Chiều 20/10, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đăng cai tổ chức hội nghị trao đổi, hợp tác giữa các địa phương vùng Đông Nam bộ quý III. Tham dự hội nghị có ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và lãnh đạo UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước cùng đại diện các sở, ngành của các tỉnh vùng Đông Nam bộ.
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phối hợp triển khai thoả thuận hợp tác vùng Đông Nam Bộ quý III, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, có 12 nội dung phối hợp cấp vùng, đến quý III, các địa phương đã thực hiện được 7 nội dung, còn lại 5 nội dung tiếp tục thực hiện trong quý IV.
Cụ thể, các địa phương đã phối hợp triển khai các dự án đường Vành đai 4 TPHCM, Hội chợ du lịch quốc tế TPHCM thu hút hơn 25.000 khách tham quan, triển khai chương trình kết nối cung cầu giữa TPHCM và các tỉnh thành năm 2023, Hội nghị tổng kết đề án phòng chống khai thác cát trái phép vùng biển Cần Giờ và khu vực giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh. Ngoài ra, các địa phương cũng phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Cơ chế đặc thù phát triển vùng Đông Nam bộ: Đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng”.
Về kết quả hợp tác song phương, có tổng cộng có 39 nội dung phối hợp song phương giữa TPHCM và các tỉnh vùng Đông Nam bộ trong năm. Đến hết quý III, đã và đang thực hiện 39/39 nội dung phối hợp.
Về tiến độ đường vành đai 3 TPHCM, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM - cho biết, hiện dự án đáp ứng tiến độ đề ra. Tuy nhiên sang năm dự án này đối mặt với tình trạng thiếu nguyên vật liệu san lấp, làm nền. Đến năm 2024 nếu không có sự hỗ trợ vật liệu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thì tiến độ đường vành đai 3 chỉ đáp ứng được 30 - 40% yêu cầu.
Để dự án đường Vành đai 4 đồng bộ, ông Lâm đề nghị các tỉnh, thành phải thống nhất về quy mô, kỹ thuật và đặc biệt là nguồn vốn, cơ chế thực hiện. Hiện các địa phương trong vùng đang tập trung cho dự án đường vành đai 3 TPHCM và các dự án trọng điểm khác nên chưa cân đối, bố trí được vốn cho vành đai 4.
Do đó, cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chủ trì, làm việc với UBND các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để điều phối, thực hiện cam kết khối lượng cụ thể tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn các tỉnh để phục vụ dự án vành đai 3 TPHCM. Đồng thời kiến nghị các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ ban hành tiêu chuẩn sử dụng cát biển phục vụ các dự án đường bộ cao tốc.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu - cho biết những năm qua, giữa các địa phương trong vùng Đông Nam bộ có sự gắn kết chặt chẽ về mọi mặt, mối quan hệ giữa các tỉnh ngày càng mở rộng. Sự phát triển của từng địa phương làm nên sự phát triển của toàn vùng và sự phát triển của vùng là động lực hỗ trợ sự phát triển của mỗi địa phương góp phần quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Vấn đề liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng ngày càng vô cùng quan trọng.
Kết luận hội nghị, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, những vấn đề các địa phương vùng Đông Nam bộ cần thống nhất để triển khai thực hiện trong tương lai. Đó là các địa phương sẽ cùng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm, cùng nhau đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án vành đai 3 TPHCM, cũng như đảm bảo tiến độ về triển khai dự án đường vành đai 4 TP HCM, tổ chức điều phối nguồn vật liệu xây dựng, đảm bảo cung cấp cho các dự án vành đai, cao tốc.
Các địa phương sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn ngân sách tham gia cho dự án xây dựng đường Vành đai 4 (hỗ trợ các địa phương vùng Đông Nam Bộ 50% vốn, Long An từ 80-90% vốn). Dự kiến sẽ tổ chức buổi làm việc chuyên đề với Bộ Giao thông vận tải trong thời gian từ ngày 10 - 15/11 để thống nhất phương án thực hiện.
Đồng thời, triển khai trình duyệt các chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành hoặc mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, các dự án đường sắt liên kết vùng, cũng như tăng cường kết nối giao thông đường thủy và các nội dung liên quan Quỹ phát triển hạ tầng giao thông vùng. Các địa phương sẽ nghiên cứu để đề xuất, thống nhất các nội dung liên quan đến việc xin cơ chế, chính sách đặc thù vùng Đông Nam Bộ hoặc hướng thực hiện phối hợp trong các lĩnh vực y tế, quy hoạch, hoạt động thương mại du lịch, nông nghiệp và môi trường.
Theo Tiền Phong
Siêu cảng Cần Giờ dự kiến trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế lớn, thúc đẩy kinh tế biển, tạo hàng ngàn việc làm và nâng tầm vị thế vận tải biển Việt Nam, tạo ra 6.000 - 8.000 việc làm cho người lao động.
Aqua City mới tổ chức sự kiện bàn giao nhà cho cư dân và cập nhật tiến độ xây dựng tiện ích tại phân khu River Park 2 vào ngày 8/12. Cũng trong dịp này, Fiesta 1 Clubhouse quy mô bậc nhất trong dự án đã được đưa vào vận hành phục vụ cư dân.
Giá bất động sản liên tục tăng phi mã khiến giấc mơ sở hữu nhà ở của người dân trở nên khó khăn. Ngay cả nhóm thu nhập cao cũng khó lòng có thể mua nhà.
Nhiều thách thức cho chủ đầu tư và nhà môi giới trong thị trường bất động sản Việt Nam giai đoạn 2022 - 2024. Ngoài ra, những bất ổn về tài chính và pháp lý gây ra khó khăn cho doanh nghiệp.
UBND TP.HCM đã mời gọi đầu tư vào 2 dự án và xúc tiến đầu tư vào 5 khu đất, mục đích tăng nguồn cung nhà ở xã hội, phục vụ nhu cầu an cư cho người lao động.
Đường Hoàng Hoa Thám hiện đang ngổn ngang do thi công dự án. Việc này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trong khu vực, đặc biệt là khi Tết gần đến.