Việt Nam đang là thị trường ô tô năng động với tốc độ phát triển nhanh trong thời gian qua. Theo dự báo, quy mô thị trường trong nước sẽ đạt 1,5 triệu xe sau 2035. Với tốc độ phát triển nhanh, Việt Nam là nơi mà các hãng xe Trung Quốc "chọn mặt gửi vàng" khi hàng loạt thương hiệu đã, đang và sẽ trình làng.
Năm 2023, thị trường trong nước chứng kiến sự ra mắt đồng bộ của các thương hiệu đến từ đất nước tỷ dân này như Haval, Wuling, Haima, Lynk & Co.
Đến thời điểm này của năm 2024, BYD, GAC vừa ra mắt và Omoda, Jaecoo, Aion dự kiến xuất hiện trong quý IV.
Mặc dù nhiều thương hiệu cùng đổ bộ thị trường, nhưng định kiến xe Trung Quốc (xe Tàu) vẫn còn đè nặng với tâm lý của rất nhiều người dùng ô tô. Cộng với đó là việc chuộng xe Nhật Bản "ăn chắc, mặc bền" vốn đã in hằn lên một bộ phận lớn người dùng từ nhiều thập kỷ qua.
Điểm chung dễ nhận thấy của các thương hiệu ô tô Trung Quốc khi xâm nhập thị trường Việt Nam là đều có mức giá quá cao khiến không ít người dùng "khó có thể chấp nhận" với nguồn gốc xuất xứ.
Quay lại thời điểm năm 2020, thương hiệu MG thuộc sở hữu của Tập đoàn Trung Quốc SAIC đã có lần quay trở lại Việt Nam sau lần đầu thất bại vào năm 2011.
Trở lại sau hơn gần 1 thập kỷ, MG vẫn khiến nhiều người tiêu dùng "lắc đầu" khi giới thiệu 2 sản phẩm là MG ZS (giá 639 triệu đồng) và HS (giá 999 triệu đồng) - mức giá vượt tầm phân khúc.
Tương tự, Haval H6 Hybrid khi trình làng với mức giá đến gần 1,1 tỷ đồng, Wuling Hongguang MiniEV có giá bán cao nhất hơn 300 triệu đồng, Haima giới thiệu chiếc MPV 7 chỗ với 2 phiên bản gồm máy xăng là Haima 7X giá 865 triệu và bản điện Haima 7X-E giá 1,111-1,23 tỷ đồng.
Đối xe Lynk & Co có giá đến 999 triệu đồng, Lynk & Co 05 là 1,599 tỷ đồng, Lynk & Co 09 giá đến 2,199 tỷ đồng. Mới nhất, hãng xe điện BYD với Dolphin giá 659 triệu, Atto 3 giá 766 - 866 triệu đồng và Seal bán ra từ 1,119 - 1,359 tỷ đồng.
Các dòng xe đến từ nhiều thương hiệu Trung Quốc kể trên đều được định giá cao hơn cả xe Nhật Bản, Hàn Quốc cùng phân khúc.
Sau chỉ vài tháng ra mắt, doanh số không như kỳ vọng nên hầu hết các dòng xe Trung Quốc đều có mức giảm hơn 30% so với thời điểm ban đầu. Tuy nhiên, dù "trầy trật" giảm giá, nhưng tìm "mỏi mắt" trên đường cũng không thấy bóng dáng các xe Trung Quốc này.
Các hãng xe Trung Quốc đã ra mắt và bị khách hàng "quay lưng" bởi việc định giá quá cao, nhưng GAC Motor vừa xuất hiện vẫn tiếp tục đi vào "lối mòn" này. Cả 2 mẫu xe của GAC đều ở những phân khúc cỡ lớn, nơi vốn đã kén khách giờ lại thêm mức giá cao nên thách thức là gấp đôi.
Cụ thể, GAC GS8 có giá 1,269 - 1,369 tỷ đồng cho 2 phiên bản, xe cạnh tranh với Hyundai Santa Fe, Ford Everest. Trong khi đó, cạnh tranh với KIA Carnival, GAC M8 có giá 1,699 - 2,199 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, ô tô vẫn là tài sản lớn với đại đa số người dân Việt Nam và khi mua, yếu tố quan tâm đầu tiên cũng quan trọng nhất là giá bán, rồi mới đến nguồn gốc xuất xứ, nhu cầu sử dụng, các trang bị...
Ngay ở yếu tố đầu tiên quan trọng nhất về mức giá, GAC Motor đã "đánh bay" cơ hội của mình ở thị trường Việt Nam bằng công bố mức giá quá cao cùng việc gia nhập các phân khúc kén đều có giá tiền tỷ.
Thực tế, sau khi công bố giá, trên khắp các diễn đàn về xe, hầu hết người dùng "quay lưng" với 2 dòng xe mà GAC mới bán tại Việt Nam.
"Xe Trung Quốc mà bán giá cao hơn cả xe Nhật Bản, Hàn Quốc thế này thì chỉ để trưng bày thôi chứ chắc chẳng ai mua được", tài khoản Lan Ngọc bình luận.
Chung quan điểm, người dùng Cửu Long chia sẻ: "Đa số người dùng ô tô ở Việt Nam đều chỉ mua được xe giá rẻ, như VinFast VF3 rẻ nên dù là xe điện dùng chưa tiện vẫn tranh nhau mua. Xe Trung Quốc đã khó bán rồi mà nhìn mức giá thôi khỏi bàn nữa luôn".
Việc nhiều hãng xe gia nhập Việt Nam khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có một "làn sóng" xe ô tô Trung Quốc đổ bộ thị trường Việt Nam như xe máy đã diễn ra hơn 20 năm về trước.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia xe Nguyễn Thanh Hải cho rằng, rất khó để có "làn sóng" xe Trung Quốc thêm một lần nữa.
"Xe máy là phương tiện người dân có thể sử dụng đa mục đích và phù hợp với những con đường, ngõ phố chật hẹp ở đô thị, thành phố lớn, còn ô tô không thể. Đặc biệt, chi phí sử dụng ô tô sẽ cao hơn xe máy rất nhiều lần. Do đó, sẽ khó có "làn sóng" xe ô tô Trung Quốc như đã từng xảy ra với xe máy hơn 2 thập kỷ trước", ông Hải chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, giá bán sẽ là yếu tố quyết định với bất cứ sản phẩm vào khi tung ra thị trường, đối với ô tô giá trị cao càng được quan tâm hơn.
"Ở Trung Quốc, nhiều hãng xe với lượng tiêu thụ lớn nhờ được Nhà nước hỗ trợ, nhưng ở Việt Nam câu chuyện hoàn toàn khác bởi sẽ phải cạnh tranh sòng phẳng, xây dựng đại lý và hệ thống hậu mãi cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định mua xe của người dân", vị này nói.
GAC còn đang đi ngược lại xu hướng phát triển của thị trường khi giới thiệu hoàn toàn xe xăng. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra lộ trình đến năm 2040 sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, mô tô, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch.
Đến năm 2050, toàn bộ phương tiện sẽ chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh để thực hiện cam kết giảm phát thải ròng về 0.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.