Chủ nhật, 24/11/2024

Xe đạp công cộng hút khách ở TP.HCM, sắp ra Hà Nội

21/03/2022 1:00 PM (GMT+7)

Xe đạp công cộng giá rẻ thí điểm tại TP.HCM đang phát huy hiệu quả, được người dân đón nhận. Hiện Hà Nội cũng đã lên kế hoạch thí điểm.

Không ngừng hoàn thiện dịch vụ

Sau gần nửa năm triển khai, loại hình xe đạp công cộng tại TP.HCM đang được người dân đón nhận.

Xe đạp công cộng hút khách ở TP.HCM, sắp ra Hà Nội - Ảnh 1.

Đến nay, sau thời gian ngắn thí điểm, có hơn 110.000 khách hàng tại TP.HCM đăng ký sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng với hơn 730.000km đã đi

Anh Nguyễn Văn Hải, ngụ TP Thủ Đức đã vài lần thuê xe đạp công cộng chia sẻ: “Trước kia chưa có xe đạp công cộng thì khi đi lên thành phố tôi đi xe buýt và đi Grab bike đến những điểm mình cần đến ở trung tâm. Bây giờ có xe đạp, chỉ cần đi xe buýt đến bến Hàm Nghi, đi bộ khoảng 200m rồi thuê xe đạp đi khắp trung tâm với giá rất rẻ”.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hiện rất đông người dân, nhiều nhất là giới trẻ thuê xe đạp để dạo phố, khám phá trung tâm TP.HCM vào dịp cuối tuần hoặc để tập thể dục. Cũng có khá nhiều người thuê xe là du khách nước ngoài.

“Tôi hy vọng TP.HCM có thể triển khai rộng rãi mô hình này toàn thành phố để không chỉ phục vụ nhu cầu dạo phố mà sẽ trở thành phương tiện đi làm, di chuyển an toàn”, chị Nguyễn Thị An, ngụ quận 1 chia sẻ.

Ông Đỗ Bá Dân, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trí Nam (chủ đầu tư) cho biết, mô hình xe đạp công cộng giá rẻ được thí điểm tại 43 điểm với 388 chiếc xe trên địa bàn quận 1 từ ngày 16/12/2021.

“Qua ghi nhận trên hệ thống, rất nhiều người sử dụng dịch vụ cho nhiều chuyến đi. Phản hồi từ người dân sử dụng dịch vụ khá tốt.

Nhiều khách hàng đề nghị sớm nhân rộng mô hình tại nhiều quận chứ không chỉ dừng ở quận 1 như hiện nay”, ông Dân nói và thông tin, đến nay có hơn 110.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ với hơn 730.000km đã đi.

Lúc đầu khai trương người dân thường thuê xe đạp để dạo phố, ngắm cảnh nhưng gần đây, lượng người thuê xe đạp đi làm cũng khá nhiều vì phù hợp với các tuyến đường trung tâm cần di chuyển.

Theo ông Dân, để thu hút người dân sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện App theo hướng ngày càng thân thiện, nhiều tiện ích.

Khách hàng chỉ cần tải App, đăng ký thông tin cá nhân và nạp tối thiểu 10.000 đồng là có thể sử dụng dịch vụ mà không cần phải đặt cọc. Giá thuê xe chỉ 5.000 đồng/30 phút và 10.000 đồng/tiếng. Xe sử dụng lốp không săm, có GPS theo dõi nên không lo mất trộm…

Sẽ có cả xe đạp điện để người dân lựa chọn

Đón nhận thông tin Hà Nội cũng sắp triển khai loại hình xe đạp công cộng ở 5 quận trung tâm, nhiều người dân tỏ rất hào hứng.

Chị Vũ Thị Thúy Hằng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Hiện tôi vẫn đang phải đi xe cá nhân đi làm dù cơ quan cách tuyến tàu điện Cát Linh - Hà Đông 2km. Nếu Hà Nội có dịch vụ xe đạp giống TP.HCM, tôi sẽ bỏ xe cá nhân để đi tàu và thuê xe đạp theo tháng”.

Là hành khách đang sử dụng tàu Cát Linh - Hà Đông để đi làm, anh Ngô Văn Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, anh và vợ đã mua vé tháng để đi tàu, nhưng tới ga Cát Linh lại phải đi thêm từ 1 - 3km nữa mới tới chỗ làm.

“Nhiều lúc có việc đột xuất phải gọi taxi hay xe ôm chi phí khá đắt đỏ. Tôi mong Hà Nội sớm triển khai mô hình xe đạp công cộng, nếu có thêm các dòng xe đạp điện, xe máy điện để người dân lựa chọn nữa thì quá tốt!”, anh Tuấn bày tỏ.

Thông tin về lộ trình triển khai tại Hà Nội, ông Đỗ Bá Dân cho biết, theo chủ trương đã được UBND TP Hà Nội và Sở GTVT chấp thuận, đề án “Xe đạp đô thị” tại Hà Nội sẽ triển khai theo hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu trong năm 2022 - 2023 triển khai ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa và Thanh Xuân với 85 điểm trạm và 1.000 xe (trong đó có 500 xe đạp thường và 500 xe đạp điện). Quy mô giai đoạn 2 (từ năm 2023) tùy điều kiện thực tế để có các điểm kết nối thuận tiện và mở rộng ra 3.000 xe.

“Theo tính toán, chi phí đầu tư ban đầu cho giai đoạn 1 khoảng gần 30 tỷ đồng. Giai đoạn đầu không có lợi nhuận nhưng tương lai sẽ trở nên phổ biến. Lúc đó doanh thu tăng và bù đắp đầu tư hiện tại.

Để thuận tiện và thu hút người dân, các trạm, bãi đỗ xe sẽ được bố trí gần các khu vực đông người như: Bệnh viện, trường học, khu vui chơi giải trí, chung cư… Chúng tôi cũng đang đề xuất thành phố hỗ trợ một số địa điểm đặt trạm sạc”, ông Dân nói.

Về thời gian, hiện Trí Nam đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, có thể đưa mô hình này vào hoạt động trong vòng 2 - 3 tháng sau khi được Hà Nội cho phép.


Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, dự án “Xe đạp đô thị” nhằm mục tiêu đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải hành khách thân thiện với môi trường, kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, khu liên cơ quan và phục vụ đi lại, thúc đẩy phát triển du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.

Việc đề xuất mở loại hình này ra với mong muốn người dân thuận tiện hơn khi tham gia loại hình vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP, dần bỏ xe cá nhân.

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

TP.HCM dự chi 7.500 tỷ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2

TP.HCM dự chi 7.500 tỷ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 2

TP.HCM sẽ chi 7.500 tỷ đồng bồi thường cho người dân thuộc diện giải tỏa trong dự án đường Vành đai 2.

Thị trường bất động sản vẫn đầy chung cư cao cấp, người mua nhà khó tìm ra giá thấp hơn

Thị trường bất động sản vẫn đầy chung cư cao cấp, người mua nhà khó tìm ra giá thấp hơn

Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.

Những dự án bất động sản sẽ được ưu tiên đầu tư ở TP.HCM

Những dự án bất động sản sẽ được ưu tiên đầu tư ở TP.HCM

Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

Doanh nghiệp kiến nghị nhiều cơ chế để phát triển nhà ở xã hội

Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Xử lý loạt dự án, công trình chậm tiến độ tại TP.HCM

Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.

Kỳ vọng bứt tốc trong phát triển nhà ở xã hội

Kỳ vọng bứt tốc trong phát triển nhà ở xã hội

Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc