Thứ tư, 26/06/2024

Tỉnh giáp TP.HCM thúc đẩy liên kết vùng đón sóng đầu tư

27/05/2024 1:45 PM (GMT+7)

Thời gian gần đây, Long An nằm ở vị trí cửa ngõ của Đồng bằng sông Cửu Long và giáp TP.HCM liên tục tăng cường đầu tư vào hạ tầng giao thông. Đây là yếu tố góp phần giúp tỉnh tiếp tục thu hút nhiều vốn đầu tư.

Ngày 25/5 tại huyện Đức Hòa giáp TP.HCM, Tập đoàn Thái Tuấn khởi công xây dựng nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt với diện tích đất sử dụng hơn 360.000m2, quy mô 180 triệu mét vải/năm (tương đương 36.000 tấn sản phẩm). Dự án với tổng vốn đầu tư trên 12.800 tỉ đồng. Nhà máy đặt tại Khu công nghiệp Đức Hòa III.

Tỉnh giáp TP.HCM thúc đẩy liên kết vùng đón sóng đầu tư  - Ảnh 1.

Bộ sưu tập "Môi Trường Xanh" của Thái Tuấn ra mắt tại Lễ khởi công nhà máy ngày 25/5/2024. Nguồn: báo Long An

Tại sự kiện, Thái Tuấn công bố tài trợ 5 tỉ đồng hỗ trợ kinh phí làm đường giao thông nông thôn cho huyện Đức Hòa.

Ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết tỉnh có lợi thế là địa phương nằm ở cửa ngõ của TP.HCM liền kề khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Long An là nút giao thông quan trọng trong việc giao thương hàng hóa và là điểm thu hút đầu tư hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp trong nhiều năm qua, và Thái Tuấn cũng không ngoại lệ.

Lãnh đạo tỉnh cam kết tiếp tục đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để Long An thật sự là điểm đến tin cậy, an toàn và nhiều cơ hội để các nhà đầu tư tiếp tục gặt hái những thành tựu mới.

Long An thu hút mạnh vốn đầu tư 

Trước Thái Tuấn vài ngày, đoàn công tác của Hiệp hội Hữu nghị Yamanishi – Việt Nam và doanh nghiệp tỉnh Yamanishi (Nhật Bản) đến tìm hiểu môi trường đầu tư, khảo sát thực tế và kết nối giao thương tại Long An. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Trần Văn Tươi cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành làm việc với đoàn.

Theo thống kê của tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, Long An cấp phép 34 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 212 triệu USD, tăng 64,6 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.292 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 11,2 tỉ USD.

Đoàn bày tỏ mong muốn nhu cầu tìm hiểu môi trường, đầu tư lĩnh vực công nghiệp chế biến trái cây, chế tạo, đào tạo nguồn nhân lực… Họ muốn được Long An quan tâm tạo điều kiện để các doanh nghiệp tìm hiểu môi trường đầu tư của tỉnh; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp khi quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.

Ông Tươi cho biết, Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 4 về đầu tư tại Long An với 149 dự án, tổng vốn đầu tư là 938 triệu USD. Các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại tỉnh Long An luôn thể hiện uy tín với công nghệ tiên tiến và tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.

Trong 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đang đầu tư tại tỉnh, Singapore đang đứng đầu với hơn 4,2 tỉ USD. Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai, Hàn Quốc thứ ba, Nhật Bản thứ tư. Kế sau đó là các nhà đầu tư đến từ Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc và Mỹ.

Tăng kết nối giao thông với Long An

Chính phủ và Long An đang ưu tiên triển khai các giải pháp khơi thông hạ tầng. Hiện nay, các dự án như đường Vành đai 3, cao tốc Bến Lức - Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, và trong tương lai gần sẽ là sự xuất hiện của tuyến đường Vành đai 4.

Tỉnh giáp TP.HCM thúc đẩy liên kết vùng đón sóng đầu tư  - Ảnh 3.

Thi công đường Vành đai 3 đoạn qua Long An trong tháng 4/2024. Ảnh: báo Long An

Theo Sở Giao thông Vận tải Long An, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Long An, đến nay tiến độ đạt 32%. Nhìn chung, tỉnh đã cơ bản hoàn thành so với kế hoạch, các mốc tiến độ yêu cầu của Chính phủ, theo báo Long An.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM là dự án trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài giai đoạn 1 gần 76km đi qua TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỉ đồng. Đoạn qua Long An có chiều dài 6,84km.

Long An nằm ở vị trí cửa ngõ của TP.HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất Việt Nam, phía Đông có cảng biển ra cửa sông Soài Rạp, cách Biển Đông 15 km, phía Tây có các cửa khẩu sang Campuchia, một vị trí rất thuận lợi cho việc tiếp cận đầu tư vào các thị trường trong khu vực.

Ngoài ra, cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 58km sẽ đi qua tỉnh Long An, TP.HCM và Đồng Nai. Quý I năm 2025, dự kiến sẽ thông xe 21km cao tốc đoạn từ TP.HCM đi Long An. Theo ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của nền tảng Batdongsan.com.vn, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành sau khi hoàn thiện sẽ tiết kiệm thời gian di chuyển từ Long An đến Đồng Nai và các tỉnh khu Đông Nam bộ ít nhất 45 phút.

Trước đây, cần ít nhất 3,5 tiếng để đi từ Long An qua Đồng Nai do phải đi xuyên qua TP.HCM với lưu lượng xe đông và kẹt xe kéo dài. Sau khi tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành hoàn thiện cùng với việc khép kín đường Vành đai 3, thời gian di chuyển sẽ rút ngắn còn khoảng 2 giờ.

Bên cạnh các tuyến đường quốc gia quan trọng, Long An và TP.HCM đang tiến hành triển khai nhiều dự án giao thông vừa và nhỏ nhằm đảm bảo tính đồng bộ và thông suốt cho mạng lưới giao thông. Điển hình là trục đường Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, tiếp giáp gần với cao tốc TP.HCM - Trung Lương và Vành đai 3 TP.HCM. Đoạn này bắt đầu từ cửa khẩu Mỹ Quý Tây và kết thúc tại nút giao Mai Bá Hương (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Đoạn đường Lương Hòa - Bình Chánh dài 4,5km, với lộ giới 60m, hiện được triển khai và dự kiến hoàn thành vào năm 2025, với tổng vốn đầu tư ước tính hơn 2.270 tỉ đồng. Đường Lương Hòa - Bình Chánh giữ vai trò rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển từ TP.HCM về Long An, giảm tải cho Tỉnh lộ 10 đã quá tải và thường xuyên ùn tắc. Tuyến đường này đi qua nhiều khu vực được quy hoạch phát triển công nghiệp, đô thị.

Ngoài ra, Quốc lộ 50B có tổng đầu tư 18.600 tỷ đồng, kết nối trực tiếp TP HCM - Long An - Tiền Giang với đoạn qua Long An dài 35 km. Đây là đại dự án quan trọng bậc nhất khu phía Đông tỉnh Long An khi đi qua 4 huyện là Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành. Dọc tuyến đường là ba cây cầu lớn bắc qua sông Cần Giuộc, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.

Tỉnh giáp TP.HCM thúc đẩy liên kết vùng đón sóng đầu tư  - Ảnh 4.

Quốc lộ 50B nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang. Đồ họa: báo Long An

Tuyến đường dự kiến khởi công trong năm nay và hoàn thiện giai đoạn một vào năm 2026. Khi hoàn thành, Quốc lộ 50B sẽ là trục động lực mới, kết nối lưu thông hàng hóa từ các tỉnh miền Tây về TP HCM và ngược lại, giúp giảm tải áp lực cho Quốc lộ 1.

Ngoài ra, với vị trí qua nhiều con sông lớn, tuyến đường mở ra hướng kết nối cửa ngõ quốc tế bằng đường biển, gồm cảng Hiệp Phước (TP.HCM), cụm cảng Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), cảng Quốc tế Long An và đường hàng không - dự án sân bay quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn


Đóng cửa nơi sản xuất nhỏ nhất, 'đại gia' bia vẫn còn nhà máy lớn nhất Đông Nam Á

Đóng cửa nơi sản xuất nhỏ nhất, 'đại gia' bia vẫn còn nhà máy lớn nhất Đông Nam Á

Heineken vừa mới tạm dừng hoạt động nhà máy bia Heineken Quảng Nam để tìm giải pháp tối ưu cho tài sản. Tập đoàn vẫn còn nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á với công suất xuất xưởng tới 12 triệu lon mỗi ngày.


Người dân TP.HCM “dễ thở” hơn nhờ có camera theo dõi, xử phạt đổ rác trộm

Người dân TP.HCM “dễ thở” hơn nhờ có camera theo dõi, xử phạt đổ rác trộm

Nhiều địa phương ở TP.HCM đã lắp hàng trăm camera theo dõi tình hình đổ rác trộm trên địa bàn mình sinh sống. Một người dân ngụ tại quận Phú Nhuận bày tỏ với phóng viên: “Nhiều tháng qua không khí trong lành hẳn lên, hết mất ăn mất ngủ vì suốt ngày đi rình người ta... đổ rác trộm".

Thêm nhiều đường bay, máy bay mới phục vụ hè

Thêm nhiều đường bay, máy bay mới phục vụ hè

Bước vào cao điểm hè, các hãng hàng không đang tích cực chạy đua mở đường bay, thuê tàu bay mới để tăng cường phục vụ hành khách.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi áp thuế GTGT 5% đối với phân bón

Chuyện gì sẽ xảy ra khi áp thuế GTGT 5% đối với phân bón

Theo Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế thì mặt hàng phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT). Hiện, Quốc hội đang xem xét đề xuất chuyển phân bón về diện chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Đang có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này.

Kinh tế đồ uống và Euro 2024

Kinh tế đồ uống và Euro 2024

Lần gần nhất Đức đăng cai một giải bóng đá là World Cup 2006, giải đấu đó thành công rực rỡ về mọi mặt xã hội, kinh tế, dân sinh, được người Đức gọi là “câu chuyện cổ tích mùa hè”. Nhưng Euro 2024 này không được xem như “câu chuyện cổ tích mùa hè” như cách đây 18 năm.

Quản lý giết mổ: nỗi lo an toàn thực phẩm.

Quản lý giết mổ: nỗi lo an toàn thực phẩm.

73% cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trên cả nước không được kiểm soát, dẫn đến nhiều sản phẩm chăn nuôi kém chất lượng được tuồng ra thị trường, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.