Chế biến và xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành hàng chủ lực, đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hàng năm của Việt Nam.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, cũng như nhiều ngành hàng khác, xuất khẩu thủy sản không tránh khỏi tác động tiêu cực từ các biến động của thị trường tiêu dùng toàn cầu, đơn hàng sụt giảm, áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Trước thềm Triển lãm thủy sản Quốc tế Việt Nam (Vietfish 2023) diễn ra từ 23-25/8 tại Thành phố Hồ Chí Minh, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) về việc định vị ngành thủy sản Việt Nam trên bản đồ thủy sản thế giới và những định hướng dài hạn.
- Thưa ông, ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng khá cao trong nhiều năm, đặc biệt tạo được cột mốc mới về xuất khẩu vào năm 2022 với 11 tỷ USD. Ông nhận định như thế nào về vị thế của ngành thủy sản Việt Nam trên bản đồ thủy sản thế giới?
Ông Trương Đình Hòe: Sự tăng trưởng về mặt kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam những năm qua được tạo nên từ nền tảng của ngành nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản. Ngoài việc phục vụ nhu cầu tiêu dùng cho khoảng 100 triệu dân ở thị trường nội địa, ngành thủy sản Việt Nam đã từng bước hội nhập, chinh phục thị trường thế giới.
Cùng với sự tăng trưởng của nhu cầu tiêu dùng thủy hải sản trên toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng trong nhiều năm và lần đạt mốc 11 tỷ USD vào năm 2022, tăng hơn 12 lần so với năm 1998.
Không chỉ tăng trưởng về sản lượng, thủy sản Việt Nam cũng được đánh giá là nguồn cung cấp protein có chất lượng ổn định, giá trị dinh dưỡng ngày càng cao, góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân thế giới. Hiện tại, Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy.
- Theo ông đâu là những lợi thế đã, đang và sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam?
Ông Trương Đình Hòe: Lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam thể hiện trên 3 khía cạnh. Thứ nhất, xu hướng gia tăng tiêu dùng sản phẩm thủy hải sản trên toàn cầu vẫn tiếp tục trong khi nguồn lợi thủy sản tự nhiên bị hạn chế, nguồn cung thủy sản phải dựa vào hoạt động sản xuất nuôi trồng.
Cùng với sự tiếp sức của công nghệ nuôi trồng, Việt Nam có lợi thế với đường bờ biển dài, có diện tích mặt nước đủ lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản cả nước lợ và nước ngọt. Trong tổng sản lượng tôm nuôi toàn thế giới khoảng 6 triệu tấn/năm thì Việt Nam đóng góp khoảng 1 triệu tấn.
[Giải quyết những thách thức ngành hàng tôm đang phải đối mặt]
Có thể nói, Việt Nam đã tận dụng tốt nguồn tài nguyên là lợi thế tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nuôi trồng phục vụ xuất khẩu. Ngoài tôm, Việt Nam cũng nuôi lượng sản lượng lớn cá tra, là nguồn cung cá thịt trắng cho thế giới.
Lợi thế thứ hai doanh nghiệp có khả năng bắt kịp với thế giới về công nghệ chế biến; trong đó, tập trung chế biến sâu với các sản phẩm giá trị gia tăng cao, góp phần củng số sức mạnh của ngành thủy sản Việt Nam trong nhiều năm qua.
Thứ ba, Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với các quốc gia, khu vực là thị trường tiêu thụ lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)... tạo điều kiện giúp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường một cách thuận lợi hơn.
- Bên cạnh những lợi thế đó, ngành thủy sản Việt Nam có hạn chế, khó khăn gì không, thưa ông?
Ông Trương Đình Hòe: Xét về cơ cấu, lĩnh vực nuôi trồng đang đóng vai trò quan trọng trong cung cấp nguyên liệu chế biến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đó vừa là lợi thế nhưng cũng là bất lợi hiện nay. Bởi, sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng của Việt Nam chủ yếu được hình thành từ quy mô nông hộ, nhỏ lẻ. Điều này đang đặt ra bài toán thúc đẩy việc chuyển đổi từ sản xuất nông hộ sang sản xuất hàng hóa có quy mô tương đối lớn, từ đó áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng hiệu quả, giảm giá thành.
Phân loại sản phẩm cá tra philê tại nhà máy của Công ty Navico. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)Thách thức thứ hai là Việt Nam chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu khiến vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt bị thu hẹp. Vấn đề này cần được đánh giá một cách đầy đủ để có hướng khắc phục, tránh các rủi ro khi thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu.
Đối với nguồn lợi biển, Việt Nam có lợi thế chiều dài bờ biển và diện tích mặt nước có thể tổ chức ngành nuôi trồng trên biển nhưng lĩnh vực này chưa được phát triển tương xứng. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có đủ điều kiện đánh giá thực trạng cũng như đưa ra giải pháp tái tạo nguồn lợi hải sản tự nhiên để phát triển cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng một cách hài hòa.
- Thời gian gần đây, tình hình kinh tế khó khăn, người tiêu dùng trên thế giới đang ưu tiên cho các sản phẩm sơ chế, sản phẩm có giá bình dân hơn, sức mua các sản phẩm chế biến sâu sụt giảm. Vậy các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên thích ứng với tình huống này như thế nào?
Ông Trương Đình Hòe: Kể từ sau đại dịch COVID-19, việc phục hồi của thị trường thế giới vẫn chưa ổn định, do đó doanh nghiệp xác định cần có khoảng thời gian khá dài hoạt động cầm chừng.
Mục tiêu quan trọng nhất của các doanh nghiệp hiện nay là duy trì lực lượng lao động tinh nhuệ, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất cho giai đoạn phục hồi sau đó. Bởi lẽ, nếu không giữ được lao động có kinh nghiệm, lành nghề thì việc nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi sẽ rất chậm.
Thủy sản là ngành cung cấp thực phẩm thiết yếu cho con người, do đó, dù nhu cầu có giảm so với trước nhưng sẽ không triệt tiêu. Thời gian gần đây, khi lượng hàng tồn kho đã xuống thấp các nhà mua hàng đã bắt đầu đặt hàng trở lại.
Cũng cần nhấn mạnh rằng việc người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn sản phẩm sơ chế, có giá rẻ gần đây chỉ là cục diện ngắn hạn khi bị ảnh hưởng thu nhập từ kinh tế suy giảm, lạm phát và hoạt động của các chuỗi nhà hàng chưa được khôi phục.
Các doanh nghiệp vẫn xác định sản phẩm giá trị gia tăng là lợi thế đã làm nên thương hiệu cho thủy sản Việt Nam, không vì khó khăn trước mắt mà thay đổi chiến lược phát triển dài hạn.
Chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)Thủy sản Việt Nam có thế mạnh về công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ tốt. Vấn đề hiện nay của ngành là làm thế nào để tối ưu hoá giá thành sản xuất thông qua việc tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào của mô hình nuôi trồng hiện tại. Đồng thời, nghiên cứu các giải pháp phát triển đường dài như tăng dần tỷ lệ sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao để cải thiện năng suất; thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và con giống tại chỗ để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
Thủy sản Việt Nam đã có mặt trên 170 quốc gia, vì vậy việc đi tìm thị trường mới không còn là ưu tiên. Trong bối cảnh những thị trường chính sụt giảm sức mua, doanh nghiệp và hiệp hội cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại để khai thác hiệu quả dư địa của từng thị trường, kể cả thị trường nhỏ nhằm “tích tiểu thành đại."
- Xu hướng chung của thị trường hiện nay là quan tâm đến sản phẩm xanh và có tiêu chuẩn ngày càng cao về chuỗi cung ứng thực phẩm. Vậy khả năng đáp ứng các xu hướng đó của ngành thủy sản Việt Nam hiện nay như thế nào?
Ông Trương Đình Hòe: Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh là xu hướng ngày càng phổ biến và ngành thủy sản Việt Nam đang làm tương đối tốt trong việc "xanh hóa." Lợi thế của Việt Nam có tới 70% nguyên liệu phục vụ xuất khẩu được nuôi trồng (tôm, cá tra...).
Số lượng trang trại, vùng nuôi đạt sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động (ASC) ngày càng tăng.
Con số 692 nhà máy có mã xuất khẩu EU code trong tổng số 847 nhà máy quy mô công nghiệp được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, là minh chứng cho việc vừa doanh nghiệp đảm bảo sản xuất tốt nhưng cũng bảo vệ môi trường tốt, đáp ứng xu hướng tiêu dùng của nhiều thị trường. Với thị trường Mỹ, thủy sản Việt Nam cũng đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành nuôi thủy sản tốt (BAP).
Vấn đề được cả thế giới quan tâm đề cập hiện nay là cân bằng phát thải. Việt Nam cũng đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050, như vậy, chúng ta không còn quá nhiều thời gian để chần chừ. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc mọi ngành nghề, doanh nghiệp đều phải vận động nhanh chóng để đạt được cam kết; sản xuất, chế biến thủy sản cũng không ngoại lệ.
Đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là nhận thức của mỗi người, đặc biệt là chủ doanh nghiệp về sự cần thiết, tính cấp bách của vấn đề để dẫn đến những hành động nhanh, cụ thể. Đó là ưu tiên đầu tư vào các công nghệ nhằm giảm phát thải tối đa như sử dụng điện mặt trời phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến, giảm tiêu thụ năng lượng có nguồn gốc hóa thạch. Sử dụng các thiết bị, vật liệu giúp trang trại, nhà máy giảm tiêu hao năng lượng. Thay thế dần các vật liệu bao bì phát thải nhiều bằng vật liệu phát thải ít hoặc không phát thải.
Nói cách khác, giảm phát thải phải trở thành “kim chỉ nam” trong chiến lược, lựa chọn phương án đầu tư của doanh nghiệp, vì đó là yêu cầu tất yếu để đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững.
- Xin cảm ơn ông.
Theo VietnamPlus
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.