Thời gian qua, thị trường bất động sản đang ghi nhận hàng loạt khó khăn khi thanh khoản thấp, nguồn cung khan hiếm, hạn chế room tín dụng, lãi suất tăng cao... Hệ lụy kéo theo, cả thị trường gần như "tê liệt", tình trạng lệch pha cung cầu đã khiến bất động sản phát triển không bền vững.
Theo Bộ Xây dựng, trong quý 3/2022, nguồn cung nhà ở từ các dự án mới được bổ sung không nhiều, chủ yếu vẫn đến từ những dự án đã được triển khai và đang được mở bán.
Cụ thể, trong quý, có 17 dự án nhà ở thương mại hoàn thành (khoảng 4.123 căn), bằng khoảng 71% so với quý 2/2022 và bằng khoảng 34% so với cùng kỳ năm 2021; 2 dự án nhà ở thu nhập thấp hoàn thành (310 căn), bằng khoảng 66,7% so với quý 2/2022 và bằng khoảng 33,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, có 1.148 dự án nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng với 324.511 căn, số lượng tương đương với quý 2/2022 và bằng khoảng 163,3% so với cùng kỳ năm 2021; 46 dự án nhà ở thu nhập thấp đang triển khai xây dựng với 25.216 căn, số lượng bằng khoảng 48% so với quý 2/2022 và bằng khoảng 55,4% so với cùng kỳ năm 2021; 27 dự án nhà ở công nhân đang triển khai xây dựng (20.250 căn), tập trung chủ yếu tại Long An (10 dự án), Phú Thọ và Bắc Giang (3 dự án), số lượng dự án bằng khoảng 112,5% so với quý 2/2022.
Số liệu tổng hợp cũng cho thấy, trong quý chỉ có 57 dự án nhà ở đủ điều kiện bán với 18.885 căn, bằng khoảng 71,3% so với quý 2/2022. Về lượng giao dịch, nhìn chung trong 9 tháng năm 2022, số lượng nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch (nguồn cung) hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao.
Lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ đạt 51.003 giao dịch thành công, tập trung chủ yếu tại TP.HCM; tổng lượng giao dịch bằng khoảng 73,8% so với quý 2/2022 và bằng khoảng 439% so với cùng kỳ năm 2021. Giao dịch đất nền có 115.129 giao dịch thành công, bằng khoảng 54% so với quý 2/2022.
Theo các chuyên gia, sự trầm lắng của thị trường được cho là vòng xoay đúng quỹ đạo sau khoảng thời gian tăng nóng của bất động sản. Những khó khăn hiện tại của thị trường địa ốc khiến nhiều người dự đoán giá bất động sản còn giảm mạnh ở thời điểm cuối năm 2022 và sang năm 2023.
Đánh giá về thị trường trong các tháng cuối năm và năm 2023, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng trong bối cảnh tình hình chung trên thế giới trong một năm nữa cũng khó thay đổi nhiều, ông Võ nhận định tình hình kinh tế các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… khả năng hướng xấu nhiều hơn tốt. Theo đó, nếu Chính phủ có những chính sách đặc thù hỗ trợ thị trường bất động sản thì thị trường này mới có xu hướng tích cực hơn.
Trong khi đó, nhìn nhận thị trường với góc độ tích cực hơn, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng năm tới được coi là cơ hội vàng để giải quyết những khó khăn, chồng chéo những vấn đề vướng mắc của thị trường bất động sản, bởi Nghị quyết 18-NQ/TW sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…
"Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan đang được Quốc hội xem xét, một khi được thực thi sẽ tháo gỡ vướng mắc nguồn cung bất động sản…", ông Châu nói.
Cùng quan điểm, ông Lê Đình Hảo - Giám đốc khối kinh doanh của một đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản dự báo, đầu quý 4 khả năng thanh khoản trên thị trường vẫn chậm, nhưng tới cuối quý thì các chỉ báo sẽ tốt hơn. Nguyên nhân là vì trong quý cuối cùng của năm, các dòng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thường đổ vào bất động sản, hơn nữa đầu tư công, vốn FDI cũng thường được đẩy mạnh vào thời gian này. Kiều hối đổ về nước dự kiến năm nay thu hút 14-16 tỷ USD là trợ lực dòng tiền giúp thị trường cuối năm có thanh khoản tốt hơn.
Dự báo về thị trường những tháng đầu năm 2023, ông Hảo cho rằng dù còn khó khăn nhưng thị trường cũng sẽ dần ổn định hơn khi chính sách liên quan lãi suất tín dụng, tỷ giá được ban hành ổn định.
Thực ra thị trường hiện cũng đang được hỗ trợ bởi chính sách 2% cho doanh nghiệp (gói 25.000 tỷ) và người mua nhà (gói 15.000 tỷ), nhưng hiện tại chưa hấp thụ tốt, vì doanh nghiệp được hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện như không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo, dòng tiền ổn định... Tuy nhiên năm 2023, khi ổn định chính sách lãi suất thì các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn, giúp thị trường ổn định hơn.
Nguồn cung chung cư cao cấp vẫn chiếm lĩnh thị trường bất động sản nhà ở Việt Nam so với các hạng trung bình và giá rẻ. Trong khi đó, TP.HCM và Hà Nội ghi nhận sự sụt giảm của mức độ quan tâm đến phân khúc cao cấp.
Gần 20 dự án bất động sản đã được đưa vào danh mục 84 dự án, công trình được ưu tiên bố trí vốn hoặc kêu gọi đầu tư; danh mục do lãnh đạo UBND TP.HCM vừa ban hành. Không ít dự án bất động sản trong danh mục đang ở các vị trí "vàng".
Các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng những thay đổi về mặt chính sách trong thời gian gần đây đã tạo điều kiện tốt hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, tuy nhiên cần có những cơ chế bứt phá mới để tăng nguồn cung thị trường.
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Cơ quan chức năng ở TP.HCM bắt đầu tháo dỡ các công trình sai phạm trên khu "đất vàng" tại quận 10. Mục đích thu hồi là để xây một trường học mới.