Tại buổi làm việc với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Nghiêm Xuân Thành - Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang - cho biết hiện nay, quy mô kinh tế của tỉnh nhỏ nhất trong các tỉnh, thành ĐBCSL, chỉ chiếm 4% tổng GRDP toàn vùng. Tỉnh đã đưa ra nhiều chỉ tiêu, giải pháp để đột phá nhằm tránh "vòng xoáy đi xuống".

 

Trong đó, đổi mới quan điểm về đầu tư công, chỉ đạo rà soát, cắt giảm các dự án theo đúng tinh thần bố trí vốn trọng tâm, trọng điểm, khắc phục triệt để tình trạng phân tán, kéo dài, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tránh tình trạng "nhà đã nghèo lại không biết tiêu tiền".

Hậu Giang tránh tình trạng nhà đã nghèo lại không biết tiêu tiền - Ảnh 1.

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành

Tỉnh Hậu Giang xác định quy hoạch là kim chỉ nam, định hướng phát triển thời kỳ 2021-2030 với quan điểm "Nhất tâm, nhị tuyến, tam thành, tứ trụ, ngũ trọng tâm".

Theo đó, "nhất tâm" là phát triển huyện Châu Thành (giáp với TP Cần Thơ) thành trung tâm công nghiệp và đô thị; "nhị tuyến" là khai thác tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối với TP HCM và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với các tỉnh Nam Sông Hậu.

"Tam thành" là nâng tầm 3 đô thị Vị Thanh, Ngã Bảy và Long Mỹ. "Tứ trụ" là phát triển 4 trụ cột: công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch.

Còn "ngũ trọng tâm" là hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa- xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...

Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu nằm trong tốp 3 các địa phương có môi trường kinh doanh tốt nhất vùng ĐBSCL; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt từ 8-10%/năm, đến năm 2030 trở thành tỉnh có nền công nghiệp ở mức khá, không còn là tỉnh khó khăn.