Sắc đỏ đang là gam màu chủ đạo của chứng khoán thế giới trong phiên ngày 7/3 (giờ Mỹ). Kết thúc phiên giao dịch tại thị trường Mỹ, chỉ số Dow Jones lao dốc 597,65 điểm, tương đương 1,76%; S&P 500 giảm 67,68 điểm, tương đương 1,55%; Nasdaq Compotsite giảm 218,94 điểm, tương đương 1,59%.
Tương tự, tại thị trường châu Âu, một loạt chỉ số hàng đầu như FTSE 100 của Anh, CAC 40 của Pháp, DAX của Đức cũng sụt giảm lần lượt 0,4%, 1,31%, 1,98%. Ngoài ra, chỉ số toàn châu Âu Stoxx 600 giảm 3,91 điểm, tương đương 0,93%.
Ở Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong dẫn đầu khu vực với mức giảm 3,87%, SSE Composite của Thượng Hải giảm 2,17% còn SZSE Composite của Thâm Quyến giảm 3,43%.
Bên cạnh đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2,94% trong khi Topix giảm 2,76%; Kospi của Hàn Quốc giảm 2,29%; S&P/AXS của Australia giảm 1,02%; VN-Index của Việt Nam giảm 0,42%.
Chỉ số MSCI của châu Á - Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản giảm 1,7%.
Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, mọi con mắt của giới đầu tư đều hướng đến các tác động kinh tế mà tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng gây ra.
Rạng sáng ngày 7/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thế giới bất ngờ tiến lên ngưỡng 130 USD/thùng. Giá dầu Brent thậm chí còn tăng vọt lên 139,13 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, trước khi quay trở về ngưỡng 121 USD/thùng.
Theo Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA), việc giá dầu tăng mạnh đã khiến giá xăng tại thị trường Mỹ vượt con số 4 USD/gallon.
Nhóm cổ phiếu năng lượng tại thị trường Mỹ cũng tiếp đà tăng trưởng theo diễn biến của giá dầu. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu ngân hàng là một trong những nhóm suy yếu mạnh nhất.
Hôm 6/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ và các đồng minh đang xem xét ban hành lệnh cấm vận đối với dầu thô và khí đốt tự nhiên của Nga. Nếu được thông qua, lệnh cấm vận này sẽ tạo ra cú sốc đối với nguồn cung năng lượng vốn đang bị bo hẹp trên thế giới.
Trong bức thư gửi đảng viên Đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi mô tả việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga sẽ tiếp tục cô lập quốc gia này khỏi kinh tế toàn cầu.
“Thị trường chứng khoán đang vật lộn với cú sốc nguồn cung hàng hóa. Vấn đề này có thể gây ra tình trạng đình lạm thay vì cú sốc lạm phát thông thường. Diễn biến của cổ phiếu sẽ xoay quanh giá đầu và triển vọng ban hành lệnh cấm vận dầu thô từ Nga”, Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết.
Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng gần 4 điểm cơ bản, lên mức 1,76%. Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng cho thấy nhu cầu trú ẩn tài sản đã giảm đi.