Chuỗi cà phê nổi tiếng Nhật Bản % Arabica đã chính thức có cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM sau ba năm thương hiệu tiết lộ sẽ tấn công Việt Nam.
% Arabica là chuỗi cà phê nổi tiếng bậc nhất Kyoto (Nhật Bản), được thành lập năm 2013 bởi Kenneth Shoji. Sau khi được người Nhật đón nhận, ông đã mở rộng ra nhiều thị trường như Canada, Ả Rập Xê Út, Myanmar, Ấn Độ, Mexico, Hàn Quốc, Mỹ… Hiện % Arabica có mặt tại khoảng 20 quốc gia trên thế giới, hầu hết là cửa hàng nhượng quyền.
Tại Việt Nam, cửa hàng đầu tiên của % Arabica nằm tại chung cư cà phê 42 Nguyễn Huệ, đúng như tiết lộ ban đầu của thương hiệu hồi cuối năm 2021. Đây là một trong những chung cư cũ có rất nhiều thương hiệu cà phê, thu hút giới trẻ tại TP.HCM với góc nhìn hướng ra đường đi bộ Nguyễn Huệ.
Chung cư 42 Nguyễn Huệ cũng được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế giới thiệu và đánh giá cao, dành cho du khách khi đến TP.HCM.
“Vị trí đầu tiên, chúng tôi đã chọn một tòa nhà rất dễ thương và mang tính biểu tượng tại trung tâm TP.HCM”, thông tin từ phía % Arabica cho biết. Cách thiết kế mang phong cách tối giản của Nhật Bản vẫn được giữ nguyên cho cửa hàng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, cửa hàng này chỉ rộng 100m2 do phụ thuộc vào kiến trúc của chung cư cũ. Về mặt bằng và diện tích, cửa hàng % Arabica đầu tiên tại Việt Nam có phần không giống với các cửa hàng % Arabica khác trên thế giới.
Tại Nhật Bản, hai cửa hàng tại quận Arashiyama và Higashiyama (Nhật Bản) lúc nào cũng có hàng dài người xếp hàng đợi mua, dần trở thành địa điểm “phải đến” với khách du lịch. Tại các nước khác, cửa hàng % Arabica cũng được đánh giá có cách chọn vị trí và thiết kế tương tự tại Nhật.
Tại Việt Nam, % Arabica hợp tác với The Kho Group (trụ sở tại Hồng Kông) để phát triển chuỗi.
"Địa điểm là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với % Arabica khi mở ở các khu vực mới" ông Vynce Nguyen - Giám đốc điều hành The Kho Group Việt Nam nói và cho biết thêm rằng sau khi nhóm thực hiện một số cuộc khảo sát địa điểm rộng rãi, họ yêu thích tòa nhà chung cư cà phê Nguyễn Huệ và đi đến quyết định mở cửa hàng đầu tiên tại đây.
Cửa hàng tại chung cư 42 Nguyễn Huệ là cửa hàng đầu tiên của % Arabica tại Việt Nam, đồng thời là cửa hàng thứ 142 trên toàn cầu của thương hiệu này.
Sự xuất hiện của % Arabica càng làm nóng hơn thị trường cà phê chuỗi tại Việt Nam. Theo nghiên cứu của Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà tại Việt Nam hiện đạt quy mô khoảng 1 tỷ USD mỗi năm. Thị trường này đang nằm trong tay một số thương hiệu lớn như Highlands Coffee, Phúc Long, The Coffee House, Trung Nguyên, Starbucks Coffee nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp nào chiếm ưu thế.
Vì vậy, thời gian qua, trong khi các “ông lớn” đang tiếp tục bành trướng để gia tăng thị phần thì hàng loạt các thương hiệu mới từ trong đến ngoài nước nhảy vào tham gia, khiến cuộc chiến ngày càng khốc liệt hơn.
Với "tân binh" % Arabica, "ông lớn" này đã nhanh chóng có kế hoạch ra mắt cửa hàng thứ hai trong một trung tâm thương mại ngay quận 1, TP.HCM. Nhiều khả năng, cửa hàng thứ hai này sẽ khớp với phong cách % Arabica tại Nhật cũng như trên thế giới. Với mục tiêu hướng tới khách du lịch, các cửa hàng tiếp theo của % Arabica tại Việt Nam đang nhắm đến là Hà Nội, Hội An (Quảng Nam) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Quả lê Nhật Bản chỉ có vào mùa thu, giá bán lên đến 300.000 đồng/kg và bán theo quả
Ngành công thương TP.HCM đang tích cực chuẩn bị triển khai kế hoạch bình ổn hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm.
Huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) đang trở thành đảo xanh trong mắt du khách. Với mô hình “Xách giỏ đi chợ thay túi ni lông”, người dân nơi đây đang chung tay làm kinh tế tuần hoàn, môi trường xanh giúp ngành “kinh tế không khói” nơi đây phát triển.
Chiều ngày 3/10 tại TP.HCM, Tập đoàn TTC và Sojitz Việt Nam đã chính thức ký kết biên bản ghi nhớ với nhiều nội dung quan trọng nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên trên các lĩnh vực hoạt động và kinh doanh.
Để phục vụ nhu cầu người dân, ngành đường sắt sẽ bổ sung nhiều đoàn tàu kết nối TP.HCM và các tỉnh miền Trung trong cao điểm Tết Nguyên đán.
Phần lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết của SATRA giảm mạnh phần nào cho thấy sự khó khăn của liên doanh Heineken tại thị trường Việt Nam. Hồi tháng 6, Heineken cũng vừa đóng cửa một nhà máy tại Quảng Nam.