Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tại cuộc họp về vốn điều lệ của công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM (HURC1)
Trước đó, ngày 28/6 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về vốn điều lệ của công ty HURC1.
Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân (UBND) TPHCM; đại diện Bộ Tư pháp, công ty HURC1
Trên cơ sở báo cáo đề xuất của Bộ Tài chính tại văn bản số 615 ngày 15/6 và ý kiến thống nhất của các Bộ, cơ quan và UBND TPHCM, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái kết luận việc bảo đảm nguồn lực để duy trì hoạt động, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tiến độ vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị số 1 của công ty HURC1 là cần thiết, cấp bách.
Phó Thủ tướng giao UBND TPHCM rà soát, quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ của công ty HURC1 cho giai đoạn chuẩn bị trước khi khai thác thương mại phù hợp với tiến độ thực tế của dự án metro số 1 và quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Bộ Tài chính được giao theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về nội dung báo cáo, đề xuất.
Công ty HURC1 trực thuộc UBND TPHCM, có 100% vốn nhà nước. Năm 2015, công ty được thành lập để chuẩn bị trước nguồn lực cùng các điều kiện cần thiết cho quản lý vận hành, bảo dưỡng dự án.
Khi thành lập, công ty được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị văn phòng (kinh phí hoạt động chưa được cấp).
Đến tháng 8/2021, HURC1 đã sử dụng hết kinh phí tạm ứng từ nguồn vốn điều lệ ban đầu.
Từ cuối năm 2021, UBND TPHCM đã nhiều lần đề xuất được bổ sung nguồn vốn cho công ty này. Tuy nhiên, việc bổ sung vốn gặp nhiều vướng mắc vì các quy định liên quan.
Tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thị sát dự án metro số 1 TPHCM và làm việc với lãnh đạo TPHCM.
Tại buổi làm việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TPHCM phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan khẩn trương tháo gỡ về vấn đề vốn cho công ty vận hành tuyến metro số 1 (HURC1).
Đến ngày 13/5/2023, UBND TPHCM đã gửi Bộ Tài chính phương án bổ sung vốn điều lệ cho HURC1.
Theo phương án này, TPHCM sẽ chủ động phân bổ vốn theo nhu cầu của HURC1 từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách thành phố và tình hình tiếp nhận, bàn giao tài sản từ dự án metro số 1.
UBND TPHCM đề xuất mức vốn điều lệ tối đa là 16.802 tỷ đồng, tổng mức vốn điều lệ này không thay đổi so với Đề án thành lập doanh nghiệp và dự kiến lộ trình tổ chức thực hiện như sau:
Trong quý III, UBND TPHCM sẽ cấp vốn điều lệ cho HURC1 với số tiền 268 tỷ đồng (bao gồm 14 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu).
Sau năm 2023 (theo tiến độ tiếp nhận tài sản từ dự án), căn cứ vào hồ sơ quyết toán của các tài sản dự án giao cho doanh nghiệp có tính vào vốn điều lệ, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định điều chỉnh lại mức vốn điều lệ theo giá trị thực tế (không quá 16.802 tỷ đồng).
Ngày 15/6, Bộ Tài chính đã có văn bản về việc điều chỉnh nội dung đề án thành lập công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM gửi Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Trong văn bản này, Bộ Tài Chính đã đồng ý với phương án đề xuất của UBND TPHCM, phương án này cũng được Bộ Tư pháp thông qua tại công văn số 2363 ngày 8/6.
Để đáp ứng yêu cầu vận hành, bảo trì tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), HURC1 cho biết đến cuối năm 2023, công ty này sẽ cần 706 nhân sự. Tuy nhiên, từ khi thành lập năm 2015 đến nay công ty mới có 36 nhân sự và đến nay có 21 người đã nghỉ việc.
Việc Chính phủ cho phép UBND TPHCM quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ của HURC1 sẽ giúp công ty này giải quyết bài toán về kinh phí hoạt động.
Đến nay, tổng khối lượng dự án metro số 1 TPHCM đã đạt là 95,39%. Công tác chạy thử trên toàn tuyến dự kiến sẽ được thực hiện vào tháng 9/2023, khai thác thử toàn tuyến vào tháng 12/2023 . Đào tạo cho nhân viên vận hành hoàn thành vào tháng 12/2023.
Theo tiến độ được đề ra, tuyến metro số 1 TPHCM sẽ được vận hành khai thác thương mại vào năm 2024.
Theo Tiền Phong
Các chuyên gia cho rằng trong các tháng cuối năm, phân khúc đất nền sẽ duy trì xu hướng phục hồi tích cực của quý 3/2024.
Trong số các dự án giải ngân dưới 30% vừa được Bộ Tài chính công bố, nhiều dự án vẫn chưa giải ngân được đồng nào.
Việc đánh thuế bất động sản thứ hai được cho là chưa phù hợp trong bối cảnh hiện tại, khi giá nhà leo thang từng ngày. Theo đó, nhiều giải pháp được doanh nghiệp và chuyên gia “hiến kế” nhằm giảm giá nhà trong ngắn hạn và dài hạn.
Báo cáo thị trường bất động sản quý 3/2024 của Savills Việt Nam đã cung cấp một số diễn biến đang chú ý của phân khúc nhà phố/biệt thự tại TP.HCM sau nhiều quý ghi nhận tình hình hoạt động trầm lắng.
Lãnh đạo Cục thuế TP.HCM cho biết đơn vị đã hoàn thành việc giải quyết nghĩa vụ tài chính cho 15.800 hồ sơ thuế từ ngày 1/8.
Thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp miền Nam được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm 2025 với tốc độ cao hơn năm 2024, là năm chứng kiến nhiều bất ổn kinh tế toàn cầu và thay đổi về chính sách ở nhiều quốc gia.