Hiện nay, kinh tế xã hội ngày càng phát triển, đi liền với đó là nhu cầu nhà ở, kinh doanh ngày càng cao. Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 3.335 nhà cao từ 10 - 29 tầng, 283 nhà cao từ 30 tầng trở lên với nhiều loại hình đa dạng như: chung cư, văn phòng, khách sạn, nhà trẻ, lớp học, trung tâm thương mại, gara… Đó là chưa kể các nhà cao tầng của người dân xây dựng với mục đích chính là để ở.
Không may, cháy nổ có thể xảy ra ở bất kỳ công trình xây dựng nào nhưng phần lớn vẫn là ở nhà dân. Và không chỉ các ngôi nhà có chi phí xây dựng thấp mà ngay cả với các tòa nhà cao tầng, các ngôi biệt thự với chi phí lớn, thực tế là các chủ đầu tư vẫn chưa chú ý đến yếu tố phòng ngừa sự cố ngay từ khâu thiết kế, cũng như đầu tư lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Theo các kiến trúc sư, do công tác quy hoạch đô thị, nhà phố ở Việt Nam thường là loại hình nhà ống có diện tích nhỏ và sâu, lại chỉ có một mặt tiền. Vì vậy khi xây nhà, gia chủ không nên tận dụng toàn bộ diện tích sàn, thay vào đó nên chừa không gian cho ban công hoặc lo-gia. Nếu muốn, gia chủ có thể tăng số tầng để bù lại diện tích mặt bằng. Bên cạnh tính thẩm mỹ, ban công hoặc lo-gia sẽ là nơi thoát thân giúp các nạn nhân duy trì sự sống, ngăn cách người với không gian ngạt khói bên trong nhà nếu xảy ra hoả hoạn. Trong trường hợp ban công hoặc lo-gia quây lam, lưới… thì nên có ô cửa mở bằng bản lề, có khoá để mở khi cần thiết.
Ngoài ban công hoặc logia, gia chủ cũng nên cân nhắc thiết kế sân thượng - một khoảng trống rộng và thoáng có công dụng tương tự ban công. Trong trường hợp xảy ra cháy ở các tầng dưới, nạn nhân có thể thoát thân lên sân thượng để chờ sự hỗ trợ từ phía các lực lượng cứu hộ. Với các căn nhà phố chỉ có một mặt tiền, cầu thang nên xây dựng gần mặt tiền hoặc gần các khoảng sân vườn. Khi hoả hoạn, dù là cửa sổ hay cửa chính cũng đều là các lối thoát thân quyết định sự sống còn.
Loại cửa lùa hoặc loại cửa mở bản lề xoay sẽ là lựa chọn an toàn hơn so với việc làm cửa sổ chết hoặc cửa lật sẽ gây khó khăn cho việc trèo ra khi có sự cố. Dù khá phổ biến nhưng các loại cửa chính là cửa sắt kéo hay cửa nhôm cuốn đều không thuận tiện cho việc thoát hiểm, gia chủ nên cân nhắc thay thế bằng các hệ cửa mở; nếu có thể, nên làm cửa mở quay ra ngoài sẽ dễ thoát hiểm hơn.
Bên cạnh đó, không gian bếp là không gian dễ gây ra cháy nhất, vì thế gia chủ rất cần lưu ý khi thiết kế và sinh hoạt. Thứ nhất, bếp tỏa rất nhiều nhiệt nên cần bố trí thông thoáng, có khe tản nhiệt ở tủ bếp. Dây tiết diện của bếp cũng cần đủ tải để không gây cháy nổ. Khi bếp nên tiếp cận với một khu giếng trời thông thoáng khí.
Một lưu ý rất quan trọng trong quá trình thiết kế và xây dựng nhà ở là bố trí không gian mở trong căn nhà, cố gắng liên thông không gian này với khu vực bếp, đảm bảo lượng không khí và ánh sáng lưu thông tự nhiên. Khi xảy ra sự cố, sẽ hỗ trợ thoát khói, khí độc ra ngoài nhà nhanh hơn, đồng thời tạo điều kiện cho lực lượng chức năng có thể tổ chức cứu hộ từ trên xuống.
Các kiến trúc sư cũng khuyến cáo, để thuận lợi trong quá trình thoát nạn khi có sự cố, các cửa thông ra khu vực an toàn, thông thoáng như ban công, giếng trời, mái nhà chỉ nên chốt cửa thay vì khóa cứng. Người dân có thể lắp tấm sắt đục lỗ che chắn toàn bộ nan cửa để chống trộm cắp. Ngoài ra, không nên xây dựng kiên cố khoảng lưu không sau nhà mà nên để không gian mở, giữ nguyên chức năng không gian này là lối lưu thông không khí, lấy ánh sáng tự nhiên và là lối thoát nạn ra ngoài khi có cháy nổ xảy ra.
Với các căn hộ chung cư nên có những thỏa thuận với các căn liền kề phía dưới hoặc phía trên để có thể đặt hệ thống thang cứng hoặc thang dây di chuyển qua nhau khi cần thiết. Có thể liên kết bằng việc bố trí các miệng cửa thoát hiểm ngay phía dưới ban công mỗi nhà.
Hiện nay, nhiều người dân đã đi tìm mua thiết bị phòng cháy, chữa cháy nhằm chủ động ứng phó khi hỏa hoạn xảy ra. Tại cửa hàng kinh doanh bảo hộ lao động trên phố Yết Kiêu, TP Hà Nội, loại thang dây thoát hiểm có hai loại là dây dù và dây cáp, bán kèm là bộ dây đai, giá cả dao động từ 75.000 đồng - 150.000 đồng/mét. Bình chữa cháy cũng có 2 loại đang phổ biến trên thị trường hiện nay là dạng bột và dạng khí CO2. Dạng bột loại 1-8kg có giá từ 180.000 đồng - 350.000 đồng/bình; dạng khí CO2 từ 3-5kg có giá từ 350. 000 - 550.000 đồng/bình...
Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó trưởng CAQ Bắc Từ Liêm cho biết: “Người dân chủ động trang bị dụng cụ an toàn PCCC là cần thiết. Khi có sẵn bình chữa cháy trong nhà, phát hiện lửa nhỏ dập tắt đơn giản, kèm với dụng cụ có sẵn như búa, kìm phá khóa khi gặp sự cố sẽ thoát nạn đơn giản hơn. Có dây thoát hiểm thả chậm và được chủ động nghiên cứu phương án, khi không may gặp sự cố phải bình tĩnh thoát hiểm để được an toàn”.
Lưu ý, người dân khi mua bình chữa cháy mini cần tìm hiểu kỹ các thông số, đặc biệt không nên ham giá rẻ hoặc với tâm lý đối phó các lực lượng kiểm tra mà mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc với giá rẻ. Bởi khi đưa vào sử dụng có thể không đảm bảo hiệu quả chữa cháy, thậm chí còn gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng.
Khi mua các bình chữa cháy phải quan sát tem kiểm định dán trên bình chữa cháy vì các phương tiện được kiểm định mới bảo đảm an toàn khi sử dụng. Khách hàng không nên mua hàng trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, chất lượng kém, không được kiểm tra an toàn, gây nguy hiểm khi sử dụng. Đặc biệt, khi mua bình chữa cháy, khách hàng nên lựa chọn sản phẩm có dung tích, trọng lượng phù hợp với sức khỏe, thể lực của mình và người thân.
Về vấn đề thang dây thoát hiểm từ tầng cao xuống thấp, chuyên gia phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ lưu ý, thang dây khác với dây thoát hiểm thả chậm. Về tính an toàn và dể sử dụng thì dây thoát hiểm linh hoạt hơn, an toàn hơn do dụng cụ này có thể chịu trọng lượng lên đến 1.000 kg. Tính tối ưu của dây thoát hiểm thả chậm có hộp tự điều chỉnh tốc độ theo trọng lượng cơ thể và có móc khóa an toàn nên khi tụt xuống khó bị văng ra. Về thang dây khi thả xuống, người thoát nạn tự trèo theo bậc thang và khó thao tác, đặc biệt nguy hiểm nếu khoảng cách cao tầng dây sẽ văng đi, văng lại gây mất thăng bằng.
Đặc biệt, việc mua sắm thiết bị phòng cháy, thoát nạn, người dân cần đến cửa hàng uy tín chuyên bán đồ bảo hộ lao động hoặc cửa hàng quen biết để tránh mua phải đồ kém chất lượng.
Theo vneconomy.vn
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.