả nhiều tiền để thuê người quản lý doanh nghiệp, giao bớt việc tiếp khách cho bộ phận bên dưới. Có người hỏi tôi thời gian đâu mà bán hàng nhiều thế? Cả ngày không ngủ à? Tôi ngủ trên internet à? Bạn biết đó, bây giờ ai cũng bán hàng trên app, nên khi ngồi trên ô tô tôi vẫn chốt đơn hàng như bình thường.
- Tôi cảm thấy thế giới anh miêu tả trong sách cũng giống như dòng chảy bên ngoài cuộc sống, rất sôi động, ly kì và cũng đầy khó khăn trắc trở. Đó có phải là những chuyện bản thân anh thường gặp?
- Tôi di cư vào miền Nam và khởi nghiệp lúc 26 tuổi khi trong tay chỉ có mấy chục triệu đồng. Thuận lợi của tôi lúc đó là có chút vốn tiếng Anh và sức khoẻ, niềm tin, hoài bão của tuổi trẻ, không có ai hỗ trợ, không có ai để than thở ngoài bản thân, nên tôi xác định phải chiến đấu thôi. Lúc đó các công ty tư nhân chưa phát triển, cũng không dễ vay ngân hàng như bây giờ.
Nhưng tôi được bạn bè giúp cho vay tiền, đặc biệt là thuyết phục được cả khách hàng ứng trước tín dụng để tôi đi thu mua hạt tiêu. Có lẽ họ nhìn thấy ở tôi tuổi trẻ, hoài bão, tôi luôn muốn vượt lên khó khăn, vươn ra ngoài và họ cũng vậy.
Tôi đã bị phá sản 2 lần. Năm 2001 tôi kinh doanh thì năm 2002 phá sản, không còn xu dính túi. Tôi quyết tâm gây dựng lại thì đến năm 2005 một lần nữa phá sản, ngân hàng gọi đến báo cắt hẳn tín dụng. Thật sự lúc ấy tôi chỉ muốn ngủ luôn, không bao giờ dậy nữa. Tôi sợ phải đối mặt với những áp lực đang đợi mình...
Nhưng sau mỗi lần vấp ngã, tôi học được bài học tốt hơn, tiếp tục chiến đấu bền bỉ hơn. Không ai dạy được các startup điều này. Người ta có thể học các kỹ năng nọ, chứng chỉ kia, nhưng sức chiến đấu thì không phải ai cũng có. Và nếu không có sức chiến đấu bền bỉ thì các bạn không nên startup.
- Việc viết sách đã góp phần quảng bá thương hiệu cà phê, hạt tiêu Phúc Sinh và nông sản Việt Nam. Có vẻ qua tay anh cái gì cũng có thể "sale", trở thành hàng hoá được nhỉ?
- Hôm trước tôi đi làm diễn giả và người ta cũng hỏi tôi câu đó. Viết sách, được độc giả thích đã là một may mắn, thế mà tôi còn bán có lãi nữa. Hay việc chơi tranh cũng vậy, tôi sưu tập nhiều lắm. Tôi không bao giờ bỏ cả đống tiền ra mua tranh chỉ để khoe khoang, mà vì tôi nhìn thấy vẻ đẹp trong bức tranh đó, nhìn thấy value (giá trị).
Tôi tự thấy mình được trời ban cho 2 món quà là có thể cảm nhận cái đẹp, và business sensitivity, nghĩa là nhạy cảm kinh doanh. Có bức tranh tôi mua cách đây 10 năm giá chỉ 2.000 USD, nhưng bây giờ có người trả tôi 130.000 USD. Đó là tranh của Trần Lưu Hậu. Tranh của ông ấy mắc lắm, ai ở Hà Nội cũng muốn có 1 bức của Trần Lưu Hậu.
Không ai bỏ tiền ra một cách lãng phí, đặc biệt là những người đã vất vả làm ra tiền. Tôi quan niệm hội hoạ, cũng như sách có giá trị trí tuệ rất lớn. Cũng giống như thuê nhân viên giỏi thì tôi phải trả nhiều tiền cho họ. Sách là tri thức nên bạn muốn đọc thì phải trả tiền.
- Một ngày của anh thường bắt đầu như thế nào?
- Từ 3 năm trước, tôi bắt đầu quan tâm với việc tập thể dục mỗi sáng. Trước 35 tuổi bạn thấy mình còn nhiều năng lượng lắm, chả quan tâm tới thể dục đâu, nhưng sau 45 tuổi trở đi thì bắt đầu thấy có các vấn đề về sức khoẻ. Vì vậy dù bận tối mắt, tôi vẫn cố dành ra 20-30 phút tập thể dục và thấy mình ăn ngon, ngủ ngon, trong người lúc nào cũng tràn trề năng lượng.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Mặc dù chịu ảnh hưởng của siêu bão số 3 (Yagi) nhưng chỉ số doanh thu bán lẻ, du lịch của nhiều tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng đáng kể.
Thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam cuối năm 2024 sẽ có chuyển biến tích cực, với nguồn cung mới cải thiện đáng kể so với quý 3/2024. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng còn cần nhiều yếu tố để tạo nên kịch bản lý tưởng, hoặc kỳ vọng, thách thức cho thị trường…
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, những tháng cuối năm, TP.HCM sẽ có nhiều gói vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa để ổn định sản xuất, kinh doanh.
Hai đai gia trên thi trường chứng khoán là FPTS và Pinetree bị phạt do vi phạm về công bố thông tin và nhân sự và cấp giao dịch ký quỹ với mã chứng khoán không được phép, lần lượt số tiền là 177,5 triệu và 190 triệu đồng.
Hôm nay 15/10, các nhà mạng sẽ ngừng cung cấp dịch vụ 2 chiều (bao gồm nghe và gọi) đối với các thuê bao còn sử dụng mạng 2G Only. Theo đó, hơn 770 nghìn thuê bao sẽ bị khóa.
UBND TP.HCM đề xuất giữ được lại toàn bộ số thu ngân sách vượt dự toán đối với phần thu chia sẻ giữa Trung ương và địa phương giai đoạn 2026-2030 để làm đường sắt đô thị.