Tại cuộc họp Chính phủ vào ngày 21/2/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê bình các bộ, địa phương giải ngân chậm vốn đầu tư công.
Kết quả giải ngân đầu tư công chỉ dưới 70% khiến ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM phải tự hạ một bậc thi đua. Nhưng, những “liều thuốc” đó dường như vẫn chưa đủ mạnh. Nhiều dự án giao thông đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn vẫn ì ạch, làm khổ người dân tại thành phố được xem là năng động nhất cả nước này.
Những ngày qua, nhiều tài xế chở hàng vào cảng Cát Lái không khỏi thắc mắc vì sao tuyến đường Đồng Văn Cống đã có dự án mở rộng nhưng hơn 2 năm qua thi công mãi không xong.
Dọc hai bên tuyến, đoạn từ cầu Giồng Ông Tố đến nút giao Mỹ Thủy, hai bên đường đã từng được cào xới để mở rộng, nhưng sau đó lại đột ngột nằm im. Một số đoạn nhà thầu đã tập kết vật liệu, mở rộng được một đoạn ngắn, công trường ngổn ngang, lởm chởm cát đá. Để ngăn các phương tiện chạy vào khu vực chưa mở rộng, nhà thầu lấy các cục bê tông để ngăn làm dải phân cách tạm.
“Ban ngày đi còn thấy mà tránh, ban đêm đi đường này rất nguy hiểm. Đường vào cảng Cát Lái lúc nào xe cũng đông, không hiểu sao dự án làm hoài không xong”, anh Minh Chiến, một tài xế bức xúc.
Dự án mở rộng đường Đồng Văn Cống do Ban quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) làm chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 2,8km, mở rộng mặt đường thêm 7m, tăng thêm 2 làn xe lưu thông mỗi bên. Được khởi công vào tháng 2/2020, thời gian triển khai 180 ngày, tức đến tháng 8/2020 phải hoàn thành. Công ty Cổ phần Lạc An là đơn vị đã trúng thầu dự án với tổng mức đầu tư hơn 33 tỷ đồng.
Trước đó, trao đổi với PV, đại diện nhà thầu cho biết, nguyên nhân chậm là trong quá trình thi công phát hiện nền đất quá yếu, phải đóng cừ bổ sung. Thiết kế ban đầu dự kiến đóng cừ 0,8m nhưng thực tế hiện trường đòi hỏi phải đóng cừ 2,65m, dẫn đến chi phí xây dựng tăng lên gấp đôi. Trong khi đó, đơn giá thanh toán phần phát sinh thêm biện pháp thi công này không có.
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Hùng, Phó giám đốc Ban Giao thông xác nhận, dự án bị tạm ngưng vì có nhiều nguyên nhân, trong đó có các yếu tố kỹ thuật như nền đất không đồng nhất, nhiều đoạn đất yếu nên phải xử lý cho từng đoạn, tăng khối lượng thi công nên vốn đầu tư bị tăng lên.
Với trách nhiệm là đơn vị quản lý Nhà nước, Sở GTVT TP.HCM đã đi kiểm tra và có nhiều văn bản nhắc nhở chủ đầu tư, nhà thầu, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Tuy vậy, cơ quan này cũng đành bất lực trước sự chây ì của nhà thầu Lạc An và sự quản lý yếu kém của Ban Giao thông.
Quá bức xúc, mới đây Sở GTVT đã có văn bản kiến nghị UBND TP giao Thanh tra TP tổ chức thanh tra toàn diện dự án; xem xét, xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan; báo cáo kết quả và tham mưu, đề xuất UBND TP giải pháp xử lý để đảm bảo hoàn thành công trình trong năm 2023.
Ông Hà Ngọc Trường, Phó chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho rằng, với một dự án trọng điểm nhưng thi công ì ạch đã kéo theo hệ lụy ùn ắc, kẹt xe vào cảng lớn nhất cả nước. Dự án đã chậm 27 tháng, thiệt hại rất lớn về kinh tế.
Theo ông Trường, chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan cần phải căn cứ vào hợp đồng và phải cương quyết xử lý nghiêm, thậm chí chấm dứt hợp đồng đối với các nhà thầu thi công ì ạch. Đồng thời, cần có cơ chế thưởng phạt nhà thầu thi công, xử lý nghiêm trách nhiệm những người đứng đầu đơn vị, sở, ngành không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Một dự án giao thông trọng điểm khác ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM cũng do Ban Giao thông làm chủ đầu tư là dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Được khởi công tháng 4/2020 dự kiến hoàn thành vào quý 4/2023 nhưng đến nay, khối lượng thi công thực tế chỉ đạt khoảng 34,12%. Toàn công trường im ắng, sắt thép hoen gỉ vì phơi mưa nắng.
Liên tục nhiều ngày có mặt tại công trình, PV Báo Giao thông ghi nhận cả công trình không có công nhân làm việc. Phía miệng hầm bị bịt kín bằng 1 tấm tôn sau khi đơn vị thi công chống giằng 4 cây thép. Sau nhiều ngày mưa, cả khu vực trước miệng hầm biến thành bể chứa.
Giữa 2 vách tường vây, sắt thép dùng làm dầm giằng tập kết ngổn ngang không khác gì một bãi sắt thép phế liệu. Bên ngoài vị trí thi công hầm, các cấu kiện bê tông đúc sẵn cùng với cọc bê tông tập kết thành từng cụm rải rác dọc mép rào ngăn cách với làn đường Nguyễn Văn Linh. Xung quanh vị trí các xe cẩu, cỏ mọc xanh tốt, leo phủ cả vào vách rào công trình.
Bà Lệ Ngọc (52 tuổi), người dân trong khu vực cho biết: “Suốt nhiều tháng qua không thấy công nhân thi công tại công trình. Thi thoảng có người đến ngó nghiêng một lúc rồi đi. Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ vào giờ cao điểm thường xuyên ùn tắc nhưng hầm chui thi công kiểu này không biết đến bao giờ mới xong”.
Mới đây, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đã có chỉ đạo liên quan đến dự án hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Theo ông Bùi Xuân Cường, hiện nay tiến độ thẩm định, phê duyệt, thiết kế dự toán bồi thường di dời tái lập hệ thống cấp nước đã rất chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án trọng điểm này. Do đó, yêu cầu Sở Xây dựng TP.HCM phải chịu trách nhiệm do chưa thực hiện đúng chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
Dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ có tổng mức đầu tư hơn 830 tỷ đồng, chiều dài khoảng 480m, bao gồm đường dẫn hai đầu hầm và hầm kín. Đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP Phát triển XD và TM Thuận An (Hà Nội) - Tổng công ty Thăng Long (Hà Nội) - Công ty Cổ phần Hải Đăng. Hiện, nhà thầu đã triển khai thi công hầm chui bên trái tuyến (từ Bình Chánh đến quận 7). Cơ bản đã làm xong phần hầm hở, nhưng còn vướng mặt bằng.
Ông Thái Trường Giang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hải Đăng, cho biết phần việc của công ty là đã thi công một phần hầm chui bên trái tuyến. Còn lại đang vướng đường điện, ống nước chưa giải phóng mặt bằng được. Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư là Ban Giao thông. “Chỉ cần xong mặt bằng là chúng tôi thảm nhựa ngay”, vị này khẳng định.
Nhiều cây cầu, con đường làm mãi không xong, trong khi người dân phải "ngóng" dài cổ mà chẳng hiểu lý do vì đâu.
Dự án mở rộng, nâng cấp đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) do Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư chậm tiến độ nhiều năm khiến người dân phải khổ sở mỗi khi phải đi qua đoạn đường này.
Năm 2015, TP.HCM khởi công dự án nâng cấp đường Lương Định Của (TP Thủ Đức) dài 2,5km, từ đường Mai Chí Thọ đến nút giao Trần Não, tổng mức hơn 800 tỷ đồng, với thiết kế mở rộng từ 7- 8 m lên 30m, có 6 làn xe. Tuy nhiên, dự án trễ tiến độ hơn 5 năm.
Ghi nhận thực tế cho thấy, mỗi khi lưu thông qua tuyến đường, người dân phải di chuyển rất chậm. Nhiều đoạn bị rào chắn để thi công khiến mặt đường bị thu hẹp chỉ còn khoảng 6m, như nút thắt cổ chai.
Bà Thuỳ Trang, ở TP Thủ Đức phản ánh: "Dự án được đầu tư cả trăm tỷ nhưng thi công quá chậm. Người dân mong từng giờ dự án thi công xong, nhưng từ lức khởi công đến nay việc đi lại của người dân càng gặp khó khăn nhiều hơn”.
Tương tự, ông Bá Tấn, một người dân gần khu vực đường Lương Định Của cho biết, luôn phải chọn tuyến đường khác để đến chỗ làm, dù xa hơn.
Được biết, nhà thầu đang thi công tại đây là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng Giao thông T&T (Công ty T&T).
Sáng 16/2, tại đoạn giao cắt với đường Trần Não, có diện tích lên đến gần 2.000m2, ghi nhận cho thấy chỉ có 2 công nhân làm việc. Một người dùng cuốc cào đất xuống lấp đường ống kỹ thuật trong khi xe máy cuốc đất cách đó vài mét không hoạt động.
Một lúc sau, 2 xe lu và 1 xe ủi mới bắt đầu làm việc để san gạt, lu lèn. Từ đầu đường Lương Định Của kéo dài gần 1km hướng về nút giao An Phú là khung cảnh đường sá nham nhở, giao thông bị bóp nghẹt.
Mặc dù tốc độ thi công thực tế như vậy, nhưng Công ty T&T vẫn tiếp tục dẫn đầu liên danh để trúng gói thầu gần 300 tỷ đồng: Xây lắp số 2: Xây dựng đường song hành QL50 từ Km 1+200 - Km 2+800 (không bao gồm cầu Bà Lớn).
Trước đó, nhà thầu này đã trúng hàng loạt gói thầu cũng do Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư, ngay trong giai đoạn gói thầu cũ vẫn thi công ì ạch.
Cầu Tăng Long trên đường Lã Xuân Oai (TP Thủ Đức) bắt đầu thi công cuối năm 2017 và dự kiến ban đầu hoàn thành vào năm 2019. Theo thiết kế, cầu có tổng chiều dài gần 800m, trong đó phần cầu dài 231m, rộng 23m, 4 làn xe và lề đi bộ với kinh phí khoảng 450 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2019, khi công trình đạt 30% khối lượng phải dừng do vướng giải phóng mặt bằng. Đến nay, tổng mức đầu tư đã tăng lên từ khoảng 450 tỷ đồng thành hơn 688 tỷ đồng.
Theo ghi nhận, hiện nhà thầu đã rút toàn bộ thiết bị máy móc, nhân công khỏi công trường. Các hạng mục sắt, thép trên cầu gỉ sét, nằm trơ trọi và chân cầu trở thành nơi tập kết rác.
Dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của những hộ dân nơi đây, cũng như việc lưu thông của người dân khi qua tuyến đường này. Cầu Tăng Long chưa hoàn thành nên người dân vẫn phải gồng mình đi qua khu vực này bằng cầu sắt cũ.
Tương tự, cầu Nam Lý trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) được khởi công vào năm 2016 nhằm thay thế cho cầu cống đập Rạch Chiếc vốn đang xuống cấp. Cầu dài 448,9m với tổng mức đầu tư 857 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 4 năm khởi công, cầu Nam Lý mới hoàn thành khoảng 40% khối lượng công trình và đang ngừng thi công vì vướng mặt bằng.
Khu vực thi công ngổn ngang sắt thép gỉ sét, không khác gì một bãi phế liệu, lô cốt tại khu vực thi công nghiêng ngả. Vào giờ cao điểm, xe phải nối đuôi di chuyển rất chậm nên thường xuyên ùn ứ kéo dài.
Cầu Nam Lý chưa hoàn thành nên người dân phải đi qua cầu cống đập Rạch Chiếc với bề rộng khoảng hơn 2m tạo thành nút thắt cổ chai.
Ở Thủ Đức có tổng cộng 4 cây cầu đang dang dở gồm: Tăng Long, Nam Lý, Ông Nhiêu, Ông Bồn. Các cây cầu đang tạm ngưng thi công nhiều năm nay đều do vướng giải phóng mặt bằng.
Cuối năm 2022, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cùng lãnh đạo Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM đi kiểm tra thực tế. Tại đây, ông Tùng đã nói: “UBND TP Thủ Đức sẽ liên tục giám sát, đốc thúc các phường sớm hoàn tất, bàn giao mặt bằng trống cho chủ đầu tư thi công”.
Thế nhưng, đến nay các dự án vẫn tiếp tục nằm im, không biết đến bao giờ mới hoàn thành.
Dự án cầu Long Kiểng mới bắc qua rạch Long Kiểng, nối 2 xã Phước Kiểng và Nhơn Đức, huyện Nhà Bè do Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư. Được phê duyệt từ năm 2001, đang thi công giữa chừng thì đến năm 2019 dự án lại phải ngừng. Đến tháng 9/2022, cầu Long Kiểng mới khởi động lại, hứa hẹn cuối năm 2023 hoàn thành.
Ngày tái khởi công, người dân khấp khởi vui mừng vì sắp có cầu mới để đi. Mặc dù vậy, hiện trạng thi công trên thực tế cũng không khỏi khiến người dân lo lắng khi mỗi ca thi công chỉ vài công nhân làm việc.
Ngày 9/2, băng qua cây cầu cũ với tiếng tấm thép rung bần bật vang lên chói tai, PV có mặt tại công trường thi công cầu Long Kiểng. Phía bên trái đường Lê Văn Lương, tất cả các hẻm nhánh đều đã được rào lại để ngăn ô tô đi vào. Người dân phải đi theo lối mòn tự mở để duy trì sinh hoạt thường nhật.
“Tôi không hiểu đơn vị thi công làm việc kiểu gì, nhiều ca thi công chỉ lác đác dăm bảy người. Thi công kiểu này biết ngày nào xong?”, một người dân sống giáp khu vực bức xúc.
Theo ghi nhận sáng 9/2, bên trong công trường có nhiều xe máy thiết bị, song toàn bộ các phương tiện xe máy đều không hoạt động.
Khoảng 13h chiều 9/2, mặc dù đến ca làm việc buổi chiều trên công trường thi công cầu Long Kiểng, vỏn vẹn chỉ có 9 công nhân làm việc.
Tất cả các công nhân đều không đủ trang thiết bị bảo hộ lao động nhưng không có tư vấn giám sát hay chỉ huy công trường nào đến nhắc nhở, lập biên bản.
Ở giữa kênh, hai trụ chính của cầu đã thi công hoàn thiện rất lâu, hai mố cầu cũng đã xong, nhưng không có dấu hiệu gì của việc gác dầm để tiếp tục thi công phần trên.
Tại dự án này, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thi công xây dựng cầu đường Hồng An (Công ty Hồng An) chịu trách nhiệm thi công xây lắp đường đầu cầu (kể cả cây xanh). Liên danh CTCP – Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long và Công ty CP Cầu 7 Thăng Long thi công phần cầu chính.
Với tiến độ thi công của các nhà thầu kiểu này, liệu công trình cầu Long Kiểng có hoàn thành vào cuối năm 2023 như các nhà thầu hứa hẹn?
Điều đáng nói, với kiểu thi công ì ạch này, nhưng Công ty Hồng An (quận 11, TP.HCM) vẫn tiếp tục trúng thầu gói thầu rất lớn khác, cũng do Ban Quản lý đầu tư các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư. Đó là gói thầu Xây lắp số 4 - Xây dựng đường song hành QL50 từ Km 2+800 - Km 4+200 với giá trúng thầu trên 240 tỷ đồng.
Lãnh đạo TP.HCM vừa hủy quyết định duyệt dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tức phương thức đối tác công tư, để chuyển sang đầu tư công.
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.