Cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng, khi sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, cần xem chiết khấu như "phí xăng dầu" mà doanh nghiệp bán lẻ thu hộ. Đồng thời là công cụ để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới.
Tại hội thảo góp ý sửa đổi dự thảo Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 14.2, ông Giang Chấn Tây - chủ một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở tỉnh Trà Vinh cho biết, cơ quan quản lý nhà nước cần xác lập vị thế của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cao hơn, đảm bảo chuỗi cung ứng xăng dầu trên toàn quốc để phục vụ nhu cầu người dân.
Lý do ông đưa ra là cộng đồng bán lẻ tư nhân hiện đang chiếm thị phần lớn trong chuỗi cung ứng, phủ khắp vùng sâu vùng xa, mà doanh nghiệp nhà nước không thể kham nổi hết.
Ông Tây cho rằng, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thường xuyên bị thua lỗ do không có chiết khấu, thậm chí có thời điểm chiết khấu âm lên tới hơn 1.300 đồng/lít.
Do vậy, khi sửa đổi Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu, ông cho rằng, cần xem chiết khấu như "phí xăng dầu" mà doanh nghiệp bán lẻ thu hộ; là công cụ để doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hoạt động trong mọi tình huống biến động của giá dầu trên thị trường thế giới.
"Phần chiết khấu tối thiểu là phần cứng và là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu được đề xuất trong công thức giá cơ sở, nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động của cả hệ thống kinh doanh xăng dầu được ổn định, công bằng.
Phần chiết khấu còn lại là sự cơ động, linh hoạt của các nhà cung cấp để cạnh tranh giành thị phần. Đây chính là phần thị trường và là phần tăng thêm được hưởng của doanh nghiệp bán lẻ", ông Tây nói và cho biết, cần quy định chiết khấu tối thiểu không dưới 5-6%/giá bán lẻ.
Ngoài ra, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng, việc cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn sẽ tăng tính cạnh tranh về chiết khấu, đảm bảo được cho doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng và hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị đứt gãy nguồn hàng.
"Sự thay đổi này trước mắt sẽ đảm bảo đủ các chi phí phát sinh được đưa vào trong giá vốn kinh doanh theo diễn biến thị trường. Giải quyết căn cơ vấn đề doanh nghiệp đầu mối quan tâm là giá nhập về cao hơn giá bán lẻ, hệ luỵ kéo theo việc doanh nghiệp đầu mối cắt chiết khấu cho khâu bán lẻ", ông nói.
Ông Hà Thanh Tùng - đại diện một doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở tỉnh Hà Giang cho hay, nhóm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu hiện có 950 thành viên, có trên 9.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, chiếm 53% số cửa hàng bán lẻ trên cả nước (17.000).
"Mặc dù tên là doanh nghiệp bán lẻ, nhưng chúng tôi có giá trị tài sản rất lớn. Tính bình quân xuất đầu tư 10 tỉ đồng mỗi cửa hàng, tổng tài sản ước tính là 90.000 tỉ đồng (gấp 1,5 lần tổng tài sản của Petrolimex (dữ liệu báo cáo tài chính năm 2020 công khai trên mạng).
Bình quân mỗi cửa hàng tối thiểu 3 nhân viên, tổng số việc làm do doanh nghiệp bán lẻ tạo ra là 27.000 người, thu nhập mỗi năm là 3.240 tỉ đồng", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, do không có chiết khấu, nên thời gian qua, doanh nghiệp bán lẻ thua lỗ nặng nề. Qua thống kê của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ, lúc cao điểm, cộng đồng doanh nghiệp lỗ đến 900 tỉ đồng/tháng. Tính từ tháng 3.2022 đến nay, ước số lỗ có thể lên đến 3.000 đến 4.000 tỉ đồng.
"Chúng tôi hiểu rằng kinh doanh có lúc này, lúc khác, khó khăn chia sẻ, nhưng việc đó diễn ra 1-2 tháng thì chấp nhận được, nay kéo dài cả năm thì không thể gồng được.
Việc thua lỗ này không phải do doanh nghiệp bán lẻ không biết kinh doanh mà do cơ chế điều hành giá chưa phù hợp. Cũng là thương nhân kinh doanh xăng dầu, có thương nhân đầu mối sau khi được điều chỉnh chi phí, quý 4.2022 lãi lên đến gần nghìn tỉ đồng; Còn thương nhân bán lẻ không được hỗ trợ, lỗ đến cả nghìn tỉ đồng, thậm chí đứng trước nguy cơ phải xin rút giấy phép kinh doanh, do không thể tiếp tục gồng mình chịu lỗ.
Nếu tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài, sức chịu đựng của doanh nghiệp bán lẻ có hạn. Toàn bộ 9.000 cửa hàng bán lẻ buộc phải xin rút giấy phép và ngừng kinh doanh. Khi đó chuỗi cung ứng trên toàn quốc đứt gãy trên 50% sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế", ông nói.
Do vậy, ông đề nghị Ban soạn thảo Nghị định 95 cần ghi nhận lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức ở khâu bán lẻ một cách hợp lý, đảm bảo không có sự "phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp".
Cụ thể, chi phí kinh doanh định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh (gồm: Khâu nhập khẩu; khâu phân phối; khâu bán lẻ chi phí định mức dành riêng cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 3 - 3,5% nhân với giá bán lẻ trước thuế tại thời thời điểm bán ra).
Lợi nhuận định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có lợi nhuận kinh doanh (gồm: Khâu nhập khẩu; khâu phân phối; khâu bán lẻ lợi nhuận định mức dành riêng cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 2 - 2,5% nhân giá bán lẻ trước thuế tại thời thời điểm bán ra).
"Giải quyết được mức chiết khấu tối thiểu dành cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu sẽ khắc phục được các hạn chế nêu trên, đảm ổn định chuỗi cung ứng, thị trường ổn định, không còn xảy ra tình trạng các cửa xăng dầu ngừng kinh doanh như hiện nay", ông nói.
Theo Lao động
Thời gian qua, giá thuê bất động sản bán lẻ có xu hướng tăng trưởng nhờ tình hình hoạt động tốt của các chuỗi thương hiệu F&B, trung tâm vui chơi trẻ em...
Là dự án trọng điểm quốc gia, tổ hợp hóa dầu Long Sơn (LSP) tại Vũng Tàu với tổng đầu tư hơn 5 tỷ USD phục vụ cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Bình Chánh (TP.HCM) đã ký phê duyệt 105 gói thầu đầu tư công có tỷ lệ tiết kiệm ngân sách ở mức dưới 1%, với nhiều gói trong đó chỉ có 1 đơn vị tham gia.
Công ty TNHH Giao nhận - Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) thuộc THACO của ông Trần Bá Dương vừa đóng gói lô thiết bị xuất khẩu sang Khu liên hợp Snuol ở Campuchia. THILOGI dự kiến đến hết năm 2024 sẽ vận chuyển xuyên biên giới hơn 38.000 con bò và gần 44.000 tấn thức ăn chăn nuôi.
Nhiều quỹ mở đang đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt hiệu suất cao hơn nhiều so "thước đo" VN-Index của thị trường. Đặc biệt, có quỹ ghi nhận cao gấp đôi mức tăng của VN-Index.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Việt Nam tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng 8. Theo Tổng cục Thống kê, nguyên nhân chính là do giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu của siêu bão Yagi (bão số 3).