Chủ nhật, 24/11/2024

Tỷ phú chi 1 tỷ USD để cứu thị trường tiền mã hóa

26/08/2022 1:00 PM (GMT+7)

Tỷ phú Sam Bankman-Fried, chủ sở hữu sàn giao dịch tiền mã hóa FTX, đã dành ra 1 tỷ USD để cứu vãn thị trường tiền mã hóa đang trên đà suy thoái.


Theo Wall Street Journal, tỷ phú Sam Bankman-Fried mới đây đã thông báo sẽ bỏ ra 1 tỷ USD để cứu vãn thị trường tiền mã hóa. Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao mọi động thái của vị cứu tinh này.

Trước đó, cũng trong năm 2022, vị tỷ phú này đã từng tung ra nhiều khoản cho vay khẩn cấp trị giá hàng trăm triệu USD để cứu trợ các công ty cùng ngành trước bờ vực phá sản. Đồng thời giám đốc điều hành của FTX Trading cũng tham gia vào các hoạt động truyền thông để gây dựng niềm tin vào thị trường tiền mã hóa của các nhà đầu tư.

Ông Bankman-Fried cho biết mục tiêu cuối cùng của mình là làm cho tiền mã hóa được tiếp nhận ở khắp mọi nơi. Ông muốn biến FTX trở thành một cái tên quen thuộc với đại chúng, trở thành một lựa chọn đầu tư phổ biến như chứng khoán hay trái phiếu trên thị trường.

Chính vì vậy, khi thị trường tiền mã hóa gặp khó, vị tỷ phú này đã không ngại ngần hỗ trợ các công ty cùng ngành vượt qua suy thoái. Mặc dù không phải tất cả hành động của ông đều thành công, nhưng chúng đều mang lại hiệu quả tích cực đối với thị trường và với cả FTX.


Tỷ phú chi 1 tỷ USD để cứu thị trường tiền mã hóa - Ảnh 1.

Ông Bankman-Fried tại văn phòng FTX ở Bahamas vào tháng 7/2022. Ảnh: WSJ.

Mở rộng đế chế

Cũng giống như các sàn giao dịch tiền mã hóa khác, hoạt động kinh doanh cốt lõi của FTX là cung cấp nền tảng và dịch vụ cho những nhà đầu tư tiền số. Với chiến lược phát triển vượt bậc, chỉ trong vòng 3 năm, FTX đã trở thành sàn giao dịch lớn thứ 3 trên thế giới, với giá trị giao dịch vào khoảng 9,4 tỷ USD mỗi ngày.

Theo CoinGecko, FTX đã đạt doanh thu 1,02 tỷ USD và lợi nhuận ròng 388 triệu USD vào năm ngoái. Điều này có nghĩa là ông Bankman-Fried vẫn có lãi ngay cả khi thị trường rơi vào khủng hoảng. Chia sẻ về điều này, ông cho rằng những ngày tháng khó khăn nhất của tiền điện tử đã qua, Bitcoin đang trên đà hồi phục và đây là thời điểm hợp lí để mở rộng FTX.


Tỷ phú chi 1 tỷ USD để cứu thị trường tiền mã hóa - Ảnh 2.

FTX là sàn giao dịch tiền điện tử lớn thứ 3 trên thế giới. Nguồn: CoinGecko.

Chính vì vậy, sau khi nhận được lời đề nghị giúp đỡ từ BlockFi - một công ty cho vay tiền kỹ thuật số, ông Bankman-Fried và những người cộng sự đã lên kế hoạch thu mua ngay lập tức. BlockFi trước đó đã bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của đồng Luna và một loạt công ty cùng ngành khác, khiến cho thanh khoản công ty giảm mạnh và đối mặt với nguy cơ phá sản.

Trong thỏa thuận được công bố vào ngày 1/7, FTX đã đồng ý cho BlockFi vay 400 triệu USD với điều kiện sẽ mua lại công ty này với mức giá 240 triệu USD. Theo PitchBook, đây là một sự thiệt thòi đối với BlockFi khi công ty này được định giá 4,75 tỷ USD vào năm 2021.

Giám đốc điều hành BlockFi, ông Zac Prince cũng chia sẻ rằng "đây không phải là một thỏa thuận như mong đợi", tuy nhiên ông Prince cũng cho biết lần thu mua này sẽ giúp BlockFi phát triển hơn nữa. Đồng thời, ông Prince cảm thấy hài lòng vì FTX là bên mua duy nhất đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu khi đồng ý hoàn trả đầy đủ tiền gửi của khách hàng mà không mất phí.

Còn với ông Bankman-Fried, đây là những bước đầu tiên trong công cuộc biến FTX thành một "siêu thị tài chính", với đủ loại dịch vụ từ cho vay đến thanh toán.


Tham vọng dẫn đầu

Trước khi mua lại BlockFi, FTX cũng đã mở rộng từ đầu năm nay khi tấn công sang thị trường Nhật Bản và mua lại sàn giao dịch Liquid.

Nguyên nhân là Liquid đã bị tin tặc đánh cắp 97 triệu USD vào tháng 8/2021, phải đối mặt với tình trạng vỡ nợ và đã đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp. Vài ngày sau khi thông tin này được công bố, FTX thỏa thuận cho Liquid vay 120 triệu USD để khắc phục hậu quả. Hiện tại, Liquid đã đổi tên thành FTX Japan và có tăng trưởng kinh doanh tốt vượt mức kì vọng.

Ngoài ra, FTX cũng thể hiện tham vọng vươn ra thế giới khi đã chuẩn bị giấy phép cho các hoạt động tài chính ở Australia, Dubai và Liên minh châu Âu.


Tỷ phú chi 1 tỷ USD để cứu thị trường tiền mã hóa - Ảnh 3.

Trụ sở mới của FTX tại đảo Bahamas, Mỹ. Ảnh: WSJ.

Và không chỉ dừng lại ở lĩnh vực tiền mã hóa, ông Bankman-Fried còn đang rục rịch tấn công sang thị trường tài chính truyền thống khi đăng kí mua một công ty môi giới chứng khoán. Công ty này cho phép khách hàng giao dịch cổ phiếu và cả tiền số trên cùng một ứng dụng của mình.

Ngoài ra, ông còn chi 648 triệu USD tiền riêng để mua lại 7,6% cổ phần của Robinhood Markets - một ứng dụng giao dịch phổ biến tại Mỹ.

Tuy nhiên, ông Bankman-Fried cho rằng việc mở rộng sang các nền tảng truyền thống sẽ có nhiều khó khăn. Một trong số đó là các sàn giao dịch truyền thống bắt buộc phải làm nền tảng trung lập, và bị giới hạn trong việc liên kết với các công ty thương mại. Sự hạn chế này không tồn tại trong thị trường tiền mã hóa.

Chính vì vậy, vị tỷ phú này mới đây đã từ chức Giám đốc điều hành Alameda - một trong hai công ty ông đang sở hữu - để dành nhiều thời gian hơn cho việc phát triển FTX.

Tính đến thời điểm hiện tại, FTX đã tích lũy được khoảng 2 tỷ USD sau các vòng gọi vốn để thực hiện các thương vụ mở rộng và sáp nhập. Ông Bankman-Fried cũng khá tự tin với công ty của mình khi chia sẻ rằng FTX luôn còn những khoản dự trữ khác khi cần thiết.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Bất động sản, Bitcoin, hay kênh nào hút vốn từ chứng khoán?

Bất động sản, Bitcoin, hay kênh nào hút vốn từ chứng khoán?

Các nhà phân tích thị trường cho rằng việc dòng vốn đầu tư bị phân tán khỏi chứng khoán là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng và các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản và Bitcoin đang hút vốn.

Chính Bitcoin mới là giới hạn của Bitcoin?

Chính Bitcoin mới là giới hạn của Bitcoin?

Cột mốc 100.000 USD/1 Bitcoin đã đến rất gần vì giá loại tiền điện tử này tăng vô cùng chóng mặt thời gian gần đây trong bối cảnh Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump muốn Mỹ trở thành trung tâm tiền số của thế giới.

Nhóm cổ đông lớn ở Eximbank kiến nghị hủy việc miễn nhiệm trưởng Ban Kiểm soát

Nhóm cổ đông lớn ở Eximbank kiến nghị hủy việc miễn nhiệm trưởng Ban Kiểm soát

Một nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng Eximbank (đang nắm giữ 5,66% vốn điều lệ) nêu trong đơn kiến nghị rằng việc miễn nhiệm ông Ngo Tony, trưởng Ban Kiểm soát của Eximbank, là phạm luật.

Chính sách Trump 2.0 có thể đẩy USD lên ngang giá với euro

Chính sách Trump 2.0 có thể đẩy USD lên ngang giá với euro

Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan của Mỹ dự báo chỉ số USD Index có thể tăng thêm 7% trong vòng vài tháng tới. Trong khi đó, Barclays dự báo USD có thể ngang giá với đồng euro nếu ông Donald Trump thực hiện các biện pháp thuế quan mạnh mẽ để bảo vệ thị trường Mỹ.

Môi trường đầu tư hấp dẫn, Long An hút thêm vốn châu Âu

Môi trường đầu tư hấp dẫn, Long An hút thêm vốn châu Âu

Đoàn công tác xúc tiến đầu tư, thương mại tỉnh Long An qua châu Âu vừa ký kết 2 thỏa thuận về đầu tư dự án mới trị giá hơn 80 triệu USD.

Lượng tiền khủng từ các 'đại gia' tiền mặt đem gửi ngân hàng

Lượng tiền khủng từ các 'đại gia' tiền mặt đem gửi ngân hàng

Nhiều doanh nghiệp lớn như PV GAS, tổ hợp hóa dầu Bình Sơn, Thế Giới Di Động... đang gửi hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân hàng. Danh sách cũng bao gồm những công ty khác như Hòa Phát, Vinamilk, Masan, Hóa chất Đức Giang...