Sau đại dịch COVID-19, thói quen mua sắm nói chung và tiêu dùng trong ăn uống của người dân đang có sự thay đổi đáng kể với việc sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, bao gồm các nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến tăng mạnh.
Theo thống kê của nền tảng công nghệ đa dịch vụ Gojek, trong quý 1/2022, lượng người dùng đặt món trên nền tảng này tăng gần gấp đôi, với tốc độ tăng trưởng ở Hà Nội lên tới 220% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, lượng người dùng mới tăng mạnh ở cả 2 thành phố, đạt hơn 160% ở Hà Nội và 80% tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Một khảo sát tháng 12/2021 từ PwC cũng cho thấy xu hướng tiêu dùng nhiều hơn của người Việt Nam sau đại dịch: 41% người được hỏi cho biết họ mua sắm hàng ngày/ hàng tuần qua điện thoại thông minh, tăng 3% so với tháng trước và gấp gần 4 lần so với 5 năm trước đó...
Đặt món trực tuyến trở thành “bình thường mới”
“Đợt giãn cách do dịch COVID-19, tôi được con gái chỉ cách gọi món trực tuyến, dần dà quen rồi thấy rất tiện!,” bà Nguyễn Thị Hạnh (65 tuổi, Hà Nội) vui vẻ kể lại lý do bén duyên với nền tảng đặt đồ ăn GoFood thuộc ứng dụng Gojek. Việc sử dụng thành thạo app đặt đồ ăn không chỉ giúp cô đỡ phải vất vả chuẩn bị cho mâm cơm cuối tuần, mà còn “tặng” bà thêm khoảng thời gian thảnh thơi vui vầy cùng con cái.
Không riêng bà Hạnh, nhiều người Việt cũng bắt đầu nhập cuộc xu hướng “tiện lợi hóa” bữa ăn qua các ứng dụng giao nhận đồ ăn trực tuyến. Làn sóng người dùng tăng trưởng mạnh mẽ khiến các chủ nhà hàng, quán ăn đầu tư nhiều hơn cho các kênh bán hàng qua ứng dụng. “Mặc dù mới kinh doanh trực tuyến trên GoFood từ sau đợt dịch COVID-19 thứ 4 nhưng lượng đơn hàng qua kênh này tốt hơn hẳn so với việc bán tại cửa hàng như trước kia. Tôi mới trả bớt một mặt bằng thuê ngoài quận 3 để tập trung cho gian hàng trực tuyến, tiết kiệm được cả chục triệu tiền thuê mặt bằng, tiền trả lương nhân viên so với trước đây,” chị Thúy Hằng (Thành phố Thủ Đức) chủ một quán đồ ăn vặt phấn khởi chia sẻ về kế hoạch “đánh chiếm” thị trường trực tuyến đầy tiềm năng.
Không chỉ tăng về số người dùng, tần suất đặt món cũng tăng mạnh sau đại dịch. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, ứng dụng Gojek ghi nhận tần suất đặt món trực tuyến tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi khách hàng cứ 5 ngày lại đặt 1 đơn đồ ăn GoFood.
Khách hàng ưu tiên đặt 'combo'
Là một bà mẹ trẻ, chị Ngọc Huyền tại quận Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh) đã thành thục các ứng dụng gọi món trực tuyến từ lâu. Mặc dù vậy, chị Huyền cũng thừa nhận, đại dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen, tần suất gọi món của chị một cách đáng kể.
Chị Huyền cho biết: “Từ tết đến giờ, cuối tuần nào cả gia đình tôi cũng kín mít lịch hẹn với bạn bè, đồng nghiệp sau một năm “cấm cửa.” Hội chúng tôi toàn các ông bố bà mẹ có con nhỏ nên đa số đều ngại khoản nấu nướng, nhưng cũng không thoải mái lắm khi mang con ra ngoài ăn uống đông đúc. Giải pháp phù hợp là hẹn hò ở nhà một thành viên trong nhóm, rồi lên ứng dụng Gojek đặt combo gà rán, pizza, hay gỏi cuốn về. Mấy đứa nhỏ thích mà ba mẹ cũng khỏe.”
Đặt món theo nhóm và theo combo đang là nhu cầu chung của nhiều gia đình hiện nay. Số liệu từ các ứng dụng giao nhận đồ ăn trực tuyến cũng nói lên xu hướng đó. GoFood của Gojek ghi nhận: Các combo đồ ăn thức uống được đặt nhiều hơn 2,5 lần vào quý 1/2022 so với cùng kỳ năm trước, phản ánh xu hướng người dùng ăn cùng nhau nhiều hơn. Trong đó, số lượng combo đồ ăn trẻ em được đặt qua ứng dụng cũng tăng rõ rệt.
Món nào được đặt nhiều nhất?
Ở góc độ khác, sự thay đổi trong xu hướng ăn uống của người dùng cũng tác động trực tiếp tới hoạt động chạy xe của các bác tài. Anh Ngọc Hiển, tài xế Gojek cho hay: “Dạo này người dùng đặt bữa sáng nhiều nên tôi tranh thủ chạy sớm, tối về nhà với vợ con. Đơn hàng đều đặn, công việc điều độ giờ giấc nên tôi thấy khá ổn.”
Số liệu từ Gojek đã khẳng định xu hướng này. Cụ thể, quý 1/2022, nền tảng GoFood ghi nhận lượng đơn đặt hàng vào bữa sáng tăng cao nhất, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy người tiêu dùng đang có xu hướng quan tâm hơn tới bữa sáng - bữa ăn quan trọng trong ngày. Trong khi đó, số lượng đơn hàng cho bữa khuya tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất. Về tỷ trọng các bữa ăn, bữa xế, bữa trưa và bữa tối vẫn là ba bữa ăn được đặt trực tuyến nhiều nhất. Xu hướng ăn uống của người Việt cũng dịch chuyển dần về những món ăn cân bằng, nhiều rau xanh hơn. Các món ăn được đặt nhiều nhất trên nền tảng GoFood là các món thuần Việt như cơm gà, gỏi cuốn, bún, mì...
Chia sẻ về những khám phá thú vị qua các con số thống kê, bà Lê Nguyễn Ngọc Dung, Giám đốc Phát triển Đối tác GoFood của Gojek Việt Nam cho biết thêm: “Việc hiểu rõ xu hướng tiêu dùng ẩm thực giữ vai trò vô cùng quan trọng, cho phép Gojek đáp ứng tốt hơn nhu cầu thay đổi của người dùng, đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp cho các thành viên trong hệ sinh thái. Ngoài nỗ lực đa dạng các lựa chọn món ăn trên nền tảng GoFood, chúng tôi không ngừng tìm kiếm các giải pháp nhằm giúp kết nối hiệu quả các đối tác kinh doanh với khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng trong việc đặt món ăn phục vụ nhu cầu hàng ngày”.