Trong báo cáo kết quả nghiên cứu, CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) đề xuất sẽ hình thành theo hướng dự án tổ hợp kinh tế tuần hoàn tạo thành chuỗi giá trị kinh tế tuần hoàn từ khâu khai thác quặng Bô-xít – chế biến Alumin, Nhôm – hoàn thổ phục hồi môi trường – trồng cây nông nghiệp – hệ thống nhà máy chế biến nông sản, hệ thống nhà máy phụ trợ Alumin – du lịch sinh thái, qua đó đóng góp tăng ngân sách và việc làm cho người dân địa phương.
Nhà máy alumin Lâm Đồng 2 thuộc giai đoạn đầu của dự án Tổ hợp Kinh tế tuần hoàn Thaco dự kiến được xây dựng tại các huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, Thaco đề xuất phương án đầu tư các nhà máy khai thác quặng bô-xít và nhà máy chế biến alumin có công suất 4 triệu tấn alumin/năm bao gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1, từ năm 2023 đến năm 2027, Doanh nghiệp sẽ đầu tư xây dựng nhà máy tuyển 1 – mô-đun 1 với công suất khai thác khoảng 6 triệu tấn quặng nguyên khai/năm và đầu tư xây dựng nhà máy alumin 1 – mô-đun 1 với công suất khoảng 1 triệu tấn alumin/năm và đưa vào vận hành kinh doanh trong năm 2028.
Giai đoạn 2, từ năm 2029 đến năm 2030, Thaco sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy tuyển 1 – mô-đun 2 mở rộng thêm công suất khai thác khoảng 6 triệu tấn quặng nguyên khai/năm, nâng tổng công suất lên khoảng 12 triệu tấn quặng nguyên khai/năm và đầu tư xây dựng nhà máy alumin 1 – mô-đun 2 nhằm mở rộng công suất thêm khoảng 1 triệu tấn alumin/năm và đưa vào vận hành trong năm 2031.
Giai đoạn 3, từ năm 2032 đến năm 2033, đầu tư xây dựng nhà máy tuyển 2 công suất khai thác khoảng 6 triệu tấn – 12 triệu tấn quặng nguyên khai/năm, đầu tư xây dựng nhà máy alumin 2 mở rộng thêm khoảng 2 triệu tấn alumin/năm và đưa vào vận hành năm 2034.
Với lộ trình trên, sau năm 2034, dự án nhà máy alumin Lâm Đồng 2 sẽ vận hành, kinh doanh ổn định với tổng công suất đạt khoảng 4 triệu tấn alumin/năm với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 103 ngàn tỷ đồng.
Trong đó, chi phí thiết bị khoảng 50 ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 50% tổng mức đầu tư. Xếp ngay sau là chi phí xây dựng hơn 23 ngàn tỷ đồng (22.7%), chi phí dự phòng 10 ngàn tỷ đồng (10%), lãi vay xây dựng cơ bản gần 9 ngàn tỷ đồng (8.5%),…
Để thực hiện dự án, Thaco dự kiến nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 31 ngàn tỷ đồng, chiếm 30% tổng mức đầu tư. Do đó, nhu cầu vốn đi vay sẽ khoảng 72 ngàn tỷ đồng, chiếm 70%.
Dự án nhà máy alumin Lâm Đồng 2 có thời hạn hoạt động 50 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó, phương án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến alumin công suất 4 triệu tấn/năm thì thời gian khai thác quặng bô-xít trong phạm vi các mỏ đề xuất dự kiến hoàn thành trong 20 năm, thời gian còn lại nhà đầu tư sẽ dùng nguồn nguyên liệu thô từ các nguồn cung bên ngoài để vận hành, kinh doanh cho đến hết vòng đời dự án.
Như vậy, với tổng trữ lượng cụm mỏ Lâm Đồng 2 khoảng 178 triệu tấn, dự kiến khai thác trong 20 năm và nộp ngân sách khoảng 4.8 ngàn tỷ đồng, đồng thời cung cấp việc làm ổn định cho khoảng 4 ngàn lao động trực tiếp và gián tiếp tạo thêm việc làm cho các ngành nghề khác.
Từ đó, Thaco ước tính sơ bộ, khả năng dự án sẽ mang về lợi nhuận sau thuế 570 ngàn tỷ đồng với thời gian hoàn vốn trong vòng khoảng 10 năm 11 tháng.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch các dự án khai thác quặng bô-xít thời kỳ 2021 – 2030 thuộc các mỏ Lộc Tân – Lộc Quảng huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc; mỏ Bảo Lâm huyện Bảo Lâm; mỏ Đam B’ri huyện Đạ Huoai; và mỏ Triệu Hải huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai nhưng chưa cập nhật dự án nhà máy alumin Lâm Đồng 2 trên 2 địa bàn huyện Đạ Tẻh và Đạ Huoai.
Thaco kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chuyên môn xây dựng dự thảo quy hoạch tỉnh Lâm Đồng cập nhật thông tin dự án nhà máy vào quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cũng trong báo cáo, Thaco đề xuất được giao các mỏ để khai thác quặng bô-xít với lộ trình thực hiện dự kiến 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 sẽ khai thác mỏ Lộc Tân, Lộc Quảng tại huyện Bảo Lâm và TP Bảo Lộc diện tích 3.6 ngàn ha, công suất khai thác 6 – 12 triệu tấn quặng nguyên khai/năm cho đến hết năm 2030. Giai đoạn 2 sẽ được Thaco nâng cấp trữ lượng quặng bô-xít và thực hiện thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ còn lại tại cụm Lâm Đồng 2, nâng công suất khai thác thêm 6 – 12 triệu tấn quặng nguyên khai/năm cho giai đoạn 2031 – 2050.
Theo sau dự án khai thác quặng, chế biến khoáng sản, Thaco sẽ tiếp tục nghiên cứu các dự án nằm trong chuỗi giá trị khép kín để đảm bảo khai thác hiệu quả, phù hợp với định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp mà Việt Nam đang cam kết với quốc tế.
Chẳng hạn dự án các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng từ bùn đỏ, thí điểm sản xuất gạch không nung được thải ra từ nhà máy alumin; trung tâm logistic, cảng ICD; cụm các nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ như nhà máy NaOH, nhà máy bao bì, nhà máy chế tạo cơ khí; các khu tái định cư và cụm nhà ở; trang trại trồng trọt cây đa tầng, cây ăn quả và khu sơ chế công nghệ cao; khu trang trại nông nghiệp, du lịch sinh thái,…
Báo cáo nghiên cứu, đánh giá đề xuất thực hiện dự án của Thaco trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường được dự báo sẽ thiếu hụt alumin trong nhiều năm tới do tình hình chiến sự ở các quốc gia ngày càng căng thẳng và leo thang, làm nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao khiến các quốc gia có trữ lượng bô-xít, alumin dồi dào dần hạn chế và cấm xuất khẩu mặt hàng này.
Đồng thời việc phát triển dự án được Thaco đánh giá là phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển khoáng sản và công nghiệp khai khoáng.
Ngày 04/01 mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở ban ngành liên quan tại các địa phương xem xét, kiểm tra, hướng dẫn giải quyết đề nghị trong báo cáo của Thaco.
Theo Tài chính và Cuộc sống (FILI)
Thị trường chứng khoán Mỹ kỳ vọng Trump 2.0 (nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của ông Donald Trump) sẽ mang lại nhiều nụ cười ổ Phố Wall. Các kỷ lục chứng khoán Mỹ cũng đã được thiết lập trong tuần bầu cử tổng thống.
Chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô tại VinaCapital cho rằng việc ông Donald Trump thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua sẽ không làm chệch hướng tăng trưởng kinh tế lành mạnh của Việt Nam.
Người tiêu dùng Việt Nam cho thấy mức độ lạc quan cao nhất về triển vọng kinh tế của đất nước so với người tiêu dùng trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là nền kinh tế cởi mở nhất chỉ sau Singapore trong khu vực ASEAN. Một làn sóng đầu tư quốc tế đang hướng tới Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh thu hút FDI đang khốc liệt hơn và Việt Nam tiếp tục nỗ lực để môi trường đầu tư trở nên thu hút hơn, theo chuyên gia của Ngân hàng HSBC.
Dù ai trong hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris sẽ trở thành Tổng thống Mỹ, Việt Nam sẽ tiếp tục là đối tác thương mại quan trọng với Mỹ, theo AmCham.
VIB vừa được xác nhận kỷ lục quốc gia là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam cho phép khách hàng tự thiết kế hình ảnh in trên thẻ tín dụng với công nghệ Gen AI.