Theo Sở Công Thương TP.HCM, thành phố vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ học tập năm 2024 - Tết Ất Tỵ 2025.
Chương trình vẫn duy trì mục tiêu chủ động, đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu; sẵn sàng ứng phó những tình huống cấp bách, nhất là khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Thời gian thực hiện chương trình là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 1/4/2024 đến hết ngày 31/3/2025.
So với năm 2023, chương trình mở rộng, bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như: muối, nước uống vào nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; bổ sung các mặt hàng thiết bị điện tử phục vụ học tập (laptop, máy tính để bàn, máy in phun, laser...) vào nhóm các mặt hàng phục vụ học tập; bổ sung nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu: nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy…
Có 69 doanh nghiệp đầu mối (tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023) tham gia chương trình. Phần lớn trong đó là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng.
Chẳng hạn, nhóm các doanh nghiệp phân phối có các nhà bán lẻ lớn nhất cả nước như: Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Central Retail, MM Mega Market, AEON, Fahasa…; hoạt động sản xuất, cung ứng có các doanh nghiệp quy mô rất lớn như: Vinamilk, Nutifood, Vissan, Vinh Phát, Ba Huân, San Hà, C.P Việt Nam, Vissan, Vinamit, Lương thực TP.HCM, Bình Tây, Miliket, Saigon Food, Cholimex, Intermix…
Một số đơn vị lần đầu tham gia chương trình cũng có quy mô và danh tiếng như: Tập đoàn Lộc Trời (mặt hàng gạo), Tổng công ty May 28 (đồng phục học sinh, nước uống), Sapuwa (nước uống), ION LIFE (nước uống), Family Mart (phân phối), Hòa Phát (nước tẩy rửa), Điện Máy Xanh (dụng cụ điện tử phục vụ học tập)…
Lượng hàng bình ổn thị trường năm 2024 tăng từ 4 - 6% so năm 2023; chiếm từ 21 - 32% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 24 - 41% nhu cầu thị trường trong tháng tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Một điểm mới khác của chương trình năm nay là bổ sung hình thức hỗ trợ các đơn vị thực hiện chương trình như: giá thuê mặt bằng, hỗ trợ dịch vụ vận chuyển hàng bình ổn thị trường, hỗ trợ xây dựng thương hiệu… qua đó hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các khâu từ sản xuất, lưu thông đến phân phối hàng hóa. Đồng thời, bổ sung nhiều quyền lợi của doanh nghiệp tham gia như hỗ trợ truyền thông, quảng bá, tôn vinh thương hiệu sản phẩm.
Năm 2024, chương trình kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình, đề án hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh doanh của TP.HCM như kích cầu tiêu dùng, kết nối tín dụng, kết nối cung cầu, khuyến mại tập trung, xúc tiến du lịch…; qua đó nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp TPHCM nói chung, doanh nghiệp bình ổn thị trường nói riêng.
Theo PNO
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.