Thứ hai, 25/11/2024

Hình dung diện mạo Đà Nẵng khi ga tàu hỏa được dời ra ngoại thành

17/07/2022 6:00 AM (GMT+7)

Sau khi nhà ga đường sắt được di dời, chính quyền Đà Nẵng sẽ có quỹ đất để tái thiết đô thị trung tâm khang trang, hiện đại hơn.

Nhiều chuyên gia kiến trúc đô thị đều có chung quan điểm là Trung ương và thành phố Đà Nẵng cần sớm di dời nhà ga đường sắt ra ngoại thành. Di dời nhà ga đường sắt ra xa trung tâm là xu hướng mà các nước trên thế giới, cụ thể là châu Âu, Bắc Mỹ đã làm khá phổ biến.

"Việt Nam nên tham khảo. Việc di dời ga ra ngoại thành sẽ giảm tải sự chia cắt đô thị ở trong, làm tăng hiệu quả quỹ đất để phục vụ cho việc tái thiết, phát triển thành phố", kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.

Nhà ga mới sẽ tạo đòn bẩy phát triển kinh tế vùng

Theo đồ án quy hoạch, Đà Nẵng sẽ xây dựng ga đường sắt mới tại nút giao thông Bà Nà - Suối Mơ với đường bộ cao tốc; nhà ga hàng hóa tại khu vực Kim Liên để kết nối với cảng Liên Chiểu.

Các chuyên gia nhận định việc lựa chọn xây dựng nhà ga mới ở vị trí trên là quyết định hợp lý. Thực tế hiện nay, khu vực dự kiến xây nhà ga mới đang là những bãi đất trống, ít nhà dân và chưa có công trình kiến cố. Xây nhà ga ở đây sẽ giảm được số tiền đền bù, giải tỏa.

Theo ông Đặng Đức Cường, đại diện của Ngân hàng Thế giới (WB) và cũng là Chủ nhiệm Dự án phát triển bền vững TP Đà Nẵng, dự án nếu được triển khai sẽ mở ra những tiềm năng lớn cho thành phố, tạo điều kiện phát triển khu vực phía Tây, đặc biệt là quận Liên Chiểu.

Việc di dời nhà ga sẽ giải quyết vấn đề giao thông khu vực ven biển kể cả khu vực Sơn Trà, và chỉnh trang lại khu vực nhà ga cũ - nơi có diện tích đất lớn nhất còn sót lại của khu vực đô thị cũ.


Hình dung diện mạo Đà Nẵng khi ga tàu hỏa được dời ra ngoại thành - Ảnh 1.

Nhà ga hiện tại nằm ở đường Hải Phòng, quận Thanh Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Cùng quan điểm, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói nếu nhà ga mới được hình thành thì khu vực phía Tây Đà Nẵng sẽ trở thành một đô thị vệ tinh hoàn chỉnh. Ở khu vực nhà ga hiện tại, ông Sơn khuyên chính quyền Đà Nẵng tận dụng lại để làm đường sắt đô thị, phục vụ giao thông công cộng.

Kiến trúc sư cho rằng chính quyền Đà Nẵng phải nghĩ ngay đến việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng gần nhà ga mới. Đà Nẵng phải tận dụng cơ hội để quy hoạch, xây dựng đô thị xung quanh ga cho xứng tầm.

Theo ông Sơn, ga bây giờ không chỉ là nhà ga đơn thuần mà nó phải là điểm đến, xung quanh có dịch vụ thương mại, khách sạn... Du khách đến ga không nhất thiết vào thành phố liền mà có thể ở khách sạn gần đó để tận hưởng dịch vụ.

"Bên cạnh nhà ga thì phải có thêm các khách sạn để khách xuống ga họ chỉ đi qua đường là có chỗ nghỉ ngơi. Đà Nẵng là đô thị hẹp nên phải tính toán làm sao để có những khách sạn cao tầng ngay bên nhà ga mới. Họ nghỉ ngơi xong thì mới bắt xe vào nội thành làm việc, du lịch", ông Sơn hiến kế.

Về phát triển kinh tế, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho hay việc xây dựng nhà ga mới ở nút giao Bà Nà - Suối Mơ với cao tốc sẽ rất thuận lợi trong việc giao thương, làm đòn bẩy phát triển kinh tế vùng trọng điểm miền Trung.

Cụ thể, hiện nay khu phía Tây Đà Nẵng đã có hệ thống giao thông đường bộ gồm: Quốc lộ 1, cao tốc La Sơn - Túy Loan, Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quốc lộ 14B... Trong tương lai, cảng nước sâu Liên Chiểu sẽ hình thành. Như vậy, khu vực này sẽ có hệ thống giao thông đường sắt, đường biển và đường bộ hình thành.

"Với hệ thống giao thông như vậy thì sẽ rất thuận lợi để phát triển kinh tế, xã hội của Đà Nẵng. Việc lưu thông hàng hóa từ các nơi về Đà Nẵng và ngược lại cũng rất thuận lợi. Cùng với đó, người dân ngoại thành sẽ là công dân đô thị mới", ông Sơn nói thêm.

Nhà ga cũ sẽ thành trung tâm thương mại

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND Đà Nẵng, cho hay việc di dời ga đường sắt ra ngoại thành là chiến lược lâu dài của thành phố. "Nói chung việc triển khai cơ bản đáp ứng, nhưng đây là dự án thuộc quản lý của Bộ GTVT nên thành phố bị phụ thuộc", ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, sau khi di dời ga đường sắt thì thành phố sẽ thực hiện phương án tái thiết khu vực ga cũ, dùng quỹ đất đó kêu gọi nhà đầu tư mới để đầu tư ga mới theo quy hoạch 359. Cụ thể, khu nhà ga cũ sẽ thành một trung tâm thương mại, dịch vụ kết hợp với nút giao thông công cộng lớn của đô thị.

"Ở đây sẽ hình thành một cụm lớn về thương mại, dịch vụ. Trong quy hoạch có những tuyến đường sắt đô thị như tàu điện ngầm… sử dụng lại ga cũ. Nhưng hiện nay chưa rà soát hết được, quỹ đất còn vướng một số doanh nghiệp, đường sắt", ông Tiến thông tin.

Kêu gọi "đại bàng" vào đầu tư

Theo lời ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, do số vốn lên đến hơn 12.000 tỷ đồng, thành phố chưa có tiền nên dự án vẫn "treo" suốt 18 năm qua. Do đó, một phương án mà lãnh đạo địa phương này hướng đến là kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BT, với quỹ đất hoàn trả cho dự án dự kiến tại khu vực nhà ga cũ, khu vực xung quanh nhà ga mới, 2 bên tuyến hành lang đường sắt cũ và quỹ đất khác của TP (theo Nghị định 69/NĐ-CP). Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện các dự án trên các khu đất hoàn trả đó theo đúng quy hoạch của thành phố.

Tại Diễn đàn đầu tư năm 2022 diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Thành ủy, UBND Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ vướng mắc để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư các dự án trọng điểm của thành phố. Tiếp đó, tại hội thảo “Phát triển Đà Nẵng xứng danh thành phố đáng đến và đáng sống", lãnh đạo Đà Nẵng tiếp tục nhắc lại thông điệp trên.


Hình dung diện mạo Đà Nẵng khi ga tàu hỏa được dời ra ngoại thành - Ảnh 2.

Khi nhà ga được di dời, người dân sẽ thoát cảnh sống cạnh đường ray. Ảnh: Đoàn Nguyên.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng với những lợi thế đang có, Đà Nẵng phải mạnh dạn hướng tới "điểm đến hàng đầu, với những trải nghiệm đẳng cấp, khác biệt". Đà Nẵng phải trở thành nơi làm tổ của các đại bàng, nhà đầu tư của những dự án đẳng cấp.

"Phải lựa chọn đại bàng", ông Thiên nói và cho rằng kế sách duy nhất để hấp dẫn "đại bàng" là Đà Nẵng phải xây dựng cơ chế cởi mở, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa, nhiều khi phải hy sinh cái lợi nhỏ để hướng đến cái lợi lớn.

Ông Ngô Viết Nam Sơn cũng đồng ý với quan điểm trên và cho rằng thành phố phải tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư. Giải pháp mà vị chuyên gia này góp ý là Đà Nẵng nên huy động nguồn vốn từ quy hoạch.

"Đà Nẵng đã có quy hoạch chung rồi, bây giờ cần quy hoạch chi tiết, phân khu và sẽ phải tạo điều kiện hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư. Ví dụ như nhà ga đường sắt chuyển ra ngoài thì đường ở trong biến thành đường sắt đô thị. Khu đất 2 bên lúc này tăng giá cũng là cơ hội thu hút đầu tư tham gia dự án. TP Đà Nẵng cũng nên rà soát lại những dự án lâu rồi không triển khai thì thu hồi để tăng quỹ đất cho thành phố", kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nói.


Hình dung diện mạo Đà Nẵng khi ga tàu hỏa được dời ra ngoại thành - Ảnh 3.

Vị trí ga Đà Nẵng hiện tại và nơi dự kiến xây dựng nhà ga đường sắt mới (khoanh đỏ bên trái). Ảnh: Google Maps.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Tư vấn quốc tế chỉ ra lý do Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản đầy hứa hẹn

Tư vấn quốc tế chỉ ra lý do Việt Nam là một trong những thị trường bất động sản đầy hứa hẹn

Báo cáo mới nhất từ công ty tư vấn bất động sản quốc tế Knight Frank nêu bật: Việt Nam là một thị trường bất động sản trọng điểm trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, và khối ngoại đang chú ý nhiều đến Việt Nam

Lại sửa phương án đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Lại sửa phương án đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Lãnh đạo TP.HCM vừa hủy quyết định duyệt dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tức phương thức đối tác công tư, để chuyển sang đầu tư công.

TP.HCM dự chi 7.500 tỷ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2

TP.HCM dự chi 7.500 tỷ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2

TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.

Thị trường bất động sản vẫn đầy chung cư cao cấp, người mua nhà khó tìm ra giá thấp hơn

Thị trường bất động sản vẫn đầy chung cư cao cấp, người mua nhà khó tìm ra giá thấp hơn

Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.

Những dự án bất động sản sẽ được ưu tiên đầu tư ở TP.HCM

Những dự án bất động sản sẽ được ưu tiên đầu tư ở TP.HCM

Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.