Theo đánh giá của các đơn vị kinh doanh, môi giới bất động sản (BĐS), trong quý I-2022, thị trường BĐS tại TP Cần Thơ sôi động rõ nét so với quý IV-2021 nhờ dịch COVID-19 được kiểm soát hiệu quả, lượng giao dịch sản phẩm thành công tăng đáng kể. Bước sang tháng 4, thị trường vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định nhưng sang đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 đã có dấu hiệu giảm nhiệt trở lại.
Thông thường, lực lượng môi giới BĐS có xu hướng bám sát một địa bàn cụ thể và phân khúc nhóm sản phẩm và nhóm khách hàng mình có ưu thế về thông tin để kết nối giữa người mua và người bán. Anh Nguyễn Khánh Toàn, chuyên môi giới BĐS ở huyện Phong Điền, cho biết: Khu vực Phong Điền giao dịch chủ yếu là sản phẩm đất nền trong các khu dân cư, khu tái định cư trên địa bàn huyện và đất nền riêng lẻ, đất vườn, đất công (1.000m2) ở các xã trên địa bàn. Các sản phẩm giao dịch thành công cho khách dao động từ vài trăm triệu đồng đến dưới 2 tỉ đồng là nhiều. Theo anh Toàn, hiện nay bước vào mùa mưa nên lượng khách xem nền giảm hơn so với 1-2 tháng trước. Ngoài ra, các ngân hàng hiện nay siết thủ tục cho vay, thẩm định hồ sơ chặt chẽ cũng như giảm tỷ lệ giải ngân từ 70-80% xuống còn 60-65% cũng là nguyên nhân khiến khách hàng không cân đối được nguồn vốn khi có nhu cầu vay mua BĐS.
Ông Lê Phương Đông, Trưởng Văn phòng Đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam khu vực ĐBSCL cho biết: Mặt bằng giá BĐS sau các đợt dịch trên thực tế vẫn duy trì ổn định và thị trường tăng trưởng khả quan trong quý đầu năm 2022. Theo xu hướng chung của thị trường BĐS khu vực phía Nam, giá BĐS tại TP Cần Thơ cũng đã hình thành mặt bằng giá mới sau đợt dịch. Cùng với đó, do Cần Thơ chưa có nhiều dự án mới nên hoạt động giao dịch mua bán chủ yếu giữa nhà đầu tư thứ cấp với nhau nên khi hình thành mặt bằng giá mới các nhà đầu tư có nguồn vốn ổn định có tâm lý giữ lại sản phẩm mình đã mua để chờ giá tăng. Sau dịp lễ 30-4, 1-5, thị trường BĐS tại Cần Thơ đã giao dịch chậm lại nhưng giá vẫn không giảm. Ở quận Ninh Kiều, người dân mua nền ở những vị trí có tên đường, trong các khu dân cư giá ít nhất từ 3 tỉ đồng trở lên hoặc khoảng 40 triệu đồng/m2. Hẻm 4m ô tô quay đầu có giá từ 2-3 tỉ và diện tích đất trong hẻm thường dao động từ 50-70m2. Đất nền khu dân cư ở địa bàn Bình Thủy, Cái Răng cũng có giá trên 2 tỉ đồng đối với diện tích trung bình khoảng 70m2. Các nhà đầu tư có vốn dưới 2 tỉ cũng có xu hướng mua ở khu vực vùng ven nhưng cần cân nhắc đến yếu tố quy hoạch, hạn chế mua các sản phẩm nằm trong khu dân cư tự phát để tránh rủi ro về lâu dài.
Nhằm tăng cường công tác quản lý đất đai, cuối tháng 5 vừa qua, UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Quyết định số 16/2022/ QĐ-UBND, quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15-6-2022, thay thế Quyết định số 19/2014/QĐ-UBND ngày 24-11-2014 và Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 2-10-2017 của UBND TP Cần Thơ. Theo Quyết định 16, đối với đất ở tại các phường, thị trấn, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 40m2 trở lên; tại các xã, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 60m2 trở lên. Ngoài đảm bảo diện tích tối thiểu, các thửa đất được tách thửa phải có kích thước bề rộng và chiều sâu của thửa đất lớn hơn hoặc bằng 4m. Đối với đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 200m2 trở lên. Đồng thời, các thửa đất được tách thửa phải có kích thước bề rộng và chiều sâu của thửa đất lớn hơn hoặc bằng 4m. Việc tách thửa đối với đất nông nghiệp ở quận Ninh Kiều quy định, đất trồng cây lâu năm, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 150m2 trở lên; đối với đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác và đất nuôi trồng thủy sản, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 1.000m2 trở lên. Các quận, huyện còn lại, đất trồng cây lâu năm tại các phường, thị trấn, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 300m2 trở lên; tại các xã, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 600m2 trở lên; đất trồng lúa, đất trồng cây hằng năm khác và đất nuôi trồng thủy sản, diện tích tối thiểu được tách thửa từ 1.000m2 trở lên.
Đối với địa bàn quận Ô Môn, do nằm gần các khu công nghiệp lớn của thành phố nên nhu cầu nhà ở của người lao động là rất bức thiết. Vì thế, sản phẩm BĐS khu vực này giao dịch nhanh chủ yếu là đất nền trong dân có giá từ 350-450 triệu đồng. Các sản phẩm từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng chủ yếu là đất đã có thổ cư. Chị Đặng Thị T. ở quận Ô Môn, chia sẻ: Trước đây tôi chủ yếu giới thiệu các sản phẩm BĐS có giá dưới 500 triệu đồng địa bàn quận cho khách hàng tìm mua. Nhưng từ sau Tết Nguyên đán tôi chuyển sang làm dịch vụ đăng ký tách thửa cho khách hàng có nhu cầu nhưng không có thời gian đi lại làm thủ tục hành chính. Do từ ngày 15-6, quy định mới về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất của thành phố sẽ chính thức có hiệu lực, nên nhiều người có nhu cầu tách thửa từ trước muốn chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ hợp lệ để chủ động nộp nhằm được giải quyết kịp thời theo trình tự thủ tục.
Theo ông Lê Phương Đông, khi Quyết định số 16/2022/ QĐ-UBND của UBND thành phố về quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất có hiệu lực thi hành sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý đất đai, hạn chế tình trạng phân lô, tách thửa, hình thành các khu dân cư tự phát, không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội… Về phía người dân cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin quy hoạch nếu mua đất nền trong dân, đất chưa lên thổ cư hay ở những khu vực không phải là khu dân cư có thủ tục pháp lý đầy đủ...
TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc