Thứ sáu, 22/11/2024

Giá gạo tăng liên tục 10 ngày qua, loại gạo dưới 16.000 đồng/kg đã biến mất tại TP.HCM

12/08/2023 2:30 PM (GMT+7)

Giá gạo bán lẻ tại TP.HCM đang tăng vọt từng ngày, thậm chí mỗi ngày mỗi giá. Hệ quả của việc điều chỉnh giá liên tục khoảng 10 ngày trở lại đây là không còn gạo dưới 16.000 đồng/kg tại các đại lý, cửa hàng.

GIÁ GẠO LIÊN TỤC TĂNG

Bà Minh Mẫn - chủ đại lý gạo bên hông chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh cho biết sau khoảng 10 ngày liên tục tăng, hiện không còn loại gạo bán lẻ nào dưới 16.000 đồng/kg. Cán mốc 16.000 đồng/kg hiện nay chỉ có gạo tài nguyên, gạo thơm lài.

“Hai loại gạo này trước đó chỉ 13.000 - 14.000 đồng/kg thôi nhưng hiện đã tăng lên 16.000 đồng/kg. Nửa tháng nay, giá gạo tăng vọt. Các loại gạo bình dân tăng nhiều nhất, tăng thêm tới 3.000 - 4.000 đồng/kg, gạo ngon tăng ít hơn 2.000 - 3.000 đồng/kg. 

Giá gạo tăng liên tục nên chúng tôi không dám đặt hàng trước. Giá ngất ngưởng như thế này, ôm vào lỡ giảm là lỗ nặng”, bà Mẫn nói với Thế Giới Tiếp Thị.

Giá gạo bán lẻ tăng liên tục, loại dưới 16.000 đồng/kg biến mất tại TP.HCM - Ảnh 1.

Giá gạo tại một đại lý ở chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TP.HCM ngày 12/8. Ảnh: Phúc Minh

Giá gạo Việt Nam xuất khẩu lần đầu tiên vượt mốc 600 USD/tấn đã đẩy giá gạo bán lẻ trong nước tăng theo. Bà Mẫn cho biết vài ngày đầu tháng 8, đại lý báo tăng giá, chỉ 500 đồng nên quyết định không tăng giá để giữ khách. Nhưng giá tiếp tục tăng, cứ 500 đồng rồi lên 1.000 đồng, hết gồng nổi. 

“Bây giờ nhập về, bán ra chưa kịp thì giá đã lên. Chẳng hạn, nhập 14.000 đồng, bán 15.000 đồng. Khi hết hàng, gọi mối thì họ đã báo 16.000 đồng. Cứ như vậy làm tiểu thương chúng tôi mệt. Bán buôn kiểu này không lời được bao nhiêu mà còn hồi hộp hơn”, bà Mẫn nói.

Tại một cửa hàng bán lẻ gạo trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, gạo thơm Mỹ 18.000 đồng/kg, gạo thơm Đài 20.000 đồng/kg, tăng 3.000 - 5.000 đồng/kg so với đầu tháng 7. Giá các loại gạo phổ thông cũng nhích tăng 2.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng trước.

Khảo sát thêm tại nhiều cửa hàng bán gạo lẻ khác đều thấy giá gạo tăng so với cuối tháng 7. Giá gạo thơm lài 23.500 - 24.000 đồng/kg, gạo thơm Thái 25.000 - 26.000 đồng/kg, gạo thơm lài Campuchia 27.000 - 28.000 đồng/kg, gạo Tài nguyên Chợ Đào giá 22.000 đồng/kg, gạo thơm Nhật giá 21.000 đồng/kg, gạo tấm Thơm giá 17.000 đồng/kg… Mức tăng phổ biến 1.000 - 3.000 đồng/kg.

Ông Thành - chủ một đại lý gạo tại quận 3, cho biết 10 ngày trở lại đây, giá gạo tăng thấy rõ tại các cửa hàng bán lẻ, đại lý. “Gạo phân khúc 12.000 - 18.000 đồng/kg tăng từ 20-30%. Các loại gạo thơm trung và cao cấp phân khúc 20.000 đồng/kg trở lên tăng ít hơn, tăng từ 10 - 15%”, ông nói và cho biết ngày nào nhiều đại lý gạo cũng đều cắm bảng giá mới.

Giá gạo bán lẻ tăng đẩy các các mặt hàng liên quan gạo như bún, phở, hủ tiếu, bánh tráng tăng giá theo. Tại các chợ truyền thống, các mặt hàng này đều tăng 1.000 - 2.000 đồng mỗi kg. Thậm chí, các cơ sở sản xuất bún còn gặp khó khăn về nguồn cung gạo để sản xuất.

KHÔNG LO THIẾU GẠO

Dù giá gạo bán lẻ tăng nhưng theo ghi nhận, gạo tại các kho, đại lý, cửa hàng bán lẻ ở TP.HCM vẫn ê hề, ít thấy người tới mua. 

Theo các đại lý, sức mua gạo hiện nay không tăng, ít có hiện tượng mua nhiều, dự trữ. Lý giải về việc vì sao giá bán ra tăng dù sức mua thấp, chủ các đại lý cho biết, giá phải nhích tăng do doanh nghiệp đầu mối tăng giá theo giá xuất khẩu.

Giá gạo bán lẻ tăng liên tục, loại dưới 16.000 đồng/kg biến mất tại TP.HCM - Ảnh 2.

Gạo dồi dào tại các siêu thị, giá cả ổn định. Ảnh: Phúc Minh

Khảo sát thêm của Thế Giới Tiếp Thị tại các hệ thống siêu thị cho thấy, khu vực kinh doanh gạo không có biến động, thậm chí ít khách. 

Đại diện MM Mega Market cho biết giá gạo tại hệ thống phân phối hiện nay ổn định. Ngoài gạo của các doanh nghiệp, siêu thị còn có gạo nhãn hàng riêng, do đó, đảm bảo giá ổn định đến tay người tiêu dùng.

Phía Saigon Co.op cho hay nguồn cung và giá cả các mặt hàng gạo tại hệ thống siêu thị vẫn bình ổn. Đơn vị có nguồn dự trữ tốt và đặc biệt đã ký kết dài hạn với các nhà cung cấp gạo.

Sở Công Thương TP.HCM thông tin gạo là một trong những mặt hàng lương thực được bình ổn hàng năm. Từ đầu năm đến nay, gạo bình ổn không điều chỉnh giá, bán thấp hơn thị trường 5-10%.

Sở này đã yêu cầu các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ động triển khai kế hoạch thu mua, dự trữ, bảo đảm nguồn hàng, cung ứng đủ, vượt số lượng đã đăng ký trong mọi tình huống; bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính công bố.

Trong bối cảnh giá gạo diễn biến nóng, các hệ thống phân phối hiện đại tại TP.HCM được yêu cầu phải dự báo nhu cầu thị trường, có kế hoạch thu mua dự trữ và kịp thời cung ứng gạo phục vụ thị trường trong mọi tình huống. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức phải theo dõi diễn biến thị trường, kiểm soát việc chấp hành quy định giá hàng hoá tại các chợ, siêu thị, quản lý giá cả, chất lượng gạo, việc cân, đong gạo, giá cả niêm yết trong phạm vi quản lý.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới đề xuất con đường mang tới tương lai thu nhập cao cho Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Xe buýt trợ giá ở TP.HCM sẽ không sử dụng tiền mặt từ năm 2025

Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Nước mắm truyền thống sẽ biến mất nếu bắt buộc sử dụng muối I-ốt?

Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Sự thật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam chỉ trong 24 giờ

Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Doanh nghiệp FDI, liên doanh chiếm đa số trong bảng 'Những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam'

Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.