Cuộc đối đầu giữa 3 nhà mạng Viettel, VNPT và MobiFone luôn là tâm điểm của thị trường viễn thông, nhất là sau khi Việt Nam triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP).
Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), sau 4 năm diễn ra cuộc chiến chuyển mạng giữ số (từ 16/11/2018-8/5/2023), Viettel đứng đầu khi thu hút hơn 1,8 triệu thuê bao chuyển đến thành công. Dù Viettel cũng bị mất hơn 623.000 thuê bao vào tay các nhà mạng khác nhưng tính ra Viettel vẫn có lợi thế. Về phía VinaPhone của VNPT cũng bị mất hơn 626.000 thuê bao nhưng bù lại, VinaPhone đã kéo được gần 980.000 thuê bao về.
Chỉ MobiFone là không được lợi gì nhưng dựa trên số liệu, MobiFone lại ổn định nhất so với Viettel, VNPT.
Việc Viettel thắng thế trong cuộc đua MNP không gây bất ngờ. Bởi ngay từ trước khi Việt Nam áp dụng chính sách chuyển mạng giữ số, Viettel đã có ưu thế về vùng phủ sóng rộng và sâu nhất, với gần 130.000 trạm thu phát sóng, sở hữu khoảng 50.000 trạm 4G, với trên 70 triệu thuê bao và là nhà mạng đầu tiên thử nghiệm 5G thành công. Đây là những thế mạnh mà VNPT, MobiFone không thể bì kịp.
Từ đó đến nay, Viettel vẫn không ngừng đầu tư và đã có thể triển khai các sản phẩm theo tiêu chuẩn công nghệ toàn cầu như hệ thống giám sát mạng lưới thông minh SOC; hệ thống mạng lõi, mạng vô tuyến 5G; hệ thống trung tâm điều hành thông minh...
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, cho rằng: “Tầm vóc của Viettel bây giờ là tập đoàn toàn cầu”.
Cục Viễn thông đánh giá, chuyển mạng giữ số đã tạo ra thế cạnh tranh cần thiết. Trong đó, người dùng được hưởng lợi nhất bởi các nhà mạng tìm cách nâng cấp hạ tầng mạng lưới, tăng chất lượng dịch vụ cũng như đa dạng hóa các gói cước ưu đãi. Chẳng hạn, MobiFone vừa giới thiệu đến thị trường “gói cước buffet” với giá chỉ từ 10.000 đồng/ngày. Còn VinaPhone cạnh tranh bằng những gói cước mang tên FB, TK. Riêng Viettel tung ra các gói cước ưu đãi cho thuê bao trả sau.
Nhưng như ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT, từng thừa nhận: “Các doanh nghiệp ICT đã và đang chứng kiến sự tăng trưởng nhanh về dữ liệu (data) và dịch vụ số, nhưng doanh thu đối với các dịch vụ truyền thống (gọi và SMS) đang giảm dần và thị trường viễn thông chứng kiến sự cạnh tranh về giá gần như không kiểm soát giữa các doanh nghiệp”.
Theo Công ty Kiểm toán EY, cạnh tranh xoay quanh giá cả và mức giá cước thấp đã khiến ngành di động Việt Nam giảm khả năng sinh lời. Trong bức tranh đó, Viettel dù đạt tăng trưởng 6,06% về doanh thu hợp nhất nhưng nếu tính riêng doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước thì chỉ tăng 3,8%.
Những năm gần đây, cả Viettel, VNPT, MobiFone đã tìm cách chuyển hướng lên thành công ty công nghệ số, thay vì chỉ là nhà viễn thông như trước. Bởi vì, theo Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch vụ viễn thông ngày càng bão hòa khi tổng doanh thu dịch vụ viễn thông năm 2022 chỉ tăng 1,6% so với năm 2021.
Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng data và sự phát triển của công nghệ di động 4G, 5G đã làm cho các ứng dụng trên nền tảng OTT đua nở (như Zalo, Messenger, Viber...), đẩy dịch vụ viễn thông di động vào thế suy yếu. EY tính toán, dịch vụ cơ bản như SMS, thoại giảm sút, chỉ còn đóng góp 60% vào doanh thu dịch vụ di động.
Vì thế, dù đã chiếm vị trí số 1 trong ngành viễn thông di động, với khoảng 54% thị phần nhưng Viettel vẫn thúc đẩy thị trường mới. Ngoài đầu tư phát triển mạng 5G, triển khai Mobile Money, theo ông Tào Đức Thắng, năm 2023, Viettel tập trung phát triển các thuê bao số và nhất là sẽ phát triển hệ sinh thái dịch vụ Viettel Cloud với doanh thu ước đạt 1.000 tỉ đồng.
Tương tự, dù dẫn đầu về dịch vụ băng thông rộng, với 39,5% thị phần nhưng VNPT vẫn chạy đua đầu tư hạ tầng. Gần nhất, VNPT hợp tác với Nokia triển khai hạ tầng băng rộng cáp quang tốc độ 10 GB/s đầu tiên tại Việt Nam. Lãnh đạo VNPT tin tưởng, đến năm 2025, công ty này sẽ trở thành nhà cung cấp hàng đầu về hạ tầng số và dịch vụ số tại Việt Nam, hướng tới một Digital Hub của châu Á.
Chỉ MobiFone là khá chậm chân trong cuộc đua mới này. Ông Tô Mạnh Cường, Tổng Giám đốc MobiFone, xác nhận: “Nhiệm vụ sống còn của MobiFone phải là mở rộng không gian mới khi các dịch vụ truyền thống sụt giảm”. MobiFone đã đề cập việc đầu tư trung tâm dữ liệu tại Hòa Lạc, xây dựng hạ tầng số. Xa hơn, MobiFone muốn giành vị thế trong các lĩnh vực như kinh doanh data, tài chính số, y tế số, giáo dục số...
Viettel, VNPT, MobiFone không chỉ cạnh tranh nội bộ mà sẽ còn phải đương đầu với những đối thủ mới đến từ các công ty công nghệ lớn ở trong nước và quốc tế. Dù khốc liệt nhưng theo dự báo của EY, lĩnh vực công nghệ thông tin Việt Nam rất hấp dẫn, ước đạt 11,8 tỷ USD năm 2025 so với mức 7 tỷ USD năm 2020 và có thể đạt 16,5 tỷ USD vào năm 2030.
EY nhận định, đến năm 2025, các dịch vụ số chiếm tỉ trọng lớn sẽ là thanh toán di động, thương mại điện tử, internet vạn vật (IoT), quảng cáo số, nội dung số, giao dịch trên ứng dụng, truyền thông số, giáo dục số, game trực tuyến, nhạc số và y tế số... Nếu doanh nghiệp viễn thông nào sớm tham gia cung cấp hạ tầng, kết nối và gia nhập chuỗi cung ứng dịch vụ số cho xã hội, doanh nghiệp đó sẽ có nhiều cơ hội.
Theo Nhịp cầu Đầu tư
Cơ quan chức năng đã phân loại các dự án, công trình tồn đọng, chậm tiến độ trên địa bàn TP.HCM thành 5 nhóm và sẽ tiến hành rà soát, xử lý trong thời gian tới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa đưa ra lộ trình giúp Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.