Trong Tết Trung thu, nhiều hoạt động truyền thống như thắp đèn lồng, ngắm trăng, ăn bánh trung thu khá phổ biến ở các nước châu Á. Nhưng mỗi nước lại có những phong tục độc đáo, phản ánh quan niệm riêng về ngày trăng sáng nhất trong năm.
Trung thu được xem là một trong những ngày Tết truyền thống quan trọng bậc nhất đối với người dân Trung Quốc, chỉ xếp sau Tết Nguyên đán. Người Trung Quốc thường được nghỉ ba ngày làm việc trong dịp lễ này.
Tết Trung thu đã có lịch sử hơn 3.000 năm tại Trung Quốc, được bắt nguồn từ phong tục cúng trăng vào mùa thu để tạ ơn mùa màng bội thu. Trong quá trình phát triển Tết Trung thu đã mang nhiều ý nghĩa hơn, bao gồm cả gia đình quây quần bên nhau và cầu mong sức khỏe, hạnh phúc. Người ta cho rằng mặt trăng vào ngày này là sáng nhất và tròn nhất, điều này mang ý nghĩa gia đình đoàn tụ.
Trong tâm thức của người Trung Quốc, hình tròn của mặt trăng tượng trưng cho sự đoàn tụ của gia đình. Bởi thế, ngày Tết Trung thu còn gọi là tết đoàn viên. Trong dịp này, những người đang làm ăn xa đều sắp xếp về quê quây quần ăn tối cùng nhau vào tối Tết Trung thu. Những người ở quá xa quê hương, không có điều kiện về quê thường tụ tập ăn tối với bạn bè.
Ngắm trăng (thưởng nguyệt) là phần đặc biệt quan trọng trong đêm Trung thu của người Trung Quốc. Trăng tròn là biểu tượng của sự đoàn tụ gia đình trong văn hóa Trung Quốc. Người Trung Quốc thường nói, “vầng trăng đêm Trung thu là sáng nhất và đẹp nhất”.
Sau bữa cơm đoàn viên, người Trung Quốc thường đặt bàn bên ngoài ngôi nhà và ngồi bên nhau để ngắm trăng tròn trong khi thưởng thức những chiếc bánh trung thu thơm ngon. Các bậc cha mẹ có con nhỏ thường kể về truyền thuyết chị Hằng Nga bay lên mặt trăng. Sau đó, trẻ em cố gắng hết sức để tìm ra hình dáng của chị Hằng trên mặt trăng.
Trong Trung thu, người Trung Quốc có tục “tế trăng” - phong tục đón Tết trung thu Trung Quốc có từ thời cổ đại. Theo truyền thuyết về Tết Trung Thu, một tiên nữ tên là Hằng Nga sống trên mặt trăng cùng với một chú thỏ dễ thương. Vào đêm Trung thu, người ta bày một bàn tiệc dưới trăng với bánh trung thu, đồ ăn nhẹ, hoa quả, và trên đó có một đôi nến được thắp sáng. Người Trung Quốc tin rằng bằng cách thờ cúng mặt trăng, ước muốn của họ sẽ được chị Hằng Nga (hay còn là nữ thần mặt trăng) thực hiện.
Một trong những phong tục đón Tết Trung thu ở Trung Quốc còn được truyền đến ngày nay là phá cỗ đêm trăng, thưởng thức bánh trung thu. Người Trung Quốc quan niệm hình dạng tròn và hương vị ngọt ngào của những chiếc bánh trung thu (bánh nướng) tượng trưng cho sự trọn vẹn và ngọt ngào. Vào dịp Tết Trung thu, mọi người ăn bánh trung thu cùng với gia đình, hoặc tặng bánh trung thu cho người thân hoặc bạn bè, để bày tỏ tình yêu thương và những lời chúc tốt đẹp nhất.
Một hoạt động khác không thể thiếu được trong khoảnh khắc đoàn viên vào dịp Trung thu của người Hoa, là rước đèn lồng và đặc biệt là múa rồng lửa. Người dân Trung Quốc tin rằng rồng lửa là linh vật mang lại nhiều may mắn và an lành tới mọi gia đình. Họ còn thích treo đèn lồng trước cửa nhà và trên phố trong dịp lễ long trọng này. Bên cạnh đó, còn có lễ rước đèn cho trẻ em với màn múa lân sư rồng và chú tễu nhảy múa náo nhiệt trên phố. Một truyền thống nữa trong đêm Trung thu là viết câu đố trên đèn lồng để mọi người có thể thích giải chúng với bạn bè hoặc gia đình.
Trong thời hiện đại, bên cạnh các hoạt động truyền thống, nhiều người Trung Quốc gửi phong bao lì xì trên WeChat hoặc đi du lịch trong 3 ngày nghỉ lễ để ăn mừng lễ hội.
Như nhiều nước ở châu Á, người Hàn Quốc đón Tết Trung thu vào ngày 15/8 âm lịch hằng năm. Đối với người Hàn Quốc, dịp Tết Trung thu có tên gọi là Tết Chuseok là dịp lễ truyền thống lớn thứ hai trong năm sau Tết Âm lịch. Tết Chuseok cũng là “Tết đoàn viên” của các gia đình Hàn Quốc. Kỳ nghỉ này thường được kéo dài trong ba ngày làm việc để người dân trở về quê hương, quây quần bên gia đình cùng nhau ngắm trăng, vui chơi và thưởng thức các thức vị riêng có vào mùa thu.
Theo truyền thống, Tết Chuseok là dịp lễ vào thời điểm khi những cơn mưa và những đợt nắng nóng gay gắt cuối cùng của mùa hè kết thúc, đất trời chuyển sang thu và mọi người bắt đầu chuẩn bị cho vụ thu hoạch mới. Bởi vậy, người Hàn Quốc cũng coi đây là dịp lễ tạ ơn, cảm tạ tổ tiên vì đã giúp mùa màng no đủ và cầu mong cho mùa màng năm sau bội thu.
Công việc quan trọng nhất trong ngày Tết Chuseok là thể hiện lòng thành kính với tổ tiên theo nghi thức Beolcho và Seongmyo. Vào ngày này, các gia đình người Hàn Quốc sẽ cùng đến phần mộ của tổ tiên để dọn dẹp, làm sạch khu vực quanh mộ. Sau đó, các gia đình sẽ chuẩn bị mâm lễ gồm hoa quả, ngũ cốc và các sản phẩm đã thu hoạch được trong vụ mùa dâng lên cúng tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn.
Đêm trước Tết Chuseok, các gia đình Hàn Quốc lại quân quầy bên nhau để cùng làm món bánh gạo Songpyeon, một trong những món ăn đặc trưng của ngày Tết Chuseok. Bánh Songpyeon được làm bằng bột nếp hình nửa mặt trăng, có nhiều hương vị khác nhau như đậu đỏ, đậu nành, vừng…. và hấp với lá thông tươi. Dù xa xưa hay cho đến thời hiện đại ngày nay, người Hàn Quốc vẫn giữ gìn phong tục cùng nhau làm bánh, thể hiện sự quan trọng của gia đình trong xã hội Hàn Quốc.
Trong những ngày nghỉ Tết Chuseok, người dân Hàn Quốc chơi nhiều trò chơi dân gian như cùng nắm tay nhau xếp thành vòng tròn, múa ganggangsullae dưới ánh sáng của đêm trăng rằm, thi kéo co juldrigi, chơi đấu vật, bắn cung,…
Hiện nay, các phong tục truyền thống của Tết Chuseok vẫn được giữ nguyên vẹn, nhưng Tết Chuseok còn là dịp người Hàn Quốc tặng quà cho người thân, bạn bè, đối tác để bày tỏ sự cảm ơn và trân trọng. Ở các cửa hàng, siêu thị bày bán rất mặt hàng phù hợp để làm quà tặng ý nghĩa từ trái cây tươi, thịt bò chất lượng cao, đồ dùng… theo nhu cầu của mọi đối tượng. Trong cuộc sống hiện đại bận rộn ngày nay, Tết Chuseok cũng trở thành dịp để người dân Hàn Quốc, đặc biệt là giới trẻ, nghỉ ngơi, đến các điểm vui chơi sau khi đã thực hiện các nghi lễ truyền thống bên gia đình.
Tết Trung thu của Nhật Bản còn được gọi là Tsukimi, Otsukimi hoặc Jugoya.
Tết trung thu Nhật Bản gắn liền với sự tích chú thỏ ngọc đang giã gạo làm bánh, họ đón tết trung thu với các cách trang trí và thưởng thức những món ăn truyền thống khác biệt mà chỉ có Nhật Bản mới có.
Khác với ở Việt Nam Nhật Bản còn có dịp trung thu lần 2, trung thu lần 2 được tổ chức vào khoảng ngày 13/9 hằng năm. Họ cho rằng việc chỉ ngắm trăng vào ngày 15 thì sẽ mang đến sự xui xẻo và những điều không may nên việc ngắm trăng vào ngày 13/9 sẽ giúp họ xua đuổi được điều này và đón nhận những điều may mắn nhất.
Ở Nhật Bản lễ hội Trung thu được gọi là Tsukimi - lễ hội ngắm trăng, được tổ chức vào rằm tháng tám (15/8 âm lịch). Ngày lễ ngắm trăng đặc biệt này còn mang một ý nghĩa khác là tạ ơn các vị thần đã ban cho người dân một vụ mùa thật bội thu.
Người Nhật thường dùng loại cỏ lau mang tên là Suzuki tượng trưng cho hiện thân của thần Mặt Trăng tại Nhật để làm vật trang trí chính trong đêm trung thu. Vật trang trí này mang ý nghĩa đem đến sự sung túc và mùa màng bội thu đến cho người dân, xua đuổi các loại ma quỷ và những điều xui xẻo.
Người dân Nhật Bản thường làm loại bánh Dango – một loại bánh gạo có hình tròn trong ngày Trung Thu. Người Nhật quan niệm đây là thứ bánh có thể đem đến hạnh phúc ấm no cho họ vào vụ mùa tiếp theo. Màu trắng và độ tròn của món bánh này cũng tượng trưng cho vẻ đẹp của mặt trăng đêm rằm.
Trong mâm cỗ Trung thu, người Nhật thường đặt 15 chiếc dango để tượng trưng cho ngày 15 của tháng hoặc 12 chiếc bánh để đại diện cho số tháng trong một năm. Ngoài món bánh dango truyền thống, các đặc sản của mùa thu như hạt dẻ, khoai môn, edamame cùng một số loại trái cây khác cũng được người Nhật bày biện trong mâm cỗ Trung thu. Sau khi cúng tổ tiên, cả gia đình sẽ cùng nhau quây quần thưởng trà, ăn bánh dango và ngắm trăng.
Khi không nhìn thấy mặt trăng, lễ hội Trung Thu năm đó được gọi là Mugetsu (không có trăng) hoặc Ugetsu (trăng mưa). Nhưng lễ kỷ niệm vẫn diễn ra bình thường, bao gồm nhiều nghi thức như pha trà, đọc thơ và biểu diễn trống.
Lễ cầu nguyện mặt trăng (tế trăng) ở Thái Lan gắn liền với một sự tích khác xa câu chuyện thường được kể tại Trung Quốc về Hằng bay lên Mặt trăng.
Truyền thuyết kể rằng vào đêm trăng rằm tháng 8, Bát tiên – 8 nhân vật huyền thoại trong văn hóa truyền thống Trung Quốc – đã bay đến Cung trăng để tặng quả đào và chúc mừng sinh nhật đến Quan Âm, vị thần tượng trưng cho lòng nhân từ và nhân ái ở Trung Quốc.
Do đó, các gia đình người Thái gốc Trung Quốc ở Thái Lan thường cầu nguyện dưới trăng và tặng nhau những chiếc bánh hình trái đào.
Tuy nhiên, nhiều hoạt động truyền thống của lễ Trung thu ở Thái Lan vẫn được giữ nguyên so với ở Trung Quốc, như truyền thống ăn bánh trung thu, đặc biệt là loại bánh có hương vị sầu riêng. Một loại thực phẩm thường thấy khác trong dịp lễ này ở Thái Lan chính là quả bưởi, vì hình dạng tròn xoe của nó tượng trưng cho sự đoàn tụ, sum vầy.
Một hoạt động khác nữa là vào ngày trăng rằm, người dân ở quốc gia Đông Nam Á này thường đi thuyền ngắm cảnh trên Vịnh Siam.
Phong tục Tết Trung thu tại Singapore có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc. Nơi đây cũng sẽ có tiết mục múa rồng, các bài hát lễ hội, khiêu vũ và điệu múa văn hóa địa phương. Tuy nhiên, ở Singapore, dịp lễ đặc biệt này còn là cơ hội kết nối giữa các cộng đồng đa sắc tộc, đa văn hóa của Đảo quốc Sư tử, cũng như giữa người dân địa phương với các du khách quốc tế trong không khí lễ hội tưng bừng.
Từ 2 tuần trước ngày rằm, các tuyến phố ở Singapore đã rộn ràng các hoạt động mừng Trung thu và lung linh sắc màu rực rỡ của đèn lồng. Các tuyến phố sầm uất, nhất là tại khu Chinatown, nơi quy tụ đông đảo cộng đồng người Hoa, được trang trí những lồng đèn giấy rực rỡ sắc màu với nhiều hình dáng như những tác phẩm nghệ thuật độc đáo kèm lời chúc ý nghĩa. Tết Trung thu là lễ hội lớn thứ hai tại Chinatown sau Tết Nguyên đán.
Không chỉ khu Chinatown, điểm tham quan nổi tiếng của Singapore Gardens by the Bay còn tổ chức những màn trình diễn nghệ thuật độc đáo Garden Rhapsody với sự kết hợp của ánh sáng theo chủ đề từng năm.
Một trong những hoạt động đặc sắc của Tết Trung thu tại Singapore là hoạt động thắp và rước đèn. Hoạt động rước đèn đã trở thành phong tục quen thuộc của đêm trăng rằm, được cả người lớn lẫn trẻ nhỏ yêu thích. Trong đêm lễ hội, không chỉ người dân mà cả du khách cũng có thể mang theo những chiếc đèn lồng đủ hình dạng, màu sắc đến những tuyến phố ngập ánh đèn, hòa mình vào dòng người tham gia buổi diễu hành Mass Lantern Walk.
Trong Tết Trung thu, người Singapore thường làm bánh nướng để thờ cúng tổ tiên và thưởng thức cùng gia đình sau đó. Ngoài món bánh nướng nhân hạt sen truyền thống, người Singapore ngày nay cũng sáng tạo nhiều loại bánh khác như bánh Trung thu da tuyết (bánh dẻo lạnh) và bánh nghìn lớp kiểu Triều Châu. Đây hiện là hai đặc sản nổi tiếng của Singapore, được nhiều du khách quốc tế yêu thích và chọn làm quà biếu.
Tại Philppines, Tết Trung Thu được tổ chức sôi động và rực rỡ ở thủ đô Manila, nơi có gần một triệu người gốc Hoa sinh sống. Đặc biệt tại khu phố Tàu (Chinatown), Tết Trung thu diễn ra trong hai ngày tại khu phố Tàu với đèn lồng và các biểu ngữ treo rực rỡ khắp phố phường.
Người Philippines gốc Trung Quốc thích chơi Pua Tiong Chiu, trò chơi xúc xắc được cho là có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Người chơi sẽ lăn 6 viên xúc xắc vào một cái bát lớn, người chiến thắng sẽ được nhận phần thưởng là bánh trung thu.
Vào đêm Trung thu, nhiều người mặc trang phục dân tộc cầm những chiếc đèn lồng có hình dáng khác nhau và diễu hành qua các con phố. Múa lân cũng là hoạt động không thể thiếu trong đêm Trung thu ở thủ đô Manila.
Tết Trung thu (còn được gọi là Lễ hội Bánh Trung thu hoặc Lễ hội Đèn lồng) là một trong những lễ hội lớn nhất của người Malaysia gốc Trung Quốc.
Theo truyền thống, nhiều gia đình gốc Trung Quốc ở Malaysia thường làm bánh trung thu với nhiều loại khác nhau. Ngày nay, việc mua bánh trung thu làm sẵn, đóng gói trở nên phổ biến hơn rất nhiều.
Trong Tết Trung thu, người dân gốc Trung Quốc tại Malaysia vẫn giữ nhiều phong tục truyền thống vào ngày rằm tháng Tám như ăn bữa cơm đoàn viên bên gia đình, ngắm trăng, ăn bánh trung thu, diễu hành cùng đèn lồng, múa lân.
Tỉnh Bình Dương phải phấn đấu đạt vị thế thủ phủ công nghiệp hàng đầu Việt Nam, sớm trở thành đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Bình Dương phải thực hiện 3 tiên phong.
Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC) vừa bày tỏ nguyện vọng tham gia những dự án đường sắt quan trọng tại Việt Nam, bao gồm cung cấp các dịch vụ và tư vấn.
Để phục hồi sản xuất sau bão số 3, nhiều nông dân mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn và được vay mới; khoanh nợ, giãn nợ, hoãn trả đối với những khoản vay đã bị cơn bão làm thiệt hại.
Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ IX với chủ đề: "Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lắng nghe nông dân nói" là dịp để nông dân bày tỏ ý kiến, kiến nghị với lãnh đạo.
Theo ông Matsuda Hisashi - Chủ tịch Hội Công Thương thành phố Okayama (Nhật Bản), tình hình lao động tại Nhật Bản đang thiếu hụt, các nhà máy ở thành phố Okayama cần sự hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Long An cùng các doanh nghiệp đưa lao động đến đây làm việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy mạnh ba đột phá chiến lược về thể chế số, hạ tầng số và nhân lực số, nâng cấp nền kinh tế số ở trình độ cao, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam mạnh, có năng lực cạnh tranh toàn cầu…